Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

TOP 10 DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ NỔI TIẾNG THẾ GIỚI ĐƯỢC UNESCO CÔNG NHẬN CỦA VIỆT NAM...

1. Nhã nhạc cung đình Huế

Nhã Nhạc Cung Đình là thể loại nhạc có từ thời phong kiến được biểu diễn phục vụ trong cung đình vào những dịp lễ như: Đại triều, Thường triều, Tế giao, Tế miếu… Nhạc có lời hát tao nhã cùng điệu thức cao sang, quý phái góp phần tạo sự trang trọng cho các buổi lễ. Đây còn là biểu tượng của vương quyền và sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Chính vì thế Nhã nhạc cung đình Huế rất được các triều đại phong kiến Việt Nam coi trọng.

Nhã nhạc cung đình Huế
Nhã nhạc cung đình Huế

Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại vào giữa tháng 12/2003. Đây là vinh dự và niềm tự hào to lớn cho Huế cũng như dân tộc Việt Nam. Đồng thời, sự vinh danh này còn góp phần tạo nên sức hút, nét hấp dẫn rất riêng cho ngành du lịch của thành phố Huế cổ kính và thơ mộng.

2. Cồng chiêng Tây Nguyên

Cồng chiêng Tây Nguyên có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa và lịch sử rất lâu đời. Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng – là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên… âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên.

Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu hay trong một buổi nghe khan đều phải có tiếng cồng. Tiếng chiêng dài hơn đời người, tiếng chiêng nối liền, kết dính những thế hệ.

Cồng chiêng Tây Nguyên
 Cồng chiêng Tây Nguyên

Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Sau Nhã nhạc Cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của Việt Nam được tôn vinh là di sản của thế giới.

3. Quan họ Bắc Ninh

Dân ca Quan họ là một hình thức hát giao duyên. Những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bẩy, đầu đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm, cách hát theo lối truyền thống không cần nhạc đệm mà vẫn đầy chất nhạc, thể hiện nét văn hóa tinh tế của người Quan họ. 

Theo quan niệm của người Quan họ, nghệ nhân là những ngưòi có kỹ năng hát “vang, rền, nền, nẩy” điêu luyện, thuộc nhiều bài, nhiều “giọng” Quan họ. Họ chính là những bậc thầy dân gian thực hành việc sáng tạo, lưu giữ và trao truyền vốn di sản quý báu đó cho các thế hệ mai sau nên rất xứng đáng được tôn vinh. 

Quan họ Bắc Ninh
Quan họ Bắc Ninh

Tính tới nay, tại Bắc Ninh còn lại gần 30 làng Quan họ gốc, với khoảng hơn 300 làn điệu dân ca được truyền lại từ đời này sang đời khác. Theo những gì mà UNESCO đánh giá thì Quan họ Bắc Ninh mang tới những giá trị văn hóa rất đặc biệt, thể hiện cho tập quán xã hội, cho nghệ thuật trình duyễn, cũng như kỹ thuật hạt, hay ứng xử văn hóa, kết hợp cùng ngôn ngữ đẹp và trang phục ấn tượng. Tất cả kết hợp lại trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

4. Ca trù

Ca trù gọi nôm na là hát cô đầu/ hát nhà trò, đây là loại hình diễn xướng bằng âm nhạc tính phòng rất thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ 15 và từng là loại ca trong cung đình được yêu thích.

Có thể nói ca trù chính là sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữ thi ca và âm nhạc. Bộ môn nghệ thuật tổng hợp với nét độc đáo khẳng định được bị trí quan trọng của Việt Nam và cả nhân loại. 

Khác với quan họ, ca trù là dạng nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như thể phú, thể truyện, thể ngâm, nhưng thể văn chương phổ biến nhất là hát nói. Một câu hát ca trù cần có 3 phần chính: Đầu tiên “đào” hay “ca nương” sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp, tiếp theo “kép” chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng hát, cuối cùng “quan viên” đánh trống chầu chấm câu và biểu lộ chỗ đắc ý bằng tiếng trống.

Ca trù
Ca trù

Năm 2009, ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đến nay, ca trù bị mai một nhiều, giới trẻ dường như đang quay lưng một cách hoàn toàn với loại hình này.

5. Hát xoan

Hát xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa; thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương – Phú Thọ, một tỉnh thuộc vùng trung du Việt Nam. 

Nguồn gốc của hát xoan có nhiều cách giải thích bằng huyền thoại được đặt vào thời các Vua Hùng dựng nước. 

Có chuyện kể rằng Vua Hùng đi tìm đất đóng đô, một hôm nghỉ chân ở nơi này là quê Xoan Phù Đức – An Thái, thấy các trẻ chăn trâu hát múa, vua rất ưa thích và lại dạy thêm nhiều điệu khúc nữa, những điệu hát múa ấy của Vua Hùng và các em chăn trâu, đó cũng là những điệu Xoan tiên. 

Văn hóa phi vật thể
Hát xoan

Ngày 24/11/2011, hồ sơ Hát Xoan – Phú Thọ của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Các phường hát xoan thường diễn xướng vào mùa xuân tại các đình, miếu làng, đến mùng 5 Tết thường hát ở hội đền Hùng. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang ra sức gìn giữ di sản văn hóa này bằng cách mở các lớp học dạy hát xoan, tôn tạo lại các di tích miếu, đình, nơi hát xoan được tổ chức.

6. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ, còn có tên gọi khác là Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, là hai lối hát dân ca không có nhạc đệm, do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt. Loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này đã không ngừng phát triển cả về bề rộng, bề sâu, trở thành bản sắc riêng có của nhân dân xứ Nghệ.

Ví và Giặm xứ Nghệ có điểm chung là lối hát vừa mang tính ngẫu hứng, vừa có thủ tục và quy cách cụ thể; có chung đặc tính địa phương về thang điệu, điệu thức, tiết tấu, giai điệu và giọng hát, được diễn xướng theo ba hình thức: hát lẻ, hát đối và hát cuộc. Các cuộc hát nổi bật với lối hát giao duyên, thường có ba chặng: hát dạo, hát đối và hát xe kết. Mỗi bên hát phải có ít nhất hai, ba người, một người hát chính, người còn lại hát theo để đỡ giọng.

Ví giặm Nghệ Tĩnh
Ví giặm Nghệ Tĩnh

Dân ca ví giặm tại Nghệ Tĩnh là một di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Loại hình nghệ thuật này phổ biến trong đời sống của các cộng đồng xứ Nghệ, lời ca của dân ca ví, giặm ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như ngợi ca đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa con người với con người. Xem ngay ví, giặm Nghệ Tĩnh tại: https://www.youtube.com/watch?v=vY79s7u4x0g

7. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Truyền thống thờ Tổ tiên bắt nguồn từ việc biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, nên trong mỗi gia đình đều có bàn thờ gia tiên, đến thờ Tổ của dòng họ, thờ thành hoàng làng ở từng làng xã và đến cấp độ cao hơn là thờ chung một ông Tổ – Vua Hùng.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ mạch nguồn dân tộc, từ sự tôn vinh những nhân vật lịch sử có công dựng nước đã tạo lập ra một quốc gia, dân tộc. Nên tất cả những người dân đất Việt đều có ý thức tôn thờ các vua Hùng là vị vua Thủy Tổ, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Vì vậy, vượt qua thời gian, vượt lên các thể chế chính trị, Hùng Vương luôn được cả người dân, lẫn các giai cấp cầm quyền tôn thờ và xây dựng các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng để thờ tự. 

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương

Ngày 6 tháng 12 năm 2012, tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đang diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

8. Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ

Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân.

Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, lan tỏa và được thực hành ở nhiều địa phương trong cả nước. 

Chủ thể di sản là thủ nhang, thầy cúng, thanh đồng, hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử cùng với cộng đồng cư dân có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh tối linh, sự bảo trợ của các Mẫu, đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, gắn bó với nhau thành bản hội, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, lên đồng tại các phủ, điện Thờ Mẫu.

Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ
Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ

Vào hồi 17h15’ giờ địa phương (12h15’giờ Việt Nam) ngày 01 tháng 12 năm 2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO, di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

9. Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc

Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc gắn với truyền thuyết về Thánh Gióng – một vị Thánh bất tử bảo hộ mùa màng, hòa bình cho đất nước, thịnh vượng cho muôn dân.

Đây là một trong những lễ hội lớn nhất vùng châu thổ Bắc Bộ, tổ chức theo một nghi thức được quy định chặt chẽ, chuẩn bị hết sức công phu, với sự tham gia đông đảo của dân làng quanh khu vực hai đền.

Hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm – nơi sinh Thánh Gióng diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 4 Âm lịch, và Hội Gióng ở đền Sóc ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (nay thuộc Hà Nội) – nơi Thánh hóa diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng giêng.

Hội Gióng
Hội Gióng

Năm 2010, Hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Hội Gióng Phù Đổng chính thống được tổ chức hàng năm vào hai ngày mùng 8 và mùng 9 tháng 4 âm lịch tại xã Phù Đổng, huỵện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, nơi sinh ra người anh hùng huyền thoại “Phù Đổng Thiên Vương”. Đây là lễ hội có giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị giáo dục lớn đối với thế hệ trẻ.

10. Đờn ca Tài Tử Nam Bộ

Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ. Đây là loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động.

Đờn ca tài tử xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền ầm bằng cây guitar phím lõm.

Đờn ca Tài tử Nam Bộ
Đờn ca Tài tử Nam Bộ

Đờn ca tài tử Nam bộ là dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể và là một danh hiệu UNESCO ở Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn, với phạm vi 21 tỉnh thành phía Nam

Phương Thảo / Theo https://ezcomclass.com

Vấn đề khi nhấn? Chép và dán URL này vào trình duyệt:
https://anle20.wordpress.com

Vận hành bởi WordPress.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét