Hỏi : Xin cha giải thích tại sao các nữ tu được gọi là “SƠ”
Đây có phải là một “chức tước” gì trong Giáo Hội không và taị sao
Cha mẹ các linh mục, nữ tu lại được gọi là “Ông Bà Cố” ?Có giáo lý
nào buộc phải gọi như vậy không ?
Trả lời :
1- Trước đây, thời người Pháp còn cai trị ở ViêtNam, thì người Công giáo ViệtNam rất quen với các danh xưng như “ Père =Cha” ,” Soeur= Sơ=(Nữ tu) ”, “Frère=Phe”(Sư Huynh các Dòng Nam)
Như vậy chữ “SƠ” chỉ là tiếng Pháp dùng để gọi một nữ tu (a religious Sister)
giống như chữ Sister trong tiếng Anh mà thôi. Nhưng vì người Công giáo ViệtNam quá quen thuộc với tiếng SƠ này rồi nên nay dù sống ở Mỹ , tiếng này vẫn được dùng để gọi các Nữ tu vì thói quen lâu đời thay vì phải nói là Sister trong hoàn cảnh ngôn ngữ Anh Văn thông dụng ở xứ này. Nói tóm tắt : danh xưng “SƠ” là tiếng Pháp đọc theo âm ViệtNam để gọi một Nữ Tu , tức là một người có lời khấn đang thuộc về một Dòng Tu hay Tu Hội trong Giáo Hội. Đây không phải là một chức tước , như chức Phó Tế, Chức linh mục, Chức Giám Mục, chức Bề Trên nhà Dòng v.v mà chỉ là tên gọi một nữ tu bằng tiếng Pháp thay vì tiếng Anh hay tiếng Việt mà thôi.Sau hết, Vì SƠ trong tiếng Pháp hay Sister trong tiếng Anh chỉ có nghĩa là “Chị hay em gái” nên không nên xưng hô “Con với Sơ “ nhất là với các Sơ còn trẻ vì xưng hô như vậy sẽ làm cho các Chị nữ tu nói chung và các chị trẻ nói riêng không thoải mái khi được gọi như thế.Mặt khác, nếu linh mục không nên xưng “cha” với ai trừ với mấy em nhỏ thì nữ tu cũng không nên xưng “Sơ”khi tiếp xúc với ai trừ với mấy học sinh học giáo lý.Đây là sự tế nhị theo văn hoá ViệtNam mà chúng ta cần lưu ý.
2- Về danh xưng “ Ông Bà Cố” thì chỉ có người Công giáo ViệtNam( đặc biệt ở Miền Bắc) xưa nay dùng để gọi “ cha mẹ” của các giáo sĩ hay tu sĩ (Phó tế, Linh mục, Giám mục, nam nữ tu).Người ta gọi như vậy có lẽ là để tỏ lòng kính trọng ,quí mến đối với các vị đã có công sinh thành , nuôi dạy con cái trở thành các giáo sĩ hay tu sĩ cho Giáo Hội. Cũng có lý do khác cho rằng gọi như vậy để khuyến khích các bậc cha mẹ tích cực đóng góp vào việc nuôi dưỡng “ơn gọi” trong gia đình. Ngoài ra, không có giáo lý nào của Giáo Hội dạy phải gọi như thế . Đây chỉ là tục lệ hay thói quen xuất phát từ lâu ở ViệtNam, và chỉ có ở ViệtNam mà thôi. Giáo dân thuộc các ngôn ngữ, văn hoá khác trên thế giới không có lối xưng hô này.
Sau hết, vì danh xưng này chỉ quen thuộc trong giới Công giáo ViệtNam thôi nên cũng nên tránh xử dụng với người ngoài Công Giáo(như giới thiệu trên báo chí hay đài phát thanh,truyền hình) để khỏi gây thắc mắc hay ngộ nhận cho họ về cái gọi là “giai cấp” trong Giáo Hội Công Giáo,mặc dù thực tế là không có giai cấp nào.
Linh Mục Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét