Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2023

Khoa hoc : Làm thế nào nhận biết một người đang bị đột quỵ

 Hãy yêu cầu người bệnh "cười - nói - chào" và quan sát xem có bất thường hay không. Thời gian vàng để xử trí hiệu quả tình trạng đột quỵ là trong vòng 3 giờ.

Người có triệu chứng đột quỵ thường nói ngọng, đau đầu đột ngột, mất thị lực đột ngột....
Người có triệu chứng đột quỵ thường nói ngọng, đau đầu đột ngột, mất thị lực đột ngột....

CÁC DẤU HIỆU CẢNH BÁO ĐỘT QUỴ

Dấu hiệu ở mặt

Mặt đột nhiên có biểu hiện không cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch so với bình thường, nếp mũi và má bên yếu bị rủ xuống. Người bệnh nói cười sẽ thấy rõ miệng bị méo, thiếu cân xứng trên khuôn mặt.

Dấu hiệu về thị lực

Thị lực đột ngột giảm, mờ dần cả hai hoặc một mắt. Biểu hiện này không rõ rệt nên người bên cạnh khó có thể nhận ra. Do đó, người bệnh nên yêu cầu người xung quanh đưa đi cấp cứu ngay.

Dấu hiệu ở tay

Người bệnh sẽ cảm thấy tê mỏi chân tay, khó cử động, không thể tự nhấc lên được, đi lại khó khăn.

Dấu hiệu nhận thức

Người bị đột quỵ đột nhiên cảm thấy rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, gặp khó khăn trong việc suy nghĩ ra đúng từ để nói, không thể diễn đạt được ý tưởng, cảm giác mơ hồ.

Dấu hiệu qua giọng nói

Bỗng dưng nói ngọng bất thường, môi lưỡi tê cứng, miệng mở khó, cố gắng lắm mới có thể nói được.

Dấu hiệu ở thần kinh

Người bệnh sẽ cảm thấy đau đầu dữ dội. Đây là một triệu chứng rất nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, đặc biệt là người có tiền sử đau nửa đầu.

CÁC BƯỚC SƠ CẤP CỨU NGƯỜI ĐỘT QUỴ

Hồi sức tim phổi nếu người bệnh bị ngưng thở hoặc ngưng tim. Việc không đánh giá được tình trạng nặng có thể khiến người bệnh nặng thêm.

Người bệnh cần được nằm ở tư thế thoải mái nhất nếu họ tỉnh, hoặc nằm nghiêng về phía nửa người bị ảnh hưởng (yếu liệt) nếu họ không tỉnh táo hẳn. Việc nằm nghiêng là để ngừa hít sặc do nôn ói. Nằm nghiêng về phía bên liệt là để phía không liệt có thể cử động ra hiệu được khi cần thiết.

Bệnh nhân cần được cố định các bộ phận quan trọng bao gồm đầu cổ, tứ chi khi di chuyển. Nếu không có cáng chuyên dụng, người bệnh nên nằm trên mặt phẳng cứng, tay chân xuôi theo mình, dùng chăn cố định hai bên đầu nhằm tránh chấn thương cột sống cổ. Việc vận chuyển người bệnh đột quỵ cần theo ba nguyên tắc: Đảm bảo đường thở và tim đập; cố định bảo vệ được các bộ phận có thể tổn thương như đầu cổ, tứ chi; vận chuyển nhanh nhất có thể.

Gọi xe cấp cứu để bệnh nhân được đưa đến bệnh viện nhanh chóng và có nhân viên y tế đi cùng để xử lý đúng cách.

Những hiểu biết sai lầm về đột quỵ

Không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ

Nhiều người thường lầm tưởng không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ, sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ
Khi quyết định để bệnh nhân ở nhà và không đưa đến cơ sở y tế, bạn vô tình làm mất đi thời gian vàng có thể điều trị. (Ảnh: Aptekagemini).

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), đây là suy nghĩ sai lầm. Khi bệnh nhân bị đột quỵ, động tác đầu tiên của chúng ta là đưa họ tới cơ sở y tế có khả năng cấp cứu gần nhất. Các bệnh nhân bị tắc mạch máu não do thuyên tắc có thuật ngữ: "Time is brain" tức "thời gian là tế bào não".

Nếu chúng ta trì hoãn, cứ một phút, các tế bào não có thể chết đến 2 triệu tế bào và không thể phục hồi được. Khi quyết định để bệnh nhân ở nhà và không đưa đi bệnh viện, bạn vô tình làm mất đi thời gian vàng có thể điều trị. 3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Sau 6 giờ vàng này, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề.

Người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm thì khả năng chữa được càng cao. Ngược lại, bệnh nhân đến muộn làm giảm khả năng thành công và nguy cơ tử vong cao.

Vì vậy, khi phát hiện triệu chứng đột quỵ như yếu liệt nửa người cùng bên, méo miệng đột ngột, nói không rõ chữ..., bạn cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt

Đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi

Nhiều người thường lầm tưởng đột quỵ chỉ xảy ra ở độ tuổi “xế chiều”. Tuy nhiên, những năm gần đây, số bệnh nhân ở độ tuổi trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng.

Theo Tổ chức Đột quỵ Mỹ, năm 2019, số lượng bệnh nhân trẻ đột quỵ tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây. Khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi 18-50.

Bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng, trung bình khoảng 2% mỗi năm. Trong đó, số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Theo bác sĩ Cường, những nguyên nhân chủ yếu khiến người trẻ tuổi bị đột quỵ não bao gồm bệnh lý dị dạng mạch máu não, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì, lười vận động, đái tháo đường, tăng huyết áp, uống rượu bia.

Khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi 18-50.
Khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi 18-50. (Ảnh: Pinterest).

Từ các nguyên nhân trên, đột quỵ ở người trẻ có thể được đẩy lùi nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh như tích cực thể dục thể thao, hạn chế dùng thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thuốc lá, bia rượu… Đó là những điều mà thanh thiếu niên Việt Nam có thể dễ dàng thực hiện để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

Ngoài ra, người trẻ không nên chủ quan, cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà bỏ qua việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế khi có biểu hiện của bệnh (yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó…).

Theo VnExpress/Zing

Vấn đề khi nhấn? Chép và dán URL này vào trình duyệt:
https://anle20.wordpress.com/2023/10/14/khoa-hoc-lam-the-nao-nhan-biet-mot-nguoi-dang-bi-dot-quy/

Thứ Ba, 10 tháng 10, 2023

Kênh đào “Đế chế Phù Nam” hay tiếng chuông báo tử cho đồng bằng sông Cửu Long...

 

Một góc đồng bằng sông Cửu Long (ảnh: baochinhphu.vn

Thông tin về dự án có tên “Kênh đào Đế Chế Phù Nam” do Campuchia cùng với các nhà thầu Trung Quốc chuẩn bị tiến hành, chính thức thông báo lên Ủy hội sông Mekong 8 Tháng Tám 2023 vừa qua, cùng với bài phỏng vấn do đài RFA thực hiện với tiến sĩ Brian Eyler, một chuyên gia về Tiểu vùng sông Mekong ở Stimson Center.

Những tiếng cảnh báo lọt vào những lỗ tai điếc

Sự việc đang khiến cộng đồng, đặc biệt giới trí thức và các nhà bảo vệ môi trường quan tâm. Lời nhận xét có phần bi quan của Brian Eyler coi dự án này như “chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài” không phải là phóng đại. Tiến sĩ Brian Eyler còn là tác giả của cuốn sách “Những ngày cuối cùng của dòng sông Mekong hùng vĩ” xuất bản năm 2020. Tác phẩm về môi trường, sinh thái, văn hóa, xã hội… có thể coi như một khúc bi ca tiếc thương sự kết thúc của dòng sông vĩ đại, Mekong, đang tới gần. Tham vọng của con người và những tác động thô bạo vào thiên nhiên đã và đang bức tử con sông từ ngàn đời nay đem lại nguồn sống cho hàng chục triệu người.

Hai mươi năm trước khi Brian Eyler viết “Những ngày cuối cùng của dòng sông Mekong hùng vĩ”, ông Ngô Thế Vinh đã xuất bản hai bộ sách đồ sộ bao hàm nhiều nội dung về môi sinh, lịch sử, xã hội, địa chính trị văn hóa liên quan tới các cộng đồng dân cư dưới hạ lưu dòng Mekong, cũng như dự đoán chính xác về tác động hủy hoại của hệ thống 14 con đập bậc thềm khổng lồ ở Vân Nam và 11 con đập dòng chính hạ lưu.

Bộ sách đầu tiên là “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng” do nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành năm 2000 đã gây một tiếng vang trong cả giới học thuật lẫn chính trị, năm 2001 được tái bản lần thứ nhất và tuyệt bản. Không hiểu vì lý do gì, bộ sách đồ sộ và giá trị này đã không được cấp phép tái bản ở trong nước? Cuốn sách thứ hai là “Mekong dòng sông nghẽn mạch” xuất bản năm 2007 là những phóng sự và điều tra sống động tiếp nối.

Có thể nói, những tác phẩm của Brian Eyler hay của ông Ngô Thế Vinh là những lời cảnh tỉnh, dự báo có tầm nhìn xuyên thế kỷ với những nghiên cứu chuyên sâu, phóng sự đa dạng, đa chiều liên quan đến hệ sinh thái của dòng Mekong. Kể từ “Cửu Long cạn dòng” được xuất bản năm 2000 cho đến nay, đã có thêm nhiều các dự án thủy điện và kênh đào khác được hoàn thành trên thượng nguồn và lưu vực con sông, ngày một đẩy nhanh hơn tiến trình hủy diệt môi sinh, tác động tiêu cực tới đời sống, sinh kế của các cộng đồng bản địa dọc hai bên con sông hùng vĩ và hào phóng này.

Dự án “kênh đào đế chế Phù Nam” của Campuchia không phải là con kênh đào đầu tiên lấy nước từ dòng Mekong để phục vụ cho các mục đích kinh tế của quốc gia mà con sông đi qua. Trước đó ba thập niên, dự án kênh đào Kong Chi Mun với tổng phí tổn lên tới US$4 tỷ từ năm 1992 đã lấy đi 300m3/s trong tổng số lưu lượng 1600 m3/s vào mùa khô của ĐBSCL hiện nay. Tiếp đó, một dự án khác có tên KOK ING NAN, gián tiếp lấy nước từ hai phụ lưu lớn của sông Mekong là sông Kok và sông Ing ở vùng Chiang Rai thuộc Bắc Thái Lan, có giá trị dự án $1.5 tỷ, được JICA (Japan International Cooperation Agency) hỗ trợ cấp vốn nghiên cứu thiết kế.

Đó là đường hầm khổng lồ dài hơn 100km để chuyển 2.2 triệu m3 nước mỗi năm từ sông Mekong vào con sông Nan – một phụ lưu của sông Chao Phraya nhằm cấp nước tưới cho vùng châu thổ quan trọng nhất của Thái Lan đang khô hạn. Tuy nhiên, cả hai dự án này không thể gây ra tác động lớn như kênh đào Đế chế Phù Nam. Theo tính toán, con kênh đào này cần đến 7.7 triệu m3 nước để lấp đầy. Như vậy, một khối lượng nước rất lớn sẽ bị lấy đi trước khi dòng Mekong chảy vào lưu vực thuộc địa phận Việt Nam.

Miền Nam Việt Nam sẽ chết!

Trong những năm gần đây, các báo cáo về khí tượng thủy văn đã minh chứng thực tế là đồng bằng sông Cửu Long đã và đang “đói lũ” trầm trọng. Việc lũ không còn về theo tự nhiên, mức lũ thấp hơn nhiều so với dự báo và gần như không còn phù sa bồi đắp cho vùng châu thổ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, lượng thủy sản tự nhiên suy giảm rõ rệt. Không có lũ về, nước mặn xâm nhập vào đất liền sâu hơn, dữ dội hơn. Còn về lâu dài, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm nhanh hơn khi không có phù sa bồi đắp cùng với nạn khai thác cát bừa bãi.

Ngày 30 Tháng Chín 2023, tờ Thanh Niên dẫn trích một đánh giá của ông Sepehr Eslami, trưởng nhóm tư vấn liên doanh Deltares (Hà Lan) trong bài phóng sự “ĐBSCL trước nguy cơ hết cát”, cho thấy thực trạng đáng sợ khi mà giai đoạn 2017-2022, mỗi năm hoạt động khai thác cát ở ĐBSCL đã lấy đi 35-55 triệu m3.

Trong khi đó, lượng cát do phù sa bồi đắp từ sông Mekong chỉ còn 2-4 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó là lượng cát rời khỏi đồng bằng đổ ra Biển Đông khoảng 0.6 triệu tấn/năm. Có một mâu thuẫn không thể có giải pháp khi nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục qui hoạch phát triển các đô thị lớn như Sài Gòn theo hướng Đông và Đông Nam, hướng ra biển và lấy toàn bộ cát nạo vét từ các dòng sông để tôn nền cho các khu đô thị mới, dẫn đến tình trạng ngập úng trong đô thị khi triều dâng và mưa lớn, cũng như khiến toàn bộ các khu đô thị này có nguy cơ chìm nhanh hơn mọi dự báo bởi tình trạng xói lở nghiêm trọng.

Cuối Tháng Chín 2023, các bức không ảnh cho thấy rõ đập thủy điện Tiểu Loan đã tích đầy nước với tổng lượng khoảng 14.3 tỉ m3. Trong khi dòng chảy tại trạm Chiang Saen ở Thái Lan ngay phía dưới các con đập đang thiếu hụt đến 65%. Mực nước sông từ Viêng Chăn ở Lào đến ĐBSCL gần như đang ở mức thấp kỷ lục.

Mức độ ngập lũ của vùng đồng bằng Mekong hiện chỉ bằng một nửa so với bình thường. Như vậy, lượng nước của sông Mekong chảy vào vùng châu thổ ĐBSCL không chỉ bị các đập thủy điện giữ lại mà còn tiếp tục bị trực tiếp lấy đi bởi các con kênh đào như Kong Chi Mun, KOK ING NAN hay “đế chế Phù Nam” tới đây. Điều này sẽ sớm dẫn đến một thảm họa về sinh thái khi Việt Nam là quốc gia yếu thế nhất vì ở vị trí cuối cùng ở hạ nguồn của dòng sông.

Không chỉ có vậy, ngoài những tác động về môi sinh, môi trường và kinh tế xã hội mà dự án này gây ra thì có những rủi ro kinh tế, địa chính trị khác tất nhiên Trung Quốc và Campuchia sẽ không bao giờ đề cập đến, ẩn sau mục đích chính của con kênh đào “Đế chế Phù Nam”.

Việc hoàn thành kênh đào “Đế chế Phù Nam” là mảnh ghép cuối cùng trong việc hoàn tất tuyến đường nội thủy cho phép các đoàn tàu chở dầu loại 500-700 tấn có thể đi từ biển Campuchia, ngược dòng Mekong lên đến Vân Nam thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào tuyến đường biển qua eo Malacca như hiện nay.

Âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc

Đây là một kế hoạch lâu dài của Bắc Kinh. Dự án “Cải thiện thủy lộ thượng nguồn sông Mekong” được ký kết giữa bốn nước tham gia là Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan và Lào vào Tháng Tư 2001 cho phép các đoàn tàu trọng tải 500-700 tấn chở đầy hàng hóa thặng dư của Trung Quốc dễ dàng di chuyển từ giang cảng Tư Mao (Simao), Vân Nam xuống tới Chiang Khong, Chiang Sean của Thái Lan và xa hơn nữa tới Luang Prabang và thủ đô Vạn Tượng, trên đường về sẽ chở theo khoáng sản và nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp trong nước.

Ngày 29 Tháng Mười Hai 2006, tờ Tân Hoa Xã có bài về việc hai con tàu chở 300 tấn dầu từ một giang cảng Chiang Rai ở Bắc Thái Lan ngược dòng Mekong đã tới một giang cảng phía Tây Nam tỉnh Vân Nam (các đập thủy điện của Trung Quốc xây dựng đều có hệ thống đập dâng cho phép tàu thuyền ngược dòng đi qua). Chuyến đi lịch sử này đánh dấu quyết tâm của Bắc Kinh đi tìm con đường thứ hai để chuyển dầu từ Trung Đông vào Trung Quốc.

Trung Quốc đã có những thỏa thuận với Miến Điện, Thái Lan, Lào về việc vận chuyển một lượng dầu hạn chế khoảng 1,200 tấn/tháng từ năm 2006. Đến nay, với “kênh đào đế chế Phù Nam” đi qua trên đất Campuchia sẽ hoàn tất tuyến thủy lộ chiến lược này. Tuy vậy, các cộng đồng dân cư và truyền thông chính thống thì không được hay biết gì.

Nếu thế kỷ 20 mọi cuộc chiến đều liên quan đến dầu mỏ thì thế kỷ 21 cuộc chiến đều vì nguồn nước. Mekong, con sông vĩ đại bởi sự hào phóng của nó, là cái nôi nuôi dưỡng sự sống cho bao nhiêu dân tộc sống ở dưới nguồn từ hàng ngàn năm qua, giờ đây đã kiệt quệ và nhiễm độc.

Với hệ thống 14 đập thủy điện bậc thềm khổng lồ, Trung Quốc có khả năng kiểm soát 55% nguồn nước của Mekong và giữ lại 70% lượng phù sa. Thủy điện đã đem lại sự thay đổi chóng mặt, điện khí hóa đem lại sự thịnh vượng cho Vân Nam, nơi có trữ lượng khoáng sản phong phú lớn nhất thế giới. Thế nhưng cái giá nghiệt ngã phải trả từ việc phá hủy nghiêm trọng môi sinh, môi trường thì các quốc gia dưới nguồn lãnh đủ. Từ việc cạn kiệt nguồn nước tưới vào mùa khô, không còn tôm cá, cho đến dòng Mekong trở thành rãnh nước thải của hàng ngàn nhà máy trên cao nguyên đổ xuống hạ nguồn.

Việc “đế chế Phù Nam” hoàn thành trong tương lai không xa sẽ thay đổi đáng kể địa chính trị khu vực khi mà con sông Mekong trở thành tuyến nội thủy của Trung Quốc, do Bắc Kinh hoàn toàn kiểm soát. Việt Nam, quốc gia yếu thế nhất, đương nhiên cũng dễ bị tổn thương nhất. Ngoài việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt môi sinh, môi trường, nguồn lợi thì những lợi ích kinh tế trước mắt từ việc thông thương với Campuchia qua tuyến thủy lộ truyền thống sẽ mất đi. Cửu Long sẽ thực sự cạn dòng khi không còn lũ, và thậm chí nước ngọt không đủ cho nhu cầu tưới tiêu tối thiểu.

Trong lịch sử cổ đại, chẳng phải người Hán đã từng chặn dòng Thác Lý Mộc trong cuộc bao vây Lâu Lan – một trong những quốc gia cổ đại thịnh vượng trên Con Đường Tơ Lụa, hình thành vào khoảng thế kỷ 2 TCN – khiến cho toàn bộ quốc gia này diệt vong hay sao?

Với những hậu quả đã hiện rõ trước mắt nếu như giới chức Việt Nam vẫn tiếp tục thái độ bàng quang, duy trì các chính sách nông nghiệp, thủy lợi duy ý chí và lạc hậu, không cho người nông dân quyền tự quyết về việc “nuôi con gì, trồng cây gì” như hiện tại thì ngay khi “Đế chế Phù Nam” hoàn thành, người ta sẽ tận mắt chứng kiến sự tàn lụi của một vùng châu thổ giàu có ĐBSCL chỉ trong vài năm tới. ĐBSCL đang gánh vác trách nhiệm an ninh lương thực, đảm bảo diện tích trồng lúa lớn. Người dân không có quyền trên thửa ruộng của họ và ngay cả việc bán sản phẩm lúa gạo cũng phải thông qua các công ty lương thực nhà nước hoặc các chủ vựa là người nhà của giới chức chính quyền.

Tùng Phong / Saigon Nhỏ

Vấn đề khi nhấn? Chép và dán URL này vào trình duyệt:
https://anle20.wordpress.com/2023/10/10/kenh-dao-de-che-phu-nam-hay-tieng-chuong-bao-tu-cho-dong-bang-song-cuu-long/

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2023

Top 7 loại quả ăn buổi sáng là “thần dược” ăn tối là “độc dược”...

 


7 loại trái cây đặc sản của Việt Nam này rất tốt cho sức khỏe khi ăn vào ban ngày, tuy nhiên chúng có thể gây hại khi ta ăn vào ban đêm.

NHỮNG LOẠI QUẢ KHÔNG NÊN ĂN BUỔI TỐI

1. SẦU RIÊNG

Sầu riêng

Không chỉ là loại quả bổ dưỡng, sầu riêng còn được xem là phương thuốc chữa ho và bệnh ngoài da rất hiệu quả. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều sầu riêng vì sẽ gây nóng trong người, dễ sinh mụn nhọn.

Với hàm lượng đường cao, người bị huyết áp cao, huyết áp thấp, đường huyết cao, tim mạch không tốt, loét đường ruột nên hạn chế ăn sầu riêng vào buổi tối vì dễ gặp biến chứng. Bởi vậy nên ăn giảm cơm sau đó mới ăn sầu riêng để tránh tình trạng hấp thu năng lượng quá mức.

2. QUẢ BƠ

Quả bơ

Trong sách Guiness có ghi bơ là trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất. Cứ 100g thịt trái bơ chín thì lại có 60g nước, 2,08g protid, 20,10g lipid, 7,4g gluxit, tro 1,26g, các chất khoáng: Ca 12mg, P 26, Fe 0,6mg, vitamin A 205mg, B1 0,05mg, C 20mg, các aminaxit: cystin, tryptophan. Bên cạnh đó, quả bơ còn có nhiều chất kháng khuẩn.

Quả bơ có tác dụng làm giảm lượng cholesterol và mỡ trong máu, bảo vệ hệ thống tim mạch, huyết quản và gan, làm khỏe dạ dày, thanh lọc ruột…Đây là loại quả rất thích hợp để bồi bổ cho trẻ em và người già, tuy nhiên mỗi ngày chỉ nên ăn một quả. Bên cạnh đó, bơ có hàm lượng mỡ thực vật rất cao, do đó không nên ăn nhiều vào buổi tối.

3. QUẢ XOÀI

Quả xoài

Một miếng xoài trung bình chứa 100calo, 1g protein, 0,5g chất béo, 25g carbohydrate, 23g đường và 3g chất xơ. Khẩu phần này đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày về vitamin C, 35% vitamin A, 20% folate, 10% vitamin B6, 8% vitamin K và kali của cơ thể.

Na còn chứa canxi, sắt, đồng và một số hóa chất chống ôxy hóa. Chất chống oxy hóa zethanthin trong xoài giúp lọc những tia sáng xanh gây hại cho mắt, nhất là nguy cơ thoái hóa điểm vàng ở tuổi già.

Bên cạnh đó, một số chất dinh dưỡng như beta-carotene có trong xoài còn giúp ngăn ngừa bệnh suyễn, ung thư tuyến tiền liệt và kết trực tràng. Do có chỉ số đường cao, không nên ăn nhiều xoài về đêm, đặc biệt là với người mắc tiểu đường.

4. MĂNG CỤT

Được xem là một loại quả rất giàu dinh dưỡng, với các vitamin như B1, C, chất đạm, chất béo, chất xơ, canxi, phốt pho, sắt… Măng cụt còn có chứa hỗn hợp kháng thể Xanthones thiên nhiên có khả năng diệt khuẩn.

Do vậy nên bổ sung măng cụt vào thực đơn ăn tráng miệng hoặc ăn vặt vào ban ngày, nhưng tránh xa loại quả ngon này vào buổi tối vì nó có thể khiến giấc ngủ chập chờn. Hơn nữa, chất xanthone trong măng cụt có thể phát huy tác dụng và gây ngộ độc. Bởi vậy chỉ nên ăn loại quả này vào ban ngày.

5. QUẢ NA

Quả na

Cũng là nguồn dinh dưỡng phong phú trong quả na, nhất là vitamin C. Một quả na có thể cung cấp 1/5 nhu cầu vitamin C mà cơ thể cần, vì vậy nó có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả cho cơ thể. Ngoài ra, na còn chứa nhiều chất xơ, carbohydrates, kali, một số vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe.

Quả na rất có ích cho người ăn kiêng hoặc đang muốn giảm cân bởi nó không chứa chất béo bão hòa và cholesterol. Na rất ngọt, lượng đường cao nên cần chú ý cẩn trọng khi ăn vào buổi tối.

6. THANH LONG

Quả thanh long

Thanh long là loại quả đặc sản quen thuộc của người Việt và nổi tiếng là giàu dinh dưỡng. Hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào của loại quả này mang lại nhiều lợi ích sức khỏe bất ngờ. Trong quả thanh long có nhiều các vi nguyên tố như vitamin C, vitamin B1, B2, B3, canxi, photpho, sắt…Thanh long được xem là loại trái cây giảm béo hiệu quả và có tác dụng phòng chống táo bón.

Thanh long là loại trái cây chứa nhiều đường không nên ăn nhiều vào buổi tối. Những người bị rối loạn đường ruột, tiêu chảy, tiểu đường đặc biệt nên tránh xa loại quả này sau bữa tối.

7. QUẢ DỨA

Quả dứa

Dứa có chứa một loại chất hữu cơ là glycoside và chất đạm, sau khi ăn quá nhiều vào buổi tối có thể gây ra hiện tượng đau đầu. Ngoài ra, bạn còn có thể mắc phải các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, nhức đầu, ngứa ran chân tay, đầu lưỡi...

Vì vậy, đừng ăn dứa vào gần sát giờ đi ngủ để bảo vệ hệ thần kinh của mình trong khi ngủ tốt nhất.

 Theo SKĐS/Pháp luật và bạn đọc

Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2023

Uống cà phê ảnh hưởng đến não thế nào?...

 

Ảnh: Shutterstock

Cà phê đã được chứng minh có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng với não, nó có thực sự tốt?

Cà phê là một trong những loại đồ uống phổ biến nhất thế giới. Nhờ có chứa lượng caffeine cao, cà phê là lựa chọn không thể thiếu vào mỗi buổi sáng đối với nhiều người để xua tan cảm giác buồn ngủ và giúp cơ thể tỉnh táo hơn.

Nhiều nghiên cứu cũng đã xem xét tác động của cà phê đối với sức khỏe con người, cả về trước mắt và lâu dài. Kết quả cho thấy tiêu thụ một lượng cà phê vừa phải mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, trong đó có việc giảm nguy cơ tử vong sớm và bệnh gan.

Các nhà nghiên cứu cũng xem xét tác động của cà phê tới não và nhận thấy cà phê có nhiều tác động tích cực đối với sức khỏe não bộ.

Những hoạt chất có trong cà phê

Uống cà phê ảnh hưởng đến não thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh: Shutterstock

Cà phê chứa hàng trăm hợp chất có hoạt tính sinh học và mang lại lợi ích cho sức khỏe. Nhiều hợp chất trong số này là chất chống oxy hóa giúp chống lại tác hại của các gốc tự do gây ra trong tế bào.

Những hoạt chất quan trọng nhất của cà phê là:

Caffeine: Là hoạt chất chính trong cà phê có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương.

Axit Chlorogenic: Là chất chống oxy hóa có lợi cho quá trình chuyển hóa, ví dụ chuyển hóa đường.

Cafestol và kahweol: Có trong dầu tự nhiên của cà phê.

Trigonelline: Hợp chất alkaloid này không ổn định ở nhiệt độ cao. Trong quá trình rang hạt cà phê, hợp chất này tạo thành axit nicotinic, còn được gọi là niacin (vitamin B3).

CÀ PHÊ TÁC ĐỘNG TỚI NÃO NHƯ THẾ NÀO?

Uống cà phê ảnh hưởng đến não thế nào? - Ảnh 2.

Ảnh: Harvard Health

Caffeine tác động tới hệ thần kinh trung ương theo nhiều cách. Caffeine có thể tương tác với thụ thể adenosine - một chất dẫn truyền thần kinh trong não giúp thúc đẩy giấc ngủ. Tế bào thần kinh trong não có các thụ thể mà adenosine có thể gắn vào. Sự liên kết này ức chế sự kích hoạt tế bào thần kinh, từ đó làm chậm hoạt động thần kinh. Adenosine thường tích tụ vào ban ngày và khiến cơ thể cảm thấy buồn ngủ khi tới giờ đi ngủ.

Caffeine và adenosine có cấu trúc phân tử tương tự nhau. Do đó, caffeine sẽ cạnh tranh với adenosine để liên kết với các thụ thể. Tuy nhiên, caffeine không làm chậm quá trình kích hoạt tế bào thần kinh như adenosine mà thay vào đó, nó có thể ngăn adenosine làm chậm hoạt động thần kinh. Cuối cùng, caffeine thúc đẩy kích thích thần kinh trung ương và khiến cơ thể cảm thấy tỉnh táo hơn.

VÌ SAO CÀ PHÊ CÓ THỂ TĂNG CƯỜNG CHỨC NĂNG NÃO BỘ?

Caffeine làm gia tăng entropy của não khi nghỉ ngơi. Entropy não rất quan trọng đối với chức năng của não. Entropy não càng cao thì khả năng xử lý thông tin cũng sẽ cao hơn.

Caffeine cũng kích thích hệ thần kinh trung ương bằng cách thúc đẩy giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh khác, bao gồm noradrenaline, dopamine và serotonin.

Caffeine cũng có thể cải thiện tâm trạng, sự tập trung,...

CÀ PHÊ VÀ TRÍ NHỚ

Uống cà phê ảnh hưởng đến não thế nào? - Ảnh 3.

Ảnh: Health

Caffeine cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, tuy nhiên kết quả của các nghiên cứu khoa học vẫn chưa có sự thống nhất và cần có thêm nhiều nghiên cứu khác.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng caffeine có thể có tác động tích cực đến cả trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Các nghiên cứu khác lại cho rằng caffeine làm suy giảm trí nhớ.

Trong một nghiên cứu, khi những người tham gia uống một viên caffeine sau khi xem một loạt hình ảnh, khả năng nhận dạng hình ảnh của họ trong 24 giờ sau đó tốt hơn so với nhóm dùng giả dược.

CÀ PHÊ GIÚP GIẢM NGUY CƠ MẮC BỆNH ALZHEIMER

Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ trên toàn thế giới. Bệnh Alzheimer gây mất trí nhớ, các vấn đề về suy nghĩ và hành vi.

Cho tới nay, vẫn chưa có cách điều trị đối với căn bệnh này, tuy nhiên các yếu tố liên quan đến chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer cũng như các dạng sa sút trí tuệ khác.

Các nghiên cứu quan sát đã xem xét mối liên hệ giữa việc uống cà phê thường xuyên với nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Kết quả cho thấy những người có thói quen uống cà phê ở mức độ vừa phải mỗi ngày có thể giảm tới 65% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

CÀ PHÊ GIÚP GIẢM NGUY CƠ MẮC BỆNH PARKINSON

Uống cà phê ảnh hưởng đến não thế nào? - Ảnh 4.

Ảnh: Adobe Stock

Bệnh Parkinson là một chứng rối loạn mạn tính của hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến vận động và thường kèm theo run.

Parkinson không có cách điều trị, do đó việc phòng ngừa bệnh là vô cùng quan trọng. Các nghiên cứu cho thấy cà phê có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson.

Một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Geriatrics & Gerontology International vào năm 2013 cho thấy những người uống 3 tách cà phê mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh Parkinson thấp hơn 29%, trong khi đó những người uống 5 cốc lại không có được nhiều lợi ích đến vậy.

UỐNG BAO NHIÊU CÀ PHÊ SẼ CÓ ĐƯỢC LỢI ÍCH?

Uống nhiều cà phê hơn không có nghĩa là sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. Theo khuyến cáo của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), người trưởng thành khỏe mạnh chỉ nên tiêu thụ khoảng 4 hoặc 5 cốc cà phê (400mg caffeine) mỗi ngày để tránh các tác dụng phụ nguy hiểm.

Nếu bạn đang có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai, đang cho con bú, thuộc nhóm nhạy cảm với caffeine, đang dùng thuốc hoặc đang mắc các bệnh nền, hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn về lượng caffeine phù hợp với mình.

Lam Chi /(Nguồn: Healthline) / Trí thức Trẻ

Thứ Ba, 2 tháng 5, 2023

Nghĩ vụn nhân ngày 30/4...

 

TPHCM

NGUỒN HÌNH ẢNH,SOVFOTOChụp lại hình ảnh,

Giới trẻ với niềm vui ngày 2/09/1976 trên đường phố Sài Gòn đã được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh

Cuộc chiến tranh VN 1954-1975, dù đã chấm dứt được 48 năm nhưng hệ quả của nó đến nay vẫn là một chấn thương chưa hết rì máu.

Cuộc chiến được thể hiện ở tầm thế giới là cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa hai chủ nghĩa tư bản và cộng sản.

Và ở tầm quốc gia là một cuộc nội chiến Nam - Bắc, phân tranh giữa những người đi theo hai chủ nghĩa đối nghịch ấy.

NHỮNG NGƯỜI THẤT THẾ

Mỹ và cả những người theo Cộng sản đã biến cuộc chiến ấy thành cuộc chiến tranh Việt - Mỹ (người miền Bắc gọi là "chống Mỹ cứu nước", người Mỹ gọi là cuộc chiến tranh Việt Nam). Theo cách ấy, người miền Nam đã bị quên lãng, không chỉ bởi những người anh em đồng bào của mình mà cũng từ chính cái thế lực được gọi là đồng minh.

Với tham vọng lãnh đạo thế giới, người Mỹ đã theo đuổi cuộc chiến tranh Việt Nam rồi tìm cách thoát khỏi cuộc chiến tranh ấy như cuộc chiến tranh của mình mà không hề coi Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể quốc gia được quốc tế công nhận, một bên chính yếu của cuộc chiến có lý tưởng, có chính nghĩa.

Cho đến tận bây giờ, phim ảnh hay sách báo, người Mỹ thường chỉ tự biện hộ cho mình. Vai trò hay thế đứng của người miền Nam không được tôn trọng như họ phải được tôn trọng. Cũng vì thế, người miền Bắc có lý do để gọi chế độ miền Nam là Ngụy, là tay sai.

Người Mỹ muốn chữa lành lương tâm của mình, nhưng đồng thời người Mỹ cũng chà xát nỗi đau đớn của đồng minh VNCH, những người thất thế không còn đất đứng.

Tôi không biết những người Việt tị nạn đã làm gì để lấy lại danh dự của mình?

MỘT CÁCH NHÌN CHO TƯƠNG LAI

Cuộc chiến 20 năm giữa những người Việt đã là lịch sử và nó không thể sửa chữa. Nhưng hậu quả của nó đang diễn tiến là một thực trạng hoàn toàn có thể thay đổi.

Người Cộng sản đã chiến thắng. Tuy nhiên, cũng chính vì sự chiến thắng ấy, họ đã xây dựng một chế độ có nhiều sai lầm.

Dẫu sao, người Cộng sản cũng đã phần nào nhận ra sai lầm của họ, vì thế mới có cái được gọi là "đổi mới". Thật ra, chẳng có gì mới trong sự thay đổi của người Cộng sản. Đảng Cộng sản vẫn là lực lượng lãnh đạo duy nhất và các cơ chế mới trong nền "kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa" chỉ là sự sao chép vụn vặt cái đã rất cũ, đã rất phổ biến trên thế giới, cũng như của miền Nam trước 1975.

Chỉ là vấn đề tu từ. Tôi hiểu đây là một thủ thuật chính trị.

Saigon
Chụp lại hình ảnh,Cảnh SG những ngày kết thúc cuộc chiến
Nhà nước Việt Nam nhiều lần cho rằng các học viên học tập ở các trại cải tạo sau 30/4/1975 đều được đối xử tốt đẹp, nhân đạo.
Chụp lại hình ảnh,Nhà nước Việt Nam nhiều lần cho rằng các học viên học tập ở các trại cải tạo sau 30/4/1975 đều được đối xử tốt đẹp, nhân đạo

Hiện nay, phải công tâm nhìn nhận, VN đã có những thành tựu đáng kể về kinh tế và một số vấn đề dân sinh. Người dân đã có của ăn của để, thậm chí có những người rất giàu. Nhưng cái thịnh vượng ấy vẫn cho người ta cái cảm giác giả tạo.

Một nền kinh tế chỉ gia công là chính, nguyên liệu phụ thuộc, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đều lạc hậu, manh mún… hẳn nhiên không thể bền vững. Trong khi đó, trí tuệ nhân dân lại không được tận dụng và phát huy bởi đảng cai trị thiếu lòng tin vào nhân dân của mình qua việc chỉ giao trọng trách cho đảng viên, hay nói cách khác, chỉ đảng viên mới được làm lãnh đạo. Người ngoài đảng không có cơ hội. "Khúc ruột ngàn dặm" lại càng xa vời. Một nguồn tài nguyên về nhân lực và tài năng vô cùng quí giá từ những người Việt khắp nơi trên thế giới không được trọng dụng. Nói theo dân gian là "phí của giời". Hoặc "đã nghèo lại còn hoang phí".

Thật ra, đảng và nhà nước đã có chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc theo Nghị quyết 36. Nhưng chính sách ấy đã hoàn toàn thất bại, cũng chỉ vì đảng thiếu lòng tin vào đồng bào của mình?

Hay vì đảng hẹp hòi? Tôi không biết.

Những người có tâm muốn về xây dựng đất nước không phải không có, nhưng đã có rất nhiều trường hợp lòng nhiệt thành của họ bị dội nước lạnh. Và họ đã phải ra đi trong cay đắng.

Chẳng thế mà, cho đến nay làn sóng "vượt biên" vẫn tiếp tục. Có người tị nạn kinh tế qua đầu tư nước ngoài, hoặc xuất khẩu lao động. Có người tị nạn giáo dục. Có người muốn đi chỉ vì không thể chịu đựng nổi sự ngột ngạt hay sự bấp bênh của thời cuộc.

Thuyền nhân lênh đênh trên chiếc tàu vượt biên chờ được vớt tại cửa biển Đông gần Sài Gòn năm 1975 (minh họa)
Chụp lại hình ảnh,Thuyền nhân lênh đênh trên chiếc tàu vượt biên chờ được vớt tại cửa biển Đông gần Sài Gòn năm 1975 (minh họa)

Tất nhiên, đảng trăm tay nghìn mắt, đảng biết hết. Nhưng đảng đã làm gì?

Trong lời tựa cho cuốn tiểu thuyết đa phương tiện "Thần thánh không biết bơi", tôi đã viết: "Cho dù đã có những nỗ lực đổi mới, nhưng con người ở đây vẫn được định hướng để tuân phục. Đối diện với văn minh hiện đại, những giá trị mang tính nhân bản của thế giới bên ngoài đã làm cho người VN bối rối. Và họ đã ứng xử với tình thế mới ấy như thế nào? Đó là một câu hỏi không chỉ để tự vấn mà sự trả lời của nó còn là cơ hội mô phỏng diện mạo con người VN hôm nay trong cơn khao khát hội nhập với thế giới, bằng cả sự cố gắng và cái bất khả."

Lòng tự tôn của người Cộng sản có giúp họ nhìn ra cái bất khả ấy không? Tôi không biết. Nhưng tôi nghĩ cái tư duy vụ lợi và thiển cận "Còn đảng, còn mình" là một ngõ cụt.

Một người bạn trẻ nói với tôi: "Bất chấp đảng Cộng sản như thế nào, đất nước này vẫn tiến về phía trước." Có lẽ, cũng là một bi kịch khác. Nó mô tả một trạng thái lãnh đạm.

Bản thân tôi chào mừng ngày chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước. Và tôi hy vọng sau bài viết này, tôi vẫn bình an vô sự.

Xin tạ ơn cuộc đời, tôi đã sống sót qua chiến tranh, và tôi đã tồn tại trong hòa bình. Sướng và khổ không thiếu.

Dẫu sao, khi tôi muốn viết những điều này, nghĩa là tôi chưa mất hết niềm tin.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Theo BBC

Vấn đề khi nhấn? Chép và dán URL này vào trình duyệt:
https://anle20.wordpress.com/2023/04/25/nghi-vun-nhan-ngay-30-4/


Ngày 30 tháng Tư từ ‘một góc nhìn khác’...

[
Chụp lại hình ảnh,Ông Stephan Köster (áo đen - cameraman của IK, CHLB Đức) trong ngày 01/5/1975 ở Sài Gòn (ảnh do tác giả cung cấp.

Tôi tuổi Mão, nên chiều mồng hai tết Ất Mão đầu năm 1975, một bất ngờ lớn đã đến với tôi. Ông Huỳnh Văn Tiểng, phụ trách Truyền hình Việt Nam giao cho tôi đi Hải Phòng đón hai "đồng chí Tây Đức" và đoàn xe truyền hình lưu động.

Tổ chức cánh tả Tây Đức "Ủy ban sáng kiến ủng hộ ngành điện ảnh và truyền hình Việt Nam" (Initiativkommittee zur Unterstützung des Film-und Fernsehwesens der DR Vietnam) viết tắt là IK, cử hai sinh viên năm cuối ngành khoa học sân khấu điện ảnh, đại học Cologne, lênh đênh trên biển 6 tuần, áp tải 3 chiếc xe truyền hình lưu động sang tặng Truyền hình Việt Nam. Từ đó tôi kết bạn với họ và với nhiều thành viên IK khác.

Ở một xứ sở mà kết bạn với đồng chí Liên Xô còn gặp khó khăn thì chơi với bạn Tây Đức vô cùng nguy hiểm. Tôi đã khốn khổ một thời vì tình bạn này. Nhưng tôi không bao giờ bỏ bạn bè, và họ cũng chẳng bao giờ quên tôi.

Những gì xảy ra sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc đã làm thất vọng, thậm chí tạo lên những chấn thương tâm lý cho hầu hết các thành viên IK khiến không ai muốn nhắc đến quá khứ, đến các tư tưởng họ đã đi theo. Vì vậy tôi đã không viết về họ.

CHÀNG VIỆT CỘNG GỐC ĐỨC

Stephan Köster (giữa)
Chụp lại hình ảnh,Ông Stephan Köster cùng người yêu - bà Xuân (trái) và Luật sư Ngô Bá Thành (phải) vào năm 1975 (Hình do tác giả cung cấp)

  Đầu tháng Tư năm nay, Stephan Köster, một bạn cũ của IK đến thăm tôi ở Cologne. Vợ tôi đãi các món mà Stephan đã được thưởng thức cùng Xuân, vợ chưa cưới của anh tại Sài Gòn mùa hè 1975.

  Rồi Stephan nói về những ngày cuối của cuộc chiến ở đó. Nhận định của anh ta nghe rất lạ tai, rất khác với những gì người Việt hay nói về ngày 30 tháng Tư.

Tại sao Stephan lại có mặt Sài Gòn vào thời điểm lịch sử này?

Sau khi nhận ba chiếc xe truyền hình lưu động do IK tặng, tôi được phân công giúp đoàn IK làm phim ở Việt Nam. Hôm 30/3/1975, một ngày sau khi Quân Giải phóng chiếm Đà Nẵng, tôi đưa phái đoàn IK đến phỏng vấn Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Phạm Văn Đồng.

Sau màn chào hỏi xã giao và phỏng vấn, Chủ tịch IK xin gặp riêng ngài Thủ tướng. Hai người sang phòng bên cạnh nói với nhau bằng tiếng Pháp. Về sau anh bạn Chủ tịch IK kể cho tôi qua thư là trong khi bàn bạc, anh có hỏi ông Đồng: "Bao giờ các đồng chí sẽ lấy Sài Gòn?" Câu trả lời là 'Cuối tháng 4/1975', như anh nhớ lại.

Bên IK nói sẽ gửi một phóng viên vào Sài Gòn để làm phim về sự kiện này. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cảm ơn và hứa sẽ báo cho các cơ quan hữu quan.

Ngày 31/3/1975, đoàn IK bay về Đức với rất nhiều tư liệu về Việt Nam mà lúc đó UPI, AFP, AP hay Reuters nằm mơ cũng không thể có.

Rồi IK tìm người đi Việt Nam và họ chọn Stephan Köster, chàng quay phim 27 tuổi. Lý do chính là Stephan sinh ra trong một gia đình ngoại giao lâu đời ở Đức, đã theo bố mẹ rong ruổi khắp thế giới. Anh thông thạo 6 ngoại ngữ và đã từng có những tiếp xúc với du kích Nam Mỹ khi còn ở Bolivia.

Ngày 26/4/1975, Stephan nói bố mẹ là đi Tây Ban Nha, nhưng đáp máy bay đi Bangkok.

Ngày 27/4, khi những chiếc máy bay đầy ắp người di tản khỏi Việt Nam đến Bangkok thì chỉ mình Stephan bay ngược về Sài Gòn. Vì lý do an toàn, Stephan không mang bất cứ một giấy tờ gì có thể lộ ra rằng anh là người của "Việt Cộng". Trong va-li chỉ có máy quay phim, máy ảnh và cơ số phim đủ cho hai tháng.

Thế là Stephan bỗng trở thành nhân chứng lịch sử của một sự kiện mà anh tưởng rằng sẽ là ngày tận thế của chủ nghĩa đế quốc, bỗng yêu một người con gái Việt từ 'phía bên kia của Cách mạng'…

Nhân chứng 'ngày tận thế'

Cameraman Stephan Köster
Chụp lại hình ảnh,Nhà quay phim Stephan Köster trong ngày 19/5/1975 tại Sài Gòn (hình do...

Stephan bị Sài Gòn quyến rũ ngay khi vừa đặt chân đến, dù trong buổi hoàng hôn của Việt Nam Cộng Hòa. Chiều ngày 27/4, thành phố vẫn yên tĩnh, bất chấp các tin chiến sự, tin thay đổi nội các, các lệnh giới nghiêm được Đài phát thanh liên tục phát đi. Cảnh sát vẫn điều hành các ngã tư, mọi mệnh lệnh từ trên xuống vẫn được thi hành.

Khách sạn Caravelle đề nghị người nước ngoài phải nộp ảnh để làm giấy tạm trú theo lệnh thiết quân luật. Trong tiệm chụp ảnh, Stephan bị thôi miên bởi ánh mắt của một cô gái đang nhìn mình. Xuân, cho đến lúc này vẫn còn là xướng ngôn viên đài truyền hình Sài Gòn của VNCH, đang chờ chụp ảnh để làm visa xuất ngoại. Bố mẹ Xuân đang chờ cô ngoài tàu sân bay. Vì vướng mấy chương trình lên sóng nên giờ cô mới lo đến việc xuất ngoại.

Xuân có cảm tình ngay với chàng trai Đức đang thì thầm với chủ tiệm bằng tiếng Pháp rất êm. Cô nghĩ đến chiếc xe VW của Đức vừa dễ thương vừa rất đáng tin cậy mà cô dùng lâu nay. Tình yêu sét đánh! Chiếc xe VW màu trắng bỗng trở thành phương tiện vận chuyển của Stephan trong hơn hai tháng sau đó, với Xuân trong vai tài xế, phiên dịch và trợ lý đạo diễn. Xuân tìm thấy ở Stephan chàng hiệp sỹ của đời mình và cô sao nhãng những cố gắng xuất cảnh, yên tâm phụ giúp chàng trong mọi hoạt động. Lúc đầu, Stephan không biết Xuân là người của đài Truyền hình Sài Gòn, còn Xuân chỉ biết anh là phóng viên Tây Đức chứ đâu ngờ là anh làm việc cho những người cộng sản đang bao vây thành phố.

Trong phim, Stephan nhận mình là người cộng sản, nhưng trong thực tế các thành viên IK không chấp nhận đảng Cộng sản Đức (DKP). Mặc dù cùng chia sẻ với nhau các quan điểm thiên tả: chống chiến tranh Việt Nam, chống lại trật tự kinh tế TBCN… nhưng IK rất ghét mối liên hệ chặt chẽ giữa DKP với nước CHDC Đức. Đối với trí thức thiên tả, nhà nước XHCN ở miền Đông là biểu tượng của nền chuyên chế, độc tài. Stephan thấy những chàng trai, cô gái Việt Cộng đội mũ tai bèo, quấn khăn rằn, cầm AK47 mới là đại diện cho cuộc chiến tranh giải phóng, vì tự do, chống lại chuyên chế.

Ngày 28/4, số ít ỏi phóng viên nước ngoài còn ở khách sạn Caravelle quyết định chuyển sang khách sạn Continental, nơi có đông người phương tây hơn, để tạo thành một căn cứ nhỏ bảo vệ lẫn nhau. Buổi tối, Xuân và Stephan không dám ngủ trong phòng khách, mà thường chui vào phòng tắm không có cửa sổ để tránh đạn lạc. Khách sạn Continental dùng lưới thép bọc toàn bộ các cửa sổ và chặn cửa ra vào bằng hàng rào thép để tránh bị tấn công.

Tất cả họ, không ai biết Stephan đang làm việc cho "Việt Cộng", kể cả "Việt Cộng". Có lẽ vì mê cuộc chiến tranh giải phóng của "Việt Cộng", vì yêu một người con gái của phía bên kia và luôn có nàng bên mình như một tấm bùa hộ mệnh mà Stephan cảm thấy vững tin trong tác nghiệp, không hề cảm thấy sợ hãi khi tiếp xúc với binh lính từ cả hai bên.

HOÀNG HÔN CỦA CHIẾN TRANH

Chụp lại hình ảnh,Tòa nhà Hạ Nghị Viện chính quyền VNCH vào ngày 30/4/1975 (Hình do ông Stephan Köster và tác giả cung cấp.

Người phươngTây còn.kẹt lại tại Sài Gòn biết dân chúng rất ghét người Mỹ, đã bỏ rơi họ, đẩy họ vào tình thế này. Ai cũng lo một vụ tàn sát người Mỹ có thể xảy ra. Quảng trường trước mặt khách sạn.Continental luôn xuất hiện các toán binh sỹ VNCH mệt mỏi rã rời, nét mặt vô vọng, nhưng trang bị đến tận răng, tiểu liên cầm tay, lựu đạn quanh hông.

Đám phóng viên ngoại quốc nấp ở bên trong hàng rào thép nhìn ra sợ hãi, chỉ sợ đám lính vô kỷ luật, không còn gì để mất kia dùng súng chống tăng phá hàng rào thép để vào khách sạn trả thù. Ngày 29/4, khi trực thăng còn quần đảo trên bầu trời, có một thanh niên Mỹ không biết say rượu hay hoảng loạn, cứ cởi áo, đứng múa may quay cuồng trước nhà thờ Đức Bà. Stephan sợ cậu ta sẽ bị người Việt xúm lại tùng xẻo. Tất cả những nỗi hãi hùng đó đều không xảy ra.

Từ tối 29/4 và sáng 30/4, trước khi xe tăng của Bộ đội chủ lực tràn vào Sài Gòn, Stephan đã nhìn thấy Biệt động nội thành của Việt Cộng xuất hiện vài nơi. Trên trời trực thăng vẫn tiếp tục di tản người ra khỏi thành phố, nhưng các "Việt cộng" này chỉ ngước nhìn lên, không hề nghĩ đến chuyện bắn hạ, dù việc đó dễ như trở bàn tay. Binh lính Cộng hòa rất oán ghét các tướng lĩnh vô trách nhiệm, bỏ mặc họ cho số phận để leo lên trực thăng tháo chạy. Súng trong tay nhưng họ chỉ nhìn theo máy bay chửi đổng. Không ai còn thích đổ máu nữa!

Kể đến đây, Stephan trầm ngâm:

"Từ khi bước chân đến Việt nam, tớ đã cảm thấy một dân tộc khao khát hòa bình. Cuộc chiến tranh tàn bạo nhất thế kỷ 20 kết thúc êm như một điều thần kỳ chính vì ý nguyện của tất cả những người trong cuộc. Cả một dân tộc đã nhận ra rằng đến lúc phải thôi bắn giết!

"Điều thần kỳ này không phải do đám chính trị làm nên, không hề vì thắng lợi của cách mạng, chẳng phải vì bọn cường quốc đánh cờ trên lưng Việt Nam, chẳng phải vì ai bán đứng ai cả. Hãy nhìn về nước Đức. Chiến tranh được kết thúc bởi sự đầu hàng của một bên, bằng sự căm thù của bên kia, bằng hiệp định của tứ cường đã bi thảm ra sao? Chắc cậu còn nhớ đến nạn hãm hiếp hàng trăm ngàn phụ nữ Đức, đến những cuộc hành quyết lính Đức đào ngũ do SS thực hiện sau ngày 8/5 chứ?"

Đây quả là một cách nhìn mới về ngày 30 tháng Tư mà tôi chưa được nghe từ người Việt Nam nào. Tôi hỏi:

"Cậu nghĩ sao về ý nguyện của dân tộc này, khi chính cậu, chỉ vài tháng sau đó đã bất hạnh về những đau khổ mà người Việt phải chịu đựng, về những cơ hội bị bỏ lỡ?"

"Đó chính là bi kịch của mỗi dân tộc. Người ta có thể tạo ra cái kết đẹp của một cuộc chiến để rồi lao vào một khởi đầu xấu cho nền hòa bình. Cũng như trong đời người, hai chúng tớ đã vượt qua tất cả mọi rào cản để có một mối tình đẹp như mơ, nhưng lại không biết giữ nó, để tuột khỏi tay!"

MỐI TÌNH BUỔI BÌNH MINH

Bà Xuân
Chụp lại hình ảnh,Bà Xuân - người yêu của nhân vật chính trong câu chuyện tình 43 năm

Stephan coi Xuân là tình yêu buổi bình minh của anh. Hai người thuê một căn hộ trong phố để ấp ủ tương lai. Xuân luôn ở bên anh trong mọi hoạt động và họ chẳng còn giấu nhau điều gì nữa. Stephan biết Xuân từng là gương mặt của cỗ máy tuyên truyền bên kia, có họ với hoàng đế Bảo Đại, sống trong nhung lụa. Stephan gọi Xuân là "cô bé mơ mộng" và lúc nào cũng nâng niu cô như một bông hồng, chỉ sợ nó rụng cánh. Trả lời câu hỏi của Xuân: "Anh là cộng sản à?", Stephan nói: "Đúng vậy, nhưng chỉ khi nào cách mạng Việt Nam thành công trọn vẹn!"

Sau khi tình hình tạm ổn định, Stephan đến thăm đài "Truyền hình Sài Gòn giải phóng" ở đường Hồng Thập Tự. Giám đốc đài là thủ trưởng cũ của tôi, ông Huỳnh Văn Tiểng từ Hà Nội vào. Ông được thông báo về ý đồ của IK nên biết là sẽ có phóng viên Đức vào Sài Gòn trước 30.4, nhưng chưa rõ là ai. Nay nghe Stephan tự giới thiệu „Tôi là người của IK cử sang để sát cánh cùng các bạn", ông mừng lắm. Stephan nộp cho ông các vũ khí mà anh nhặt được để tự phòng thân trong mấy ngày qua và khuyên ông cử người đến khách sạn thu gom những thiết bị điện ảnh bị các phóng viên phương Tây bỏ lại.

Từ giờ phút này, chính quyền biết Stephan là ai. Ông "Tây phe ta" được tiếp xúc với đại diện của "Lực lượng thứ ba": Luật sư Ngô Bá Thành, Bác sỹ Dương Quỳnh Hoa, Ni sư Huỳnh Liên và các thủ lĩnh sinh viên nội thành khác. Đối với anh, đó là những "Việt Cộng", ai cũng trí thức, cũng đáng yêu, rất con người. Xuân cảm thấy gần gũi họ hơn, đem chuyện cưới xin ra hỏi bà Ngô Bá Thành. Stephan hạnh phúc ngây ngất và cả hai quyết định cưới.

Chính quyền quân quản không ngăn cản, cũng không đồng ý, chỉ nói chờ đã. Xuân rất khó chịu. Nhưng Stephan nói là cách mạng mới thành công, còn trăm công nghìn việc hãy thong thả chờ. Xuân biết ngày về Đức của Stephan không xa nữa, chỉ có giấy kết hôn mới đưa cô ra khỏi xứ này… Họ hờn rỗi nhau, rồi làm lành, lại cưng nhau.

Giấc mơ của Stephan về một nước Việt Nam hòa bình, tự do, bác ái bắt đầu rạn nứt: Chỉ qua đêm hàng loạt loa phóng thanh được lắp ngoài đường chĩa vào nhà làm anh khó chịu. Các em bé ăn mặc chỉnh tề thắt khăn quàng đỏ diễu hành ngoài đường làm anh nhớ đến chế độ Đông Đức. Rừng cờ đỏ ngợp trời ngày đầu làm anh hứng khởi, nay được thay thế bằng các khẩu hiệu đủ kiểu khiến anh liên tưởng đến chủ nghĩa Mao… Anh tự bào chữa: đó chỉ là sự ấu trĩ của những cán bộ ít học. Các trí thức mà anh quen biết rồi sẽ giúp cho họ hiểu, thế nào là văn hóa, là cách mạng.

Nhưng rồi anh thấy những "Việt Cộng" dễ thương cứ vắng dần đi, thay vào đó là các cán bộ lạnh lùng ngoài Bắc vào, nói chuyện gì cũng phải qua Xuân phiên dịch... Phim của anh gửi về Đức cho IK ngày càng "kém chất lượng", vì nó không toát lên được khí thế cách mạng mà các đồng chí bên đó mong đợi. Các câu hỏi anh đặt ra trong phim ngày càng khó chịu. IK liên tục gửi điện, giục anh phải về ngay Đức để làm bản "Báo cáo thành tích".

Chính quyền bắt đầu đưa dần số phóng viên ngoại quốc ra khỏi Việt Nam. Vài ngày một lần, lại có một thông báo ai phải ra đi, dán trước cửa khách sạn.

Stephan nghĩ rằng, mình không nằm trong diện đó. Anh là đồng chí của họ cơ mà? Anh muốn ở lại vĩnh viễn với Xuân. Cơ số phim IK cấp cho, anh đã quay hết, đã gửi về đủ, coi như xong nhiệm vụ.

Bản sao kịch bản phim

Chụp lại hình ảnh,Bản sao kịch bản phim 'Báo cáo thành tích'

GIẤC MỘNG 'ĐẸP' VÀ CÁI KẾT

Đời đâu có đơn giản thế. Cuối cùng Stephan được chính quyền vui vẻ thông báo là anh sẽ phải rời khỏi Việt Nam. Mình không còn có ích cho họ nữa - Stephan nghĩ bụng - "Thế còn vợ tôi?", anh hỏi.

"Chúng tôi sẽ giải quyết sau một năm!," họ trả lời. Nghe vậy, Xuân la khóc: "Sao anh có thể tin người cộng sản?"

"Em chẳng đã từng bảo anh cũng là cộng sản sao? Hãy tin anh. Giờ anh đành phải về. Nhưng anh sẽ đưa em ra khỏi đây," Stephan đáp.

Ngày 01/7/1975, 65 ngày sau khi đến Việt Nam, Stephan cùng một số nhân viên cứu trợ Liên Hiệp Quốc bước lên chuyến máy bay đi Vientian. Họ là những người ngoại quốc cuối cùng đã vào đây bằng thị thực của Việt Nam Cộng Hòa, nay phải rời Việt Nam. Xuân đứng như trời trồng ở sân bay nhìn theo chiếc phi cơ mất hút trên bầu trời.

Về đến nhà, Stephan bỏ mặc những bất đồng với ban lãnh đạo IK, với các bạn anh. Anh cũng chẳng quan tâm đến bản "Báo cáo thành tích" nữa. Anh chỉ lo chạy để đưa Xuân sang. Tòa đại sứ của VNCH khi xưa, nay đã cắm cờ đỏ sao vàng.

"Đồng chí cameraman, đồng chí thông cảm, chúng tôi mới ra khỏi chiến tranh, còn nhiều việc quan trọng hơn phải làm…", nhân viên sứ quán nhiều lần lễ phép nói vậy.

Những bức điện tín của Xuân từ Sài Gòn gửi sang, càng ngày càng vô vọng… Đùng một cái, đầu tháng 5/1976, qua một người quen, Stephan biết Xuân đã sang đến Paris. Nhưng tại sao Xuân không báo cho Stephan?

Chuyện riêng tư của bạn tôi, tôi sẽ không bộc bạch! Chỉ biết là người Việt Nam đã giữ lời hứa. Rồi IK trải qua những năm tháng vật vã trong quan hệ với Việt Nam. Những tin xấu: Trại cải tạo, đánh tư sản, đốt sách vở, thuyền nhân chết trên biển... làm cho tất cả họ sụp đổ.

Ông Stephan Köster (thứ ba từ trái sang)
Chụp lại hình ảnh,Ông Stephan Köster (đứng, thứ ba từ trái sang) trong ngày được đón tại Köln hôm 5/7/1975
Đầu 1982, sau khi đã hồi phục tinh thần, Stephan sang Paris thăm Xuân. Cuộc gặp gỡ cảm động đó đã bình thường hóa quan hệ của cặp vợ chồng chưa cưới ngày nào về cấp bạn bè.

Trở về Đức, anh làm bộ phim tư liêu 60 phút "Bản báo cáo thành tích" (Erfolgsbericht) để tặng người tình cũ và giãi bày lòng mình. Phim phát trên ZDF và được giải đặc biệt của liên hoan phim Berlinale 1983 về thể loại phim "Sân khấu TV nhỏ", được coi là tạo bước ngoặt về kịch bản với các yếu tố tự sự, thơ và kể chuyện kết hợp trong mối tình có một không hai.

Năm 2006, Stephan tặng tôi cuốn phim, tôi giữ kín. Nay anh nói tôi hãy dịch ra tiếng Việt và phổ biến cho đồng bào mình xem. Stephan buồn bã: "Tình yêu bình minh của chúng tớ cũng ngắn ngủi như giấc mộng đẹp về cuộc cách mạng ở Việt Nam!"

Bài viết trong loạt bài đánh dấu 43 năm sự kiện 30 tháng Tư kết thúc Chiến tranh Việt Nam, bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một tu nghiệp sinh tại CHDC Đức từ năm 1967 - 1971 và cựu kỹ sư tại Đài truyền hình Việt Nam (VTV), hiện đang sinh sống tại Cologne, CHLB Đức.

Vấn đề khi nhấn? Chép và dán URL này vào trình duyệt:
https://anle20.wordpress.com/2023/04/30/ngay-30-thang-tu-tu-mot-goc-nhin-khac/