Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

7 phẩm chất của người thành công và 7 thói xấu của kẻ thất bại...

 Chúng ta luôn tin rằng mình có đủ khả năng để thành công trong công việc và sự nghiệp, thế nhưng đáng buồn là không ít người phải đối mặt với sự thất bại. Vì sao vậy? Sự thật là khi chúng ta thất bại, chúng ta mới nhận ra rằng mình chưa đủ năng lực, phẩm chất của những người thành công.

7 phẩm chất của người thành công và 7 thói xấu của kẻ thất bại

Những người thành công luôn có những tố chất “vàng” để nâng bước và chắp cách cho họ, ngược lại những người thất bại luôn mắc vào những “thói xấu” khiến con đường thành công của họ luôn xa tầm với.

NGƯỜI THÀNH CÔNG

1. Biết tạo dựng các mối quan hệ

Những người thành công thường có rất nhiều các mối quan hệ. Họ tự tạo cho mình một hệ thống những người cùng hợp tác, giúp đỡ nhau và cạnh tranh với nhau. Họ cũng có chiến thuật riêng để tạo dựng các mối quan hệ, kết thúc chúng và điều khiển chúng theo cách họ muốn.

2. Là người tham vọng

Thành công là đích đến sau một chặng đường dài. Người thành công sau khi đã đi hết chặng đường này rồi, họ sẽ tiếp tục đi tiếp hoặc tìm một hướng đi khác. Đây là cách nói ẩn dụ cho biết người thành công là những tham vọng. Họ không bao giờ “ngủ quên trong chiến thắng” và dậm chân tại chỗ. Nếu họ chưa thành công, họ sẽ cố gắng để đạt được. Nếu họ đã thành công, họ sẽ tiếp tục đầu tư hay chuyển hướng sang một lĩnh vực khác để thành công hơn.

3. Dám đối mặt với khó khăn

Cái khí chất của những ông chủ là họ dám nghĩ dám làm. Họ dám mạo hiểm, không sợ khó khăn để đánh cược với tương lai của mình. Ngoài ra, những người thành công cũng là những người giỏi chịu đựng áp lực công việc. Khởi điểm của họ có thể là con số không, nhưng kỹ năng làm việc và khả năng chịu đựng áp lực công việc giỏi sẽ giúp họ “đánh bại” các đối thủ khác và được đề bạt ở vị trí cao hơn. Nói theo cách khác, thử thách và kinh nghiệm giúp họ trưởng thành và hình thành tư chất của người quản lý giỏi.

4. Ấp ủ ý tưởng

Những người thành công không phải lúc nào cũng là những người nhiều tiền và chỉ cần “vung” tiền ra hoặc sử dụng thời gian để đầu tư. Thực tế đã chỉ ra rằng, những người thành công thực sự đều có một điểm chung là họ biết ấp ủ giấc mơ riêng của họ. Ý tưởng của họ có thể có từ rất lâu, và khi hội tụ đủ các điều kiện và cơ hội, họ sẽ biến giấc mơ của mình trở thành hiện thực.

5. Khiêm tốn

Khiêm tốn là đức tính tốt mà không phải ai cũng có được, nhưng những người thành công làm được điều này. Lý do là vì những người không bao giờ nhận mình là “nhất” sẽ luôn cố gắng hoàn thiện bản thân, đồng thời họ biết coi trọng người khác khi so sánh với bản thân mình.

6. Quản lý người làm tốt

Những người thành công không những có những người giúp việc giỏi mà còn có những người luôn trung thành và sát cánh bên họ trong mọi hoàn cảnh. Làm thế nào để làm được điều này? Những cuốn sách “đắc nhân tâm” có phải là công cụ để họ tìm được người làm tốt? Thực ra, cái cốt lõi thuộc về phần “tâm” của con người. Ở bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, nếu bạn làm việc với chứ “tâm”, đối xử người với người bằng chữ “tâm”, bạn sẽ thành công lâu bền.

7. Biết đầu tư

Kinh doanh không thể không bàn đến chuyện đầu tư, vấn đề chủ yếu là đầu tư lớn hay nhỏ, ít hay nhiều. Người thành công luôn hiểu được quy luật này và đó là cách họ quản lý đồng tiền để làm chủ đầu tư.

KẺ THẤT BẠI

1. Khôn lỏi

Khôn “lỏi” mà một thói xấu cản trở bạn đến thành công nhanh nhất. Bạn có tố chất của một người thông minh, nhưng bạn lại sử dụng sai mục đích, mang những tư lợi rất nhỏ nhặt cho bản thân mà không nghĩ đến đại cuộc. Khôn “lỏi” là những người luôn cố làm đẹp lòng người khác để mang lại lợi ích cho chính mình, luôn giả tạo và chỉ chờ cơ hội là lợi dụng người khác. Để có được điều mình muốn, những người có thói khôn lỏi không ngại sống hai mặt và dối trá.

Những người sở hữu “phẩm chất” này sẽ khó có thể bước lên nấc thang danh vọng, nếu có thì cũng không nhận được sự tôn trọng từ cấp dưới và đồng nghiệp.

2. Ưa nịnh

Người thành công luôn biết nhìn nhận và dành lời khen cho người khác, kẻ thất bại thì luôn thích người khác khen mình, mà không cần biết là lời khen đó chân thành hay giả dối. Người thành công nhìn nhận lời khen như một sự động viên, vì họ biết bản thân mình có gì, kẻ thất bại thì xem nó như một sự ghi nhận lớn lao và thèm khát được người khác tâng lên mây xanh.

3. Ảo tưởng sức mạnh

Luôn nghĩ mình là một “vĩ nhân” là “cái rốn của vũ trụ” là một trong những thói xấu của người thất bại. Nhóm người sở hữu “năng lực” này luôn có niềm tin chắc chắn về việc không ai có thể thay thế mình, cho đến khi họ bị đá văng ra khỏi vị trí đó và họ rơi xuống vực sâu, nơi có những kẻ thất bại khác đang chờ sẵn.

4. Nhỏ nhen

Đây là một trong những “đặc sản” của nhóm người thất bại. Nhỏ nhen thường đi kèm với thói ích kỉ và ganh tị, luôn cho rằng bản thân mình mới là người xứng đáng có được thành công chứ không phải một ai đó vừa lên chức. Khi đồng nghiệp cùng vị trí được cất nhắc, thì thay vì chúc mừng họ quay sang nói xấu, dìm hàng đồng nghiệp vì trong suy nghĩ của họ, không ai xứng đáng ngồi lên chiếc ghế đó ngoài mình.

5. Không biết đặt niềm tin

Luôn nghi ngờ tất cả mọi người, mọi vấn đề trong công việc và giao tiếp cuộc sống. Nhóm người ngày có thể có chức vị cao trong môi trường công sở nhưng sẽ không thể “đắc nhân tâm” với nhân viên hoặc đồng nghiệp vì thói đa nghi quá đà. Họ thường đọc quá nhiều sách quản trị người kiểu xưa, tập nghi ngờ còn hơn bỏ sót, sử dụng quá nhiều lý trí, tính toán và thích thú trong việc chơi “cờ người”.  Chính vì sử dụng “sai sách” vì không chú tâm đến niềm tin,trực giác của bản thân, những người này rơi vào nhóm thất bại trong việc xây dựng niềm tin của chính bản thân mình với người khác và gặp khó khăn trong việc tin tưởng cộng sự.

6. Giao tiếp kém

“Ăn không nên đọi, nói không nên lời” là câu thành ngữ chỉ típ người giao tiếp kém. Giao tiếp kém ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thành công của một người. Điều gì sẽ xảy ra khi bạn đi phỏng vấn, bạn không thể nói ra một câu chốt ý với nhà tuyển dụng? Điều gì sẽ xảy ra khi bạn đi đàm phán, thương lượng với đối tác? Điều gì sẽ xảy ra khi bạn làm việc nhóm? Bạn biết rồi chứ, nếu bạn không thể giao tiếp, thì bạn sẽ không thể tiến lên!

7. Tầm nhìn hạn hẹp

Kinh doanh không bao giờ là một con đường bằng phẳng, trong khi bạn đã tiên liệu đủ thứ những vẫn có những tác nhân gây cản trở đến công việc của mình, điều một người biết nhìn xa là gì? Tìm đến những lời khuyên chân thành từ những người đáng tin cậy, đừng làm theo trực giác mách bảo, hãy vẽ ra những kịch bản tồi tệ nhất mà bạn có thể gặp phải và tìm cách xử lý chúng triệt để. Những người thành công luôn nghĩ đến việc ngày mai mình thất bại để dự liệu mọi thứ thật tốt, còn kẻ thất bại thì luôn hỏi “Tại sao mình không thành công?”.

Theo CÔNG LUẬN

Vấn đề khi nhấn? Chép và dán URL này vào trình duyệt:
https://anle20.wordpress.com/2023/01/16/7-pham-chat-cua-nguoi-thanh-cong-va-7-thoi-xau-cua-ke-that-bai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét