Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

NÃO TRẠNG “CHA LÀ CHÚA”



Cứ mỗi lần đám bạn cũ chúng tôi gặp nhau là mọi thứ chuyện trên trời dưới đất được mang ra bàn thảo, dĩ nhiên, có cả những chuyện liên quan đến ông cha này, thày chùa kia, bà dòng nọ… được báo chí, truyền thông nhắc tới do những bùng xùng mà họ gây ra. Mẹ tôi một con chiên ngoan đạo, nên mỗi khi nghe đến những chuyện cha thày thì bà làm dấu thánh giá, xua xua đôi tay, miệng không ngừng lên tiếng bênh vực:
“Gớm nhỉ, sao các anh không đi tu làm cha đi mà cứ ngồi đó bàn ra tán vào. Động chạm đến cha là động chạm đến Chúa đấy. Chúa mà nghe thấy, Chúa phạt cho lòi con mắt ra cho mà chừa.”
Rồi như để bảo đảm cho lời mình nói, mẹ tôi bao giờ cũng kể lại những câu chuyện mà chả biết bà nghe ở đâu, và cũng chẳng biết nó xẩy ra bao giờ, đại khái là ở làng nọ có cái thằng khô khan nguội lạnh một lần nó cãi cha nên bị sét đánh chết khi ra ngoài đồng cày ruộng. 

Tin “cha là Chúa”. Có lẽ nhiều người ngày nay, đặc biệt là giới trẻ hải ngoại thì không mấy ai tin rằng cha là Chúa. Não trạng này họa may chỉ còn rơi rớt lại trong tư tưởng của những người lớn cỡ chừng 70 trở lên.
Nhưng tại Việt Nam thì khác, có thể nói phần đông người Công Giáo vẫn tin rằng “cha là Chúa”, và một cách nào đó, làm gì ngược ý cha, ngay cả việc sửa sai, góp ý với cha cũng cùng một nghĩa là chống Chúa, xúc phạm đến Chúa.   

Như vậy nếu tin hay không tin cha là Chúa thì khác nhau ở chỗ nào?
Khác lắm chứ, tin cha là Chúa là một tư tưởng chủ quan phát xuất từ lối sống đạo thụ động và cuồng tín.
Nó làm cho vai trò các linh mục ngày càng trở nên cao ngạo, mất hẳn ý thức về con người thực tế của họ, và từ đó có những cung cách cư xử, hành động không giống Chúa, và cũng không phản ảnh hình ảnh Chúa.
Phần giáo dân thì không mở mang được tầm nhìn, không nhận ra vai trò Kitô hữu của mình trong đời sống tâm linh, đời sống Giáo Hội một cách trưởng thành.
Ngược lại, không tin cha là Chúa sẽ đem lại cho cả linh mục và giáo dân vị trí đúng của mình.

Cùng nhau phát triển ơn gọi trong THIÊN CHỨC là con Thiên Chúa, (THIÊN CHỨC quan trọng hơn THÁNH CHỨC nhiều)
là anh em với nhau như Thánh Phaolô Tông Đồ đã nói với giáo đoàn Côrinthô:
“Đặc sủng chia làm nhiều, nhưng cũng chỉ một Thần Khí. Phục vụ chia làm nhiều, nhưng cũng là một Chúa (1 Corintho 12:4-5). (Bản dịch Lm. Nguyễn Thế Thuấn),
cũng như giáo đoàn Rôma:
 “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng”. (Roma 12:4).

Vậy linh mục là ai? 
Theo Đức Giám Mục Nguyễn Soạn:
“Ngày nay, linh mục có uy tín và thế giá, không phải chỉ vì ông được thụ phong linh mục, có chức thánh, mà quan trọng là do đời sống tông đồ và mục vụ của mình. Bởi lẽ, xưa kia người ta coi linh mục là người thông biết mọi sự. Ngày nay, cùng với sự phổ thông văn hóa, linh mục không còn là người duy nhất nắm giữ kiến thức. Người giáo dân bây giờ cũng thông thái, có khả năng chuyên môn, ngay cả cũng đào sâu Kinh Thánh, giáo luật; có những người có bằng cấp cao trong các trường đại học công giáo. Còn về tu đức, có những giáo dân được công nhận như bậc thầy. Họ cũng giảng phòng, làm cố vấn thiêng liêng như các linh mục, chẳng hạn như anh Francois Duff, sáng lập Legio Mariae.”

Trong thánh lễ truyền chức linh mục, Đức Giám Mục hỏi ứng viên:
- “Con quý mến, con có muốn trở thành linh mục, cộng tác viên của Giám Mục trong chức linh mục, để phục vụ và dẫn dắt Dân Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần không?”
- “Con có muốn trung thành chu toàn tác vụ Lời Chúa, nghĩa là rao giảng Tin mừng và trình bày giáo lý Đức Tin công giáo theo truyền thống của Hội Thánh để ngợi khen Thiên Chúa và thánh hóa Dân Kitô giáo không?”
- “Con có muốn mỗi ngày kết hiệp với Linh Mục Thượng Phẩm là Chúa Kitô, Đấng tận hiến mình cho Cha Người và với Người, thánh hiến con cho Thiên Chúa để cứu rỗi loài người không ?”
Các câu hỏi trên đây trình bày súc tích căn tính của linh mục, đó là hợp tác với Giám Mục điều hành dân Chúa, rao giảng Lời Chúa và trao ban các Bí tích. (GM Phêrô Nguyễn Soạn,  VietCatholic News (28/02/2005)

Tóm lại, một vị linh mục khi nhận thừa tác vụ từ tay giám mục, đúng nghĩa chỉ là cánh tay nối dài của giám mục. Có bổn phận phụ tá cùng với giám mục săn sóc, hướng dẫn và phát huy đời sống tinh thần nơi những người mà mình được trao phó và ủy thác.  Do đó, nếu xét về cốt lõi ơn gọi Kitô hữu qua Bí Tích Rửa Tội, thì linh mục cũng chỉ hơn giáo dân ở chức vụ linh mục thừa tác . Nhờ chức vụ thừa tác này, các linh mục được đại diện Giáo Hội, đại diện cộng đoàn dâng lễ, ban các bí tích.
Ngoài ra, nếu xét về các đoàn sủng khác mà Thần Khí là Thánh Thần ban cho các Kitô hữu trong Giáo Hội thì giữa linh mục và giáo dân có những đặc sủng rất khác nhau.
Thí dụ, khi người ta bước vào một ngôi thánh đường nguy nga, lộng lẫy thì đó có phải là do linh mục xây dựng nên hay đó là do công lao đóng góp của bao nhiêu người từ tiền bạc, khối óc, bàn tay, và sức lao động để làm nên. Có mấy ai ngay cả các linh mục đã nghĩ đến họ hoặc cầu nguyện cho họ khi hàng ngày bước vào các thánh đường. Hoặc khi một linh mục giảng hay, nhiều người được ơn trở về với Chúa, gia nhập Giáo Hội, có thể đó là niềm tự hào của nhà giảng thuyết, nhưng với một người có chút suy nghĩ thì không phải vậy.

Những sự trở về kia dĩ nhiên chịu ảnh hưởng bởi những bài giảng hùng hồn, đầy ý nghĩa, nhưng chính cốt động lực để đưa một người trở về là do tác động của Chúa Thánh Thần. Và cũng nhờ vào hằng trăm những bà già, ông già, những người giáo dân quê mùa, những trẻ em đơn sơ đang ngồi dưới kia miệng lâm râm lời kinh nguyện, chấp nhận cái chật chội, nóng bức, giá lạnh trong thánh đường. Chính sự hy sinh và khiêm tốn ấy của họ đã kéo ơn Chúa xuống để làm trổ sinh thành quả cho một bài giảng.

Coi cha là Chúa, so sánh cha với Chúa không những không làm Chúa vui mà còn là một xỉ nhục cho Chúa trong rất nhiều trường hợp.

Thánh Tiến Sỹ Têrêsa d’Avila nói về những ông “chúa” này như sau:
“Nền hỏa ngục lát bằng sọ các linh mục”.
Nếu linh mục là Chúa thì không phải vào hỏa ngục, mà con số lại nhiều đến thế! Và Dòng Kín Camêlô đã không có những nữ tu ẩn mình ngày đêm trong bốn bức tường kín chỉ để cầu nguyện cho các linh mục.

Linh mục yếu đuối, bất toàn là sự thật hiển nhiên, và hình ảnh này đã được diễn tả trong Thánh Kinh qua Thư gửi Người Do Thái:
“Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội.

Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy.” (Do Thái 5:1-3) 

Tóm lại, linh mục cũng chỉ là những con người được dựng nên với ơn gọi được trao ban, tương tự như ơn gọi làm cha, làm mẹ, làm chồng, làm vợ, làm con, làm bác sĩ, làm nha sĩ, làm dược sĩ, làm giáo sư, làm luật sư, làm kỹ sư, làm văn sỹ, làm thi sỹ, làm nhạc sỹ, làm họa sỹ, làm nông gia, làm thợ máy, làm người phu quét đường… đã được trao ban cho mỗi người để thánh hóa bản thân, ca tụng Chúa, phụng sự tha nhân, nâng cao giá trị và vẻ đẹp cho đời.

Chính Chúa Giêsu đã khẳng định về giá trị của từng ơn gọi qua dụ ngôn nén bạc.

Giá trị không phải là người được trao 5 nén, người được trao 2 nén, và người được trao 1 nén.

Giá trị cuối cùng là ai đã làm lời dựa trên số vốn đã được trao, hoặc không làm gì hết. Có nghĩa là ai sống trọn, sống nên với ơn gọi của mình là người có giá trị trước mặt Chúa.

Linh mục nào tự cho mình cái quyền hơn người khác, quyền đòi được người khác phải tôn kính, và ca tụng ngang với Chúa thì linh mục đó chưa đọc Thánh Kinh và nếu đọc thì chưa hiểu, hoặc nếu hiểu thì chưa sống Thánh Kinh:

“Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đấy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn dân.” (Mt 20:25-28)

Ngày nay, não trạng coi cha là Chúa, trước hết đến từ chính các linh mục. Thiếu kiến thức và hiểu biết về nhân văn, về con người, về xã hội và về tâm lý, thiếu khiêm nhường trong cung cách sống, nhiều chủng sinh sau khi trở thành linh mục đã tỏ ra rất tự cao tự đắc.

Câu chuyện mà tôi đã nghe hôm dùng cơm với Đức Giám Mục Mai Thanh Lương tại tư gia do họa sỹ và điêu khắc gia Văn Nhân kể vẫn còn khắc ghi trong ký ức.
Ông kể rằng tại xứ ông thuở đó cha xứ rất uy quyền, muốn đánh, muốn chửi, muốn phạt ai cũng được, và mọi người đều sợ và kính trọng. Trong xứ có một ông trùm có máu cờ bạc bị bắt quả tang đang đỏ đen tại nhà một giáo dân khác. Ông được đưa đến trước mặt cha xứ, và cha xứ đã nọc ông ra trước mặt mọi người dùng gậy đánh ông vì cái tội cờ bạc. Bị đánh đau quá, ông trùm cáu lên nói:
-Cha đánh con nữa, con bỏ đạo.
-À thế hả. Vậy cha đánh để rút linh hồn ông trùm ra, kẻo bỏ đạo sẽ mất linh hồn.
Vừa nói, cha xứ vừa đánh một cách không thương xót. Đau quá, chịu không nổi, ông trùm lại thưa:
-Thưa cha, con không dám bỏ đạo nữa.
-Thế hả. Vậy cha đánh để nhét linh hồn ông trùm vào.
Không biết cha xứ có khả năng rút linh hồn hay nhét linh hồn cho ai không, nhưng chỉ biết là sau trận đòn ấy, không thấy ông trùm đi lễ, đi nhà thờ nữa.

Những câu chuyện cha không phải là Chúa thì nhiều vô kể, chỉ cần nhắc đến hơn 2 tỷ dollars mà Giáo Hội Hoa Kỳ trả cho những trường hợp linh mục ấu dâm đã đủ để chứng tỏ cha không phải là Chúa.

Các Giáo Hoàng từ Thánh Gioan Phaolô II đến Bênêđíctô XVI và hiện giờ là Phanxicô đã phải hạ mình xin lỗi thế giới, xin lỗi các nạn nhân về những lỗi phạm tầy đình của một số giám mục, linh mục không phải là “Chúa” này.

Hoặc gần đây hiện tượng một vài Cha tại Việt Nam đang làm nhiều người hoài nghi về sự thánh thiện cũng như phẩm tính “thiêng liêng” của  Linh mục.

 
Ngoài ra, não trạng cha là Chúa cũng đến từ sự thiếu hiểu biết và tin tưởng mù quáng của giáo dân. Phần đông giáo dân Việt Nam, khi một linh mục vừa được thụ phong là họ đã phong thánh ngay cho tân linh mục ấy rồi. Với phong tục và ảnh hưởng văn hóa, phần lớn giáo dân Việt Nam không ai muốn mang tiếng bất kính với cha cụ nên cứ nhắm mắt “Vâng ý cha dưới đất cũng như trên trời”!

Chính do sự tôn kính cuồng tín đã đào tạo nên những thế hệ giáo dân thụ động trước những linh mục lộng hành, bất xứng.

Không biết từ đâu và do ai mà tư tưởng sau đây đã lan rộng trong nhiều người:

 “Thà làm con chó nhà Đức Chúa Trời, còn hơn làm người thế gian”.

Một tư tưởng, một lối suy nghĩ coi rẻ nhân phẩm, phản đạo đức, và phản tiến bộ như vậy mà từ cha đến con, từ người già đến trẻ không ai dám lên tiếng, hoặc không muốn lên tiếng.

Một người bạn qua Mỹ định cư do con bảo lãnh. Anh đã gặp một linh mục cũng là bạn cùng lớp với nhau khi ở Việt Nam. Vì nghĩ rằng cha là chúa, muốn làm gì thì làm, nên anh đã nói với người anh em linh mục cho anh xin một việc làm trong nhà xứ, việc gì cũng được, giật chuông, đốt hoặc tắt nến, giúp lễ, quét dọn nhà thờ, nhà xứ, thổi cơm nấu nước… miễn là mỗi tháng được ít trăm tiêu vặt.

Nhưng người bạn linh mục của anh đã trả lời rằng cha cụ bên Mỹ không như cha cụ ở Việt Nam muốn làm gì thì làm. Cha cụ bên này làm gì hay thuê mướn ai phải được sự đồng ý của Hội Đồng Giáo Xứ. Mọi việc lớn nhỏ trong giáo xứ phải được điều hành một cách rõ ràng, có giấy tờ, cha xứ không được phép muốn làm gì thì làm. Và thế là anh em xẩy ra mất lòng nhau.

Điều dễ hiểu cho một giáo dân ở Hoa Kỳ, nhưng lại rất khó hiểu có khi được cho là bất kính đối với một giáo dân ở Việt Nam. Một phó tế Việt Nam hiện đang điều khiển một giáo xứ lớn tại miền bắc Los Angeles, California.

Dưới quyền của thầy là linh mục chính xứ, linh mục phó xứ, các nữ tu, nhân viên Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ. Thầy được giám mục “thuê” để điều hành và phát triển giáo xứ trong khi linh mục chính xứ và linh mục phó xứ thì chỉ chuyên về tâm linh, đạo đức. Lý do vì thầy có bằng cấp, có chuyên môn và có khả năng điều hành.

Không chỉ là phó tế, nữ tu, tất cả những ai có bằng cấp, khả năng chuyên môn đều được trọng dụng trong đường lối cai quản các giáo phận và giáo xứ tại Hoa Kỳ. Bạn tôi có người con trai có bằng Cao Học về Mục Vụ. Anh đã được một giáo xứ thuộc giáo phận miền bắc California thuê để điều hợp và phát triển chương trình mục vụ của giáo xứ.

 
Ngoài lãnh vực mục vụ, quản trị, những lãnh vực khác như ca nhạc, phụng vụ cũng vậy. Chưởng Nghi Lễ của giáo phận tôi là một phụ nữ. Những lần tấn phong giám mục hay những đại lễ bà đều xuất hiện và điều khiển phần nghi lễ. Lý do vì bà có bằng tiến sỹ phụng vụ. Những chuyện như vậy chắc không bao giờ xảy ra ở Việt Nam, hoặc nếu có thì cũng phải mất ít nhất 50 năm hoặc lâu hơn nữa.

Để kết thúc suy nghĩ về sự liên kết, so sánh mà theo tôi là một xúc phạm khi cho rằng cha là Chúa, chúng ta cần suy niệm một cách nghiêm chỉnh lời Thánh Phaolô sau đây:   

“Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.” (Epheso 2:19-22)

Thần khí đó là thần khí con cái Chúa, thần khí yêu thương, thần khí phục vụ mà mỗi người được Thiên Chúa tác tạo và trao ban theo ơn gọi riêng của chính mình.

 tiến sĩ Trần Mỹ Duyệt

Nguồn bài Fb :  Chau Micae .





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét