Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2023

Từ vụ thay ngựa giữa cung đình Hà Nội...anle20.

Việt Nam bước vào năm mới 2023 bằng một vụ “thay ngựa” trong hàng ngxxxũ lãnh đạo chóp bu: Ông Phạm Bình Minh, ủy viên Bộ Chính Trị, phó thủ tướng thường trực, và ông Vũ Đức Đam, phó thủ tướng, “bỗng dưng” mất chức, bị thay bằng hai ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang tại phiên họp bất thường của Quốc Hội “bù nhìn” hôm 5 Tháng Giêng. Chuyện này ai cũng biết, vấn đề là nó góp phần lột trần bản chất gian dối của chế độ như thế nào.


Các đại biểu Quốc Hội “bù nhìn” Việt Nam. (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)
Vở tuồng dân chủ giả hiệu

Vụ mất chức của ông Minh và ông Đam được dư luận đoán trước trên mạng xã hội rất lâu trước khi nó diễn ra, ít nhất là từ khi các phụ tá thân cận của hai ông này bị “xộ khám” trong các vụ án tham nhũng chuyến bay giải cứu và bộ xét nghiệm của công ty Việt Á. Người thay hai ông này trong chính phủ cũng đã được dư luận nêu ra nhiều ngày trước khi Quốc Hội bắt đầu nhóm họp.

Tuy vậy, đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) vẫn cho diễn một vở tuồng họp hành bầu bán, làm cho có vẻ dân chủ để hợp thức hóa một quyết định bí mật của các ông trùm trong Bộ Chính Trị. Một cuộc họp bất thường của 181 ủy viên trung ương đảng CSVN vào ngày cuối năm và một cuộc họp bất thường khác của 484 “đại biểu quốc hội” vào ngày đầu năm mới, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng chỉ để làm công việc của một tờ thông cáo.

Nhưng quy trình “dân chủ giả cầy” khiến họ không thể làm khác. Theo điều lệ của đảng, ông Minh và ông Đam là cán bộ thuộc “diện trung ương quản lý,” muốn kỷ luật các ông này thì trung ương đảng phải họp và biểu quyết, dù chỉ biểu quyết thuận theo chỉ thị của Bộ Chính Trị. Trong quá khứ, chỉ có một lần duy nhất ban chấp hành trung ương đảng CSVN biểu quyết không kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng theo yêu cầu của ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, làm ông Trọng chảy nước mắt nước mũi tèm lem trước bàn dân thiên hạ và để lại một mối thâm thù trong lòng ông Trọng, kéo dài đến tận bây giờ.

Cũng theo cái quy trình đó, Bộ Chính Trị quyết định ông Trần Hồng Hà ông Trần Lưu Quang sẽ thay thế ông Minh ông Đam trong chính phủ, ban chấp hành trung ương làm công việc “giới thiệu” và Quốc Hội “gật” theo với số phiếu đồng ý tuyệt đối 100% – 481 phiếu/481 đại biểu dự họp. Trước đó, tin ông Hà và ông Quang lên làm phó thủ tướng đã được khẳng định trên truyền thông xã hội, chẳng cần bỏ phiếu, cũng chẳng cần hội nghị bất thường tiêu tốn tiền muôn bạc vạn của ngân sách quốc gia.

Cái thể chế “dân chủ gấp vạn lần tư bản” là như vậy: Một người, một nhóm người tùy tiện quyết định những vấn đề quốc gia đại sự rồi các định chế như đảng, quốc hội phải nhất nhất làm theo, còn tuyệt đại bộ phận dân chúng thì không được quyền có ý kiến gì cả.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Cho đến nay, vẫn chưa có thông tin nào cho biết ông Minh và ông Đam bị cách chức vì lý do gì, chỉ biết trong cuộc bỏ phiếu chiều ngày 5 Tháng Giêng có 476/484 đại biểu quốc hội tán thành việc “miễn nhiệm” chức phó thủ tướng của hai ông này. Nhiều người đinh ninh ông Minh và ông Đam mất chức là do tham nhũng trong các vụ chuyến bay giải cứu và bộ xét nghiệm Việt Á.

Ngay đến Giáo Sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam rất nổi tiếng thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc, cũng nhận định hai ông này mất chức vì liên quan tới tham nhũng.

Nhưng sự thể không đơn giản như vậy.

Vụ tham nhũng chuyến bay giải cứu trục lợi trên nỗi đau của người dân, vụ bộ xét nghiệm Việt Á và những chính sách phòng chống COVID-16 ngu xuẩn làm hàng chục ngàn người thiệt mạng một cách oan uổng là tội lỗi ghê tởm của đảng CSVN và chính phủ Việt Nam, những kẻ vẫn tự cho quyền “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối,” không thể là trách nhiệm cá nhân của ông Minh và ông Đam.

Và như chúng tôi đã nhiều lần nhận định trên trang báo này, các vụ tai tiếng này không chỉ là hành vi tham nhũng, lợi dụng chức quyền thông thường mà thực chất là một thể chế nhà nước bị đồng tiền lũng đoạn, trong đó những cơ quan nhà nước và cán bộ cao cấp cấu kết với các công ty bất lương, biến quyền lực nhà nước thành phương tiện vơ vét tài sản của nhân dân. Để chấm dứt và ngăn ngừa sự lũng đoạn đó nhất thiết phải thay đổi thể chế cai trị và thực hiện dân chủ hóa đất nước.

Nói như thế không phải là để biện minh hay bao che cho ông Minh và ông Đam. Các ông này đáng bị cách chức, thậm chí cần phải bị truy tố, vì những tội lỗi trong lĩnh vực mà các ông phụ trách. Nhưng nếu cho rằng ông Minh và ông Đam phải bị xử vì hành vi tham nhũng thì chưa thật thỏa đáng khi các đồng chí cấp trên của các ông vẫn vô can, vẫn cao giọng dạy dỗ người khác về liêm chính.

Có “nêu gương trong đảng” được không?

Nếu ông Minh và ông Đam ngã ngựa vì tham nhũng thì người thay thế các ông này có “trong veo” không? Hoàn toàn không. Chỉ cần xem qua lý lịch và con đường tiến thân của ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang đủ thấy ông Hà có vai trò không nhỏ trong vụ Formosa xả độc ở Hà Tĩnh gây thảm họa môi trường khủng khiếp suốt dải miền Trung.

Còn ông Quang cấu kết với các ông trùm bất động sản lũng đoạn thị trường đất đai ở Tây Ninh như thế nào.

Ông Hà còn là người giả mù giả điếc để các công ty và cá nhân người Trung Quốc thâu tóm đất đai ở các vùng trọng yếu của Việt Nam như Đà Nẵng, Biên Hòa, và các tỉnh biên giới – lĩnh vực mà ông phụ trách – chỉ để phục vụ cho lợi ích chiến lược của Bắc Kinh.

Tìm được một quan chức trong sạch trong đảng CSVN còn khó hơn mò kim đáy bể cho nên việc đưa hai ông này lên thay ông Minh và ông Đam không phải để “làm trong sạch đội ngũ,” “góp phần thực hành nêu gương trong đảng” như ý kiến của ông Trọng và cũng không phải “minh chứng rõ ràng cho tinh thần đấu tranh triệt để với những cán bộ suy thoái, biến chất dù đang lẩn trốn ở đâu, đang ngồi chiếc ghế nào” như nhận định của một tờ báo ở Sài Gòn.

Ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thường tự hào về chiến dịch “đốt lò” mà ông sao chép từ cuộc “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình bên Trung Quốc, coi đó là dấu ấn mà ông sẽ để lại trong lịch sử chính trị của đất nước. Mới đây, ông huênh hoang khoe thành tích “đốt lò” 10 năm qua là đã “kỷ luật hơn 2,700 tổ chức đảng, gần 168,000 đảng viên, trong đó có hơn 7,390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.”

Nhưng thực tế, sau 10 năm ông Trọng đốt lò, tham nhũng không giảm đi mà còn tăng đều và tăng mạnh. Đường lối chống tham nhũng của ông Trọng không chỉ sai từ gốc, mà thực chất chỉ là một vỏ bọc che đậy những cuộc đấu đá, và tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền.

Trong cuộc đốt lò đó, quan chức nào giỏi chạy chọt, có vây cánh rộng lớn và mạnh, có sự ủng hộ của lực lượng công an, mật thám và nhất là có được sự đồng thuận của đàn anh cộng sản ở bên kia biên giới phía Bắc thì có cơ may vượt lên, ngược lại thì sẽ bị đào thải, bị biến thành củi. Có năng lực và được đào tạo bài bản ở Hoa Kỳ và Phương Tây như ông Minh và ông Đam chẳng những không phải là lợi thế mà có khi là mầm mống của tai họa.

Dân chủ và chống tham nhũng có quan hệ nhân quả với nhau. Không thể “trong sạch,” không thể “nêu gương” cho ai chừng nào đảng CSVN cầm quyền vẫn tiếp tục dối trá, vẫn tự huyễn hoặc mình và nhân dân bằng những vở tuồng dân chủ giả cầy không còn gạt gẫm được ai. [đ.d.]

Hiếu Chân / Người Việt


FACEBOOK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét