Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2022

Nhà văn Thạch Lam: Người nghệ sĩ tài hoa, giàu lòng trắc ẩn...

Nhà văn Thạch Lam tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh. Ông là một trong những cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại, giai đoạn 1930-1945. Nhắc đến Thạch Lam, người ta nhớ ngay đến một giọng văn êm ái, nhẹ nhàng, gần gũi với đời sống hiện thực và có một chút man mát buồn. Hãy cùng tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn tài hoa này trong bài viết sau!

Vài nét về tiểu sử, cuộc đời của nhà văn Thạch Lam

Thạch Lam sinh ngày 7/7/1910, trong một gia đình công chức gốc quan lại tại Hà Nội. Cha ông là Nguyễn Tường Nhu làm thông phán Tòa sứ, mẹ ông là bà Lê Thị Sâm con gái của Lê Quang Thuật (người gốc Huế, làm quan võ tại huyện Cẩm Giàng).

Nhà văn Thạch Lam
Chân dung nhà văn Thạch Lam

Thạch Lam là con thứ 6 trong gia đình có cả thảy 7 anh chị em. Tuy sinh ra tại Hà Nội nhưng tuổi thơ của Thạch Lam lại gắn bó với phố huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) – quê ngoại của nhà văn. Sở dĩ là do cha ông mắc bạo bệnh mất sớm, khi Thạch Lam mới chỉ có 7 tuổi. Để nuôi mẹ chồng và đàn con thơ, mẹ ông đành phải đưa cả gia đình về quê ngoại sinh sống. Tại Đây, Thạch Lam được cho theo học tại Trường Tiểu học Hải Dương (nay đổi tên là trường Tiểu học Tô Hiệu). 

Ít lâu sau, khi người anh cả của Thạch Lam là Nguyễn Tường Thụy học xong và về Thái Bình dạy học thì cả gia đình Thạch Lam lại chuyển về Thái Bình sinh sống. Nhưng vì cuộc sống túng thiếu, làm quần quật vẫn không đủ nuôi mấy miệng ăn nên mẹ ông đã quyết định đưa cả nhà quay về Hà Nội.

Chính vì chuyển nơi ở liên tục nên mãi đến năm 14 tuổi thì Thạch Lam mới học xong tiểu học. Để được thi lấy bằng Thành Chung, sớm phụ giúp mẹ nên ông cần khai tăng tuổi và làm lại giấy khai sinh. Cũng chính từ đó, cái tên Nguyễn Tường Vinh do cha mẹ đặt cho được đổi thành Nguyễn Tường lân. Sau, khi viết văn, làm báo ông lấy bút danh là Thạch Lam.

Thạch Lam đậu vào trường Cao Đẳng Canh Nông (Hà Nội), nhưng sau đó ông chuyển vào học Tú tài tại trường Trung học Albert Sarraut. Tại đây, sau khi đậu tú tài ở phần thứ nhất thì ông thôi học và bắt đầu nghiệp viết lách của mình với hai anh trai.

Năm Thạch Lam 25 tuổi, ông bí mật kết hôn với bà Nguyễn Thị Sáu và sống trong căn nhà nhỏ của chị gái tại đầu làng Yên Phụ, ven hồ Tây. Thạch Lam có ba người con (hai trai, một gái), trong đó người con trai út là Nguyễn Tường Giang sau này đã nối gót văn chương của cha.

Thạch Lam viết hăng hái nhưng tiền nhuận bút của ông không đủ để nuôi gia đình. Chính vì thế, kinh tế trong nhà cũng là do người vợ tảo tần của ông trợ giúp cật lực. Khoảng năm 1940, Thạch Lam phát hiện mình mắc bệnh lao phổi. Tháng 6/1942, sau hai năm khổ sở vì bệnh tật hành hạ, ông qua đời khi vừa mới 32 tuổi, để lại vợ và 3 con nhỏ cùng sự nghiệp đang độ rực rỡ nhất.

Sự nghiệp văn chương của nhà văn Thạch Lam

Thạch Lam bắt đầu sự nghiệp cầm bút của mình từ năm 1932, khi ông ra nhập nhóm Tự lực văn đoàn do anh trai là Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) sáng lập. Song song với đó, ông cũng làm báo, đảm nhận việc biên tập cho hai từ Phong Hóa và Ngày Nay. Năm 1935, Thạch Lam được bầu là chủ bút của tờ Ngày Nay. 

Về phong cách văn chương, Thạch Lam được đánh giá là có phong cách viết riêng biệt, khác hẳn so với những thành viên khác trong Tự lực văn đoàn. Theo đó, nếu như các thành viên khác đi theo lối hành văn lãng mạn, bay bổng, thoát ly hiện thực, có phần xa rời thực tế khốc liệt và tiếng nói đấu tranh giai cấp khá yếu ớt, mờ nhạt. Thì với Thạch Lam, ông sử dụng một cách hành văn giản dị, tinh tế, lãng mạn trong trẻo nhưng không xa rời thực tế đời sống. Chính điều này đã giúp cho Thạch Lam có một chỗ đứng riêng và được coi là một trong những nhà văn có đóng góp rất lớn về ngôn ngữ nghệ thuật của nền văn học nước nhà.

Thời gian Thạch Lam cầm bút chỉ vỏn vẹn 10 năm nên số lượng tác phẩm ông để lại không nhiều. Tuy nhiên, những giá trị văn học truyền tải trong các tác phẩm của ông đến nay vẫn được đánh giá rất cao. 

Nhà văn Thạch Lam
Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Thạch Lam

“Gia tài” tác phẩm  của Thạch Lam thống kê chỉ có 3 tập truyện ngắn là: Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938) và Sợi tóc (1941). Ngoài ra, ông có một truyện dài là Ngày mới (1939), một tiểu luận Theo dòng (1941), một tập tùy bút rất nổi tiếng là Hà Nội băm sáu phố phường (1943), cùng một số truyện ngắn viết cho thiếu nhi được in trong Quyển sách Hạt ngọc (1940). Nhưng đọc Thạch Lam, người ta không thể lẫn đi đâu được cái chất hành văn chậm rãi, điểm tĩnh và chân thực tuyệt đối.

Quan điểm sáng tác của nhà văn Thạch Lam: Văn chương không phải thoát ly hay quên lãng sự thực

Viết trong tựa đề của tập truyện ngắn đầu tay Gió đầu mùa, Thạch Lam đã bộc bạch quan điểm của mình trong nghề viết như sau:“Đối với tôi, văn chương không phải đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn.”

Chính quan điểm này đã “dẫn đường chỉ lối” cho các tác phẩm của ông không thoát li khỏi hiện thực u tối của xã hội còn đương rối ren, nhưng vẫn thấy được những điều đẹp đẽ lấp lánh của lòng người và sự lạc quan vào cuộc sống.

Nhà văn Thạch Lam
Một trong những bìa tác phẩm Gió đầu mùa của nhà văn Thạch Lam

Rất nhiều nhà văn, nhà phê bình đã dành cho Thạch Lam nhiều lời khen và sự nể trọng tuyệt đối. 

Nhà văn Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Thạch Lam có một ngòi bút lặng lẽ, điểm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ và rất đẹp. Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết được như vậy”.

Hay như Nguyễn Tuân nhận xét: “Thạch Lam đã làm cho tiếng Việt gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại và tươi tắn hơn…

Thật vậy, qua rất nhiều tác phẩm, người ta luôn thấy đâu đó lăng kính cực kỳ tinh tế của nhà văn Thạch Lam cho dù hiện thực có đang lầm lũi, tăm tối, khắc nghiệt đến chừng nào. Đọc “Hai đứa trẻ”, bạn đọc sẽ thấy ngay điều đó.

Rành rành là nhắc đến cái nghèo đói, cái buồn chán, hiu quạnh đến thảm thương nơi phố huyện nhưng qua ngòi bút của Thạch Lam, người ta vẫn nhìn ra những điều đẹp đẽ bình dị:“Tiếng trống thu không trên cái chợ huyện nhỏ; từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rơ rệt trên nền trời. Chiều, chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”.

Những nhân vật với kiếp sống nghèo khổ, cam chịu được khắc họa qua ngòi bút của Thạch Lam hiện lên chân thực, nhân văn: “Vợ chồng bác xẩm góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bần bật trong yên lặng. Thằng con bò ra đất, ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường. Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”.

Hay như sự mô tả tỉ mỉ đến tài tình những diễn biến nội tâm phức tạp của con người trước ranh giới tốt – xấu vốn rất mong manh khi lòng tham nổi lên trong tác phẩm Sợi tóc: “Tôi ngạc nhiên tự hỏi sao mình hãy còn là người lương thiện,… Cái gì đã giữ tôi lại? Tôi không biết… có lẽ chỉ có lời nói không đâu, một cử chỉ nào đấy, về phía này hay phía kia, đã khiến tôi có ăn cắp hay không ăn cắp. Chỉ một sợi tóc nhỏ, một chút gì đó, chia địa giới hai bên…”.

Dù phác họa một bức tranh nào của đời sống, thân phận nào trong xã hội thì chưa bao giờ người ta thấy một Thạch Lam cẩu thả trong câu chữ. Hơn thế, qua tác phẩm nào ta cũng thấy Thạch Lam kín đáo cài cắm một niềm trăn trở: Làm sao để thức tỉnh nhân cách đẹp đẽ vốn có trong mỗi người?

Thạch Lam viết về Hà Nội với tình yêu và sự tường tận đến không ngờ

Qua tác phẩm “Hà Nội băm sáu phố phường”, người ta nhìn thấy một Thạch Lam rất thanh lịch, hào hoa, lãng tử đúng khí chất của người Hà Thành. Không chọn đề tài “đao to búa lớn”, ông chọn viết về ẩm thực trong đời sống của người Hà Nội. Nhưng chỉ bằng ấy thôi, Thạch Lam đã khiến bao thế hệ độc giả “siêu lòng”. Với độc giả lớn tuổi, đọc tác phẩm này khiến người ta nhớ thương về “hồn cốt” của một Hà Nội xưa cũ. Với người trẻ, chắc chắn không ít người ao ước được một lần sống lại những năm tháng xưa cũ, hoặc cố lùng sục cho ra phong vị xưa của người Hà thành trong chính cuộc sống hiện đại ngày nay.

Chính nhà văn Khái Hưng (một cây bút nổi tiếng của Tự lực văn đoàn) cũng từng thừa nhận: “Thạch Lam thực sự là một nghệ sĩ, một thi sĩ về khoa thẩm vị”. Hãy coi xem ngòi bút của Thạch Lam miêu tả món ăn tinh tế đến nhường nào để có thể nhận được nhiều mỹ từ ngợi khen đến thế: 

Khi ông tả cốm, vốn là thức quà dân dã của người Hà Nội nhưng qua ngòi bút lại thành một thứ đặc sản vô cùng tinh tế: “Cốm không phải thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ; trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng, thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ”.

Nhà văn Thạch Lam
Cốm – thức quà tinh tế của người Hà Nội được Thạch Lam nhắc tới hết sức nâng niu

Rồi khi ông nhắc đến phở, chắc nhiều người phải cồn cào, suýt xoa: “Nếu là gánh phở ngon – cả Hà Nội không có đâu làm nhiều – thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát; thịt mỡ gàu dòn chứ không dai, chanh, ớt, với hành tây đủ cả…”.

Và cả bún ốc với lối quan sát tỉ mỉ, tài tình: “Có ai buổi trưa vắng hay buổi chiều, đêm khuya, đi qua nhà các cô đào, và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến thế không? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt và khiến đôi khi rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình”…

Ngoài nhắc tới những thức quà ngon, cái tình, cái tứ khéo léo của người Hà Nội xưa, Thạch Lam vẫn chẳng quên đề cập đến những thân phận người. Rằng Hà Nội không phải chỉ có phồn hoa đô hội, mà đâu đó còn là nỗi lo toan, vất vả mưu sinh của nhiều mảnh đời cơ cực. Phải yêu và hiểu Hà Nội đến thế nào thì mới viết được những câu văn đầy hình tượng, giàu cảm xúc như thế?

Kết:

Qua một vài nhắc nhớ khái quát về tác phẩm, con người, ta thêm hiểu về nhà văn Thạch Lam và thấy trân trọng hơn một người nghệ sĩ tài hoa rất nhân văn. Ông xứng đáng là một trong những tác giả tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Theo NHÀ VĂN T.P HOCHIMINH

Vấn đề khi nhấn? Chép và dán URL này vào trình duyệt:
https://anle20.wordpress.com/2022/05/08/nha-van-thach-lam-nguoi-nghe-si-tai-hoa-giau-long-trac-an/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét