Tháng Bảy 1942, chuyến chở người Do Thái đầu tiên từ Hoà Lan đến, làm tăng vọt lên đến con số hàng ngàn người Do Thái bị bắt từ khắp các nước châu Âu – Pháp, Slovakia, Hy Lạp, Hungary… Không chỉ có người Do Thái, tù nhân ở Auschwitz còn thuộc nhiều thành phần khác nhau: Tù nhân chính trị Ba Lan , những kẻ đồng tính luyến ái, và cả bọn tội phạm hình sự. Không có bất kỳ một khe hở nào cho họ trốn thoát, nếu có chăng, là các ống khói (mà trước đây người ta cho rằng tù nhân đã thực hiện thành công những vụ đào tẩu, nhưng thật ra chuyện này chưa từng xảy ra).
Địa ngục trần gian
Hầu hết tù nhân đều bị cạo trọc đầu – kể cả nữ. Mỗi ngày tù nhân bị điểm danh hai lần và họ phải đứng cứng đờ như tượng gỗ cho đến khi nào việc này kết thúc – thông thường kéo dài đến hàng giờ. Rồi sau đó, tù nhân lếch thếch đi vòng quanh sân trại, qua những phân xưởng, hầm mỏ và công trường xây dựng. Họ kéo lê bước chân mệt mỏi – và mỉa mai làm sao – lại có một dàn nhạc cất tiếng khi họ đi ngang qua.
Chốt gác của lính Đức Nếu giữa năm 1941, mỗi ngày có khoảng 600-700 tù nhân bị đưa vào phòng hơi ngạt, thì đến cuối năm, mỗi ngày có đến 2,000 mạng người bị giết bằng hình thức này. Lò thiêu xác hoạt động không ngưng nghỉ. Mỗi ngày, trong trại giam có bốn tiếng để điểm danh ngoài trời, bắt đầu từ 4:30 sáng. Trong lúc chờ để được điểm danh, tù nhân ngồi xổm, tay đặt lên đầu. Những người vi phạm như làm mất vật dụng, nút áo, rửa chén không sạch… sẽ bị trừng phạt bằng các hình thức đánh đập dã man. Sau khi điểm danh, đội lao động đi làm việc, mặc đồng phục sọc, không đồ lót, đi những đôi giày gỗ kích cỡ không phù hợp, và không được mang vớ. Ngày làm việc kéo dài 12 tiếng, kể cả ngày Chủ Nhật, tại các địa điểm thi công, khu khai thác sỏi, và bãi gỗ.
Block số 11, nơi những người vi phạm nhiều quy tắc bị trừng phạt dã man Mỗi sáng, tù nhân được phát một cốc cafe; trưa – một bát soup toàn nước; và chiều – một mẩu bánh mì. Những người được chọn để làm việc thì bị xâm một con số vào cánh tay trái, được phát đồng phục, bát và thìa. Hầu hết những người này chỉ sống được vài tuần hoặc nhiều lắm là vài tháng. Trong cộng đồng gồm toàn những người cùng cảnh ngộ, không phải luôn luôn tù nhân thương yêu nhau. Họ có thể dùng nhiều thủ đoạn để giết nhau trước khi bàn tay của SS đặt đến. Một phương cách dễ thực hiện nếu muốn ám hại kẻ khác là đánh cắp mũ của người đó – vì trong buổi điểm danh sáng, tù nhân nào không đội mũ thì xem như mạng sống của anh ta không tồn tại.
Mỗi căn phòng chật hẹp chứa từ 800-1,000 người . Tù nhân ngủ trên những chiếc giường gỗ xếp thành dãy dài, ba tầng. Theo lời kể của người hướng dẫn, người nằm tầng trên nếu bị tiêu chảy thì toàn bộ những người tầng dưới… hứng trọn. Các phòng tối nằm dưới tầng hầm, mỗi phòng chỉ có một cửa sổ rất nhỏ và một cánh cửa chắc. Tù nhân bị giam ở đây sẽ dần ngạt thở do tiêu thụ hết lượng oxygen trong phòng.
Các máy nghiền xác tù nhân Một câu chuyện trốn thoát
Những tù nhân đầu tiên đến trại Auschwitz được cấp mã số, đóng lên miếng vải hoặc may vào quần áo tù. Nhưng nhiều tù nhân thay quần áo của họ với người đã chết, nên vào mùa Thu 1941, tù nhân được xăm hình lên ngực để nhận diện. Block 11 tại Auschwitz I là nơi những người vi phạm nhiều quy tắc bị trừng phạt. Một số tù nhân bị phạt cả đêm trong stehbunker (phòng đứng). Những xà lim này có diện tích khoảng 1.5m², chứa bốn người ; họ không phải làm gì ngoài việc đứng. Các tù nhân bị kết án tử hình vì cố gắng chạy trốn và bị giam trong những phòng tối và bỏ mặc cho đến chết.
Ở tầng hầm của trại Auschwitz, còn có các cối xay thịt, dùng để nghiền tù nhân. Sau hơn nửa thế kỷ, mùi ám khí cảm giác vẫn còn thoang thoảng. Người hướng dẫn yêu cầu khách tham quan đi từng người một, yên lặng như một cách để tưởng niệm những tù nhân vô tội.
Hành lang treo đầy hình ảnh của tù nhân có đủ tên tuổi, ngày chết Phòng treo hình ảnh những bà mẹ và con cái của họ bị chết trong phòng khí độc Đã có rất nhiều vụ trốn thoát được tổ chức nhưng hình như không có lần nào thành công. Trong đó, cuộc đào tẩu của vợ chồng Mala Zimetbaum và Edward Galinski (Ba Lan ) là vụ nổi tiếng nhất, trở thành huyền thoại được lan truyền trong đám tù nhân. Cô Zimetbaun – chỉ mới 20 tuổi (năm 1944) – là người thông thạo nhiều thứ tiếng, nên được bọn Quốc Xã dùng làm thông dịch viên. Lợi dụng sự thuận tiện của công việc, cô chuyển những thông tin, chỉ thị cho phong trào kháng Đức trong trại. Cô còn liều lĩnh tráo thẻ căn cước của những phụ nữ đã chết để thế mạng cho những phụ nữ sẽ bị vào phòng hơi ngạt.
Zimetbaun gặp và yêu một tù nhân chính trị – anh E. Galinski. Họ bàn kế hoạch đào tẩu bằng cách mua chuộc một tên SS cung cấp cho họ quân phục. Galinski còn đánh cắp được một giấy ra trại trong phòng bảo vệ. Ngày 24 Tháng Sáu 1944, Galinski – trong bộ quân phục SS – dắt một nữ tù nhân (cô Zimetbaun) bước ra cổng trại Auschwitz. Thoát!…
Nhưng chỉ hai tuần sau, bọn SS truy tìm được hai người – đang ở phía Nam Ba Lan . Án treo cổ được ấn định vào ngày 15 Tháng Chín 1944. Galinski bị xử trước. Anh vuột vòng giây treo ra khỏi cổ mình, đá tung cái ghế làm giàn giá phía dưới, và hét to: “Nước Ba Lan muôn năm!”… Riêng Zimetbaun thì được xếp đứng trước một nhóm nữ tù nhân để nghe bọn Quốc xã luận tội. Nhưng bọn cảnh vệ chưa kịp thực hiện việc treo cổ cô, Zimetbaun đã rút một con dao cạo giấu trong người và cắt mạch máu ở cổ tay, vung máu bắn tung tóe vào đám lính thi hành án.
Phòng chứa các bình khí độc Ngày cáo chung của Auschwitz
Ngày 20 Tháng Tám 1944, hơn 120 pháo đài bay từ căn cứ không quân Mỹ ở Foggia (Ý) bay vần vũ trên bầu trời Auschwitz, oanh tạc các phân xưởng của Upper Silesia và mục tiêu chính là nhà máy I.G. Farben (còn được biết dưới cái tên quen thuộc là “Buna”). Lực lượng đồng minh vẫn e ngại không tấn công trực tiếp xuống trại Auschwitz vì sợ ảnh hưởng tính mạng của tù nhân.
Tiếng bom nổ và đà tấn công mạnh mẽ của lực lượng đồng minh đã đến tai những tù nhân trong trại. Họ lập tức bàn các phương án chống lại bọn SS đồng thời phá trại. Những ai làm việc trong các phân xưởng sản xuất vũ khí – hầu hết là nữ – tìm cách tuồn thuốc súng ra bên ngoài. Một kế hoạch được bàn thảo: Đầu tiên là tấn công vào các phòng hơi ngạt, giết đám lính bảo vệ, rồi cắt những hàng rào vây xung quanh Auschwitz và Birkenau. Nhưng trước khi hành động được thực hiện thì ngày 7 Tháng Mười 1944, bọn SS ra lệnh buộc 300 tù nhân “chuyển trại” – có nghĩa họ sẽ bị giết . Những tù nhân này quyết định chiến đấu chống lại bọn SS cho đến phút cuối. Tuy nhiên, cuộc kháng cự chỉ giết được ba tên SS và cái giá phải trả quá đắt: 451 tù nhân đã bị bắn hoặc tống vào lò hỏa thiêu.
Giá treo cổ Xăm số tù nhân Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, những chuyến chở tù nhân đến Auschwitz ngưng hẳn. Lò hỏa thiêu trở nên lạnh tanh. Bọn Đức Quốc Xã chuẩn bị thu dọn vết tích diệt chủng. Nhiều đội tù nhân được lệnh phải lau chùi sạch ống khói lò hỏa thiêu bị cặn khói của mỡ nạn nhân bám dày đến hơn 500 cm! Lệnh chuyển số tù nhân còn lại về Berlin được yêu cầu thi hành gấp. Ngày 18 Tháng Một 1945, từng hàng dài tù nhân (tất cả khoảng 58,000 người ) được dẫn ra khỏi cổng trại, hướng về phía Tây. Đó là chuyến đi cuối cùng của họ – không phải về cõi chết nữa mà trở lại cuộc sống tự do, vì mọi người được giải thoát không lâu sau đó: 27 Tháng Một 1945.
Những bó hoa tươi được đặt trang trọng tại chỗ mà cách đây hơn nửa thế kỷ là những xác chết chất đầy Khi Auschwitz được giải phóng, trong trại còn lại đầy tàn tích đậm nét diệt chủng: Hơn một triệu bộ quần áo, bảy tấn tóc; hàng đống giày, mắt kính, đồ nấu ăn và nhiều thứ linh tinh khác. Tất cả những thứ vừa kể được tìm thấy tại chỉ sáu kho trong tổng cộng 35 kho trữ. Những kho còn lại đã bị bọn lính Đức đốt trước khi chúng rút đi. Trong thời gian không phải quá dài – 58 tháng – tính từ ngày được thành lập cho đến khi sụp đổ, trại Auschwitz là mồ chôn của bao nhiêu nạn nhân? Theo số liệu của Liên Xô vào Tháng Năm 1945 thì có bốn triệu người chết ở đây, nhưng giới sử học phương Tây cho rằng con số chính xác hơn là từ 1.1 triệu đến 1.5 triệu nạn nhân.
Bài và ảnh: Đoan Trang /Saigon Nhỏ
Vấn đề khi nhấn? Chép và dán URL này vào trình duyệt:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét