Để hiểu được cuộc xung đột ở Ukraine hiện tại, không thể không nhìn lại một lịch sử rất dài, ít ra là từ những ngày ngay sau cuộc chiến lớn gần nhất ở châu Âu.
Ngày 5.3.1946, trong bài phát biểu tại Đại học Westminster, bang Missouri, Mỹ, Thủ tướng Anh Winston Churchill, người kiên định sự nghi kỵ không giới hạn với nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin (ngược lại cũng thế), tuyên bố: “Từ Stettin ở Baltic tới Trieste ở Adriatic, một bức màn sắt đã buông xuống trên khắp lục địa”.
Bức điện hơn 5.500 chữ và học thuyết ngăn chặn
Trước đó một tháng, tháng 2.1946, Bộ Tài chính Mỹ điện hỏi sứ quán nước này tại Matxcơva lý do Liên Xô chống lại việc thành lập Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Đại sứ Mỹ tại Liên Xô khi ấy Averell Harriman đang về nước nghỉ phép nên George Kennan, một viên chức ở sứ quán, trả lời thay.
Kennan gửi về một bức điện dài 5.542 chữ nêu ra những biện pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của Liên Xô trên trường quốc tế. Bức điện được đệ trình lên tổng thống Mỹ khi đó là Harry Truman, rồi trở thành cơ sở để hình thành học thuyết Truman, theo đó Mỹ nên dùng mọi sức mạnh có thể có để ngăn chặn sự phát triển ảnh hưởng của Liên Xô.
Học thuyết này, còn được gọi là học thuyết ngăn chặn, đã có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ tiến trình chiến tranh lạnh.
Tháng 6.1947, tại ngôi trường danh tiếng Hardvard, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ George Marshall công bố kế hoạch viện trợ của Mỹ để tái thiết tất cả các quốc gia châu Âu, bao gồm Liên Xô.
Nhưng Matxcơva từ chối tham gia, nên 16 nước nước châu Âu lập ra một cơ chế để điều hành nhận viện trợ từ Mỹ, gọi là Ủy ban Hợp tác kinh tế châu Âu, sau đổi thành Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Âu (OEEC).
Từ tháng 6.1948 đến tháng 5.1949, do các nước đồng minh đơn phương tiến hành cải cách tiền tệ ở Tây Đức và Tây Berlin, các lực lượng Liên Xô ở Đông Đức quyết định phong tỏa Berlin lần thứ nhất, ngăn chặn mọi tiếp tế bằng đường bộ đến khu Tây Berlin do ba nước Mỹ, Anh, Pháp kiểm soát.
Các nước này phải lập cầu hàng không cho khu vực Tây Berlin, trong 10 tháng, họ thực hiện gần 200.000 chuyến bay, vận chuyển 1,5 triệu tấn lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm cho khu vực này. Phong tỏa Berlin lần một kết thúc, nhưng đối đầu giữa Liên Xô với các đồng minh cũ trong Thế chiến II là điều khó tránh khỏi.
Trong Thế chiến II, chính phủ lưu vong của ba nước Bỉ, Hà Lan và Luxembourg ký tại London vào tháng 9.1944 hiệp ước thành lập Liên minh thuế quan Benelux (lấy các chữ cái đầu trong tên ba nước bằng tiếng Anh). Rồi năm 1947 ở Dunkirk, để kỷ niệm cuộc rút quân quy mô khổng lồ thành công thời chiến trước quân Đức, hai nước Anh và Pháp ký hiệp ước quốc phòng song phương.
Trên cơ sở hai hiệp định đó, và trong nỗi sợ Liên Xô sau chiến tranh lớn dần, ngày 17.3.1948, Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan và Luxemburg ký Hiệp ước Brussels. Mục tiêu ban đầu của hiệp ước là một liên minh quân sự để đối phó với mối đe dọa nước Đức có thể hồi phục sau chiến tranh và chủ nghĩa cộng sản đang lan rộng trên thế giới.
Các nước tham gia Hiệp ước Brussels có nguồn lực quân sự khá hạn chế, nhưng trong hiệp ước có một điều khoản phòng thủ chung, cung cấp cơ sở cho việc mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ ở bên kia đại dương.
NATO, “cây gậy” và “củ cà rốt”
Cùng thời gian đó ở Mỹ, Tổng thống Truman bàn với thượng nghị sĩ Athur Vandenberg, thủ lĩnh phe Cộng hòa trong Thượng viện, về ý tưởng huấn luyện các đơn vị tổng hợp và chọn lọc cho quân đội Mỹ.
Ông Vandenberg đề xuất cần có các tổ chức quân sự khu vực để hỗ trợ triển khai viện trợ của Mỹ ở nước ngoài trong kế hoạch Marshall. Kết hợp lại, ông đi tới ý tưởng ký một hiệp ước quân sự giữa Mỹ với các nước Tây Âu, tạo ra đối trọng về mặt quân sự với kế hoạch Marshall về kinh tế.
Ngày 4.4.1949, dưới danh nghĩa “anh cả” trong cuộc Thế chiến, Mỹ “triệu tập” đại diện 10 nước châu Âu – gồm 5 nước tham gia Hiệp ước Brussels cùng Bồ Đào Nha, Ý, Na Uy, Đan Mạch và Iceland, ở Bắc Mỹ có thêm Canada, thống nhất ký với Mỹ văn bản hình thành Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ban đầu có 12 thành viên.
Sự ra đời của NATO được người Mỹ cho là rất đúng lúc khi ngày 29-8-1949, sau những chiến dịch điệp báo tinh vi ở Mỹ, các nhà khoa học Liên Xô dưới sự lãnh đạo của viện sĩ Igor Kurchatov đã chế tạo và cho nổ thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của nước này tại bãi thử Semipalatinsk, chấm dứt độc quyền nguyên tử của Mỹ.
Điều khoản then chốt trong hiệp ước hình thành NATO là điều 5 – có thể ví von là phỏng theo tinh thần của các chàng ngự lâm quân trong tiểu thuyết của Alexandre Dumas. Điều 5 này tuyên bố “một cuộc tấn công nhằm vào một thành viên hoặc hơn” của liên minh đồng nghĩa “nhằm vào tất cả” – và do vậy, tất cả sẽ cùng chống lại (điều ước phòng thủ tập thể).
Hoài thai và sinh thành một phần dựa trên nỗi sợ Liên Xô, nên giai đoạn đầu, NATO căn bản là một tổ chức phòng thủ.
80% quân số của tổ chức do các nước Tây Âu cung cấp được bố trí ở châu Âu (riêng Iceland không có quân đội riêng nên lực lượng Mỹ đóng tại Iceland nắm luôn vai trò phòng vệ cho nước này), Mỹ chủ yếu lo trang bị vũ khí, thiết bị quân sự và quan trọng nhất: tiền. Đúng theo luật “ai trả tiền người đó có quyền đặt nhạc”, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, NATO về cơ bản là nhảy theo nhạc của Mỹ.
Ra đời được ba năm thì NATO bắt đầu mở rộng lần thứ nhất: cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, khi ấy vẫn còn hữu hảo, cùng gia nhập NATO vào tháng 2-1952 để nối dài vành đai bảo vệ về phía nam châu Âu, đồng thời đe dọa Liên Xô từ phía nam nước này.
Năm 1945, nước Đức bại trận bị chia hai, một vùng do ba nước phương Tây là Mỹ, Anh, Pháp chiếm giữ, bên kia do Liên Xô kiểm soát. Năm 1949, Mỹ, Anh, Pháp thống nhất những vùng họ kiểm soát thành nước Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức); cùng năm, Liên Xô đáp trả, hình thành nước Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức).
Ngày 5.5.1955, các lực lượng vũ trang Mỹ, Anh, Pháp chấm dứt chiếm đóng và Tây Đức trở thành quốc gia độc lập. 4 ngày sau, bất chấp sự e dè của Pháp nhưng được Mỹ ủng hộ, Tây Đức gia nhập NATO (đến năm 1990, tư cách thành viên NATO của Tây Đức được chuyển cho nước Đức thống nhất).
Việc Tây Đức trở thành thành viên chính thức của NATO ngày 9.5.1955 gây ra phản ứng cấp kỳ từ Liên Xô: ngày 14.5.1955, Liên Xô thành lập Tổ chức Hiệp ước Warszawa gồm Liên Xô, Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Romania, Tiệp Khắc, Albania và Đông Đức (năm 1961, Albania rút lui do bất đồng với Liên Xô và các thành viên còn lại).
Từ đó, đối đầu giữa hai khối quân sự NATO và Warszawa trở thành xương sống chủ đạo chi phối đời sống chính trị quốc tế suốt chiến tranh lạnh.
Trong hai thập niên 1950-1960, tùy theo tình hình, NATO sử dụng chính sách “cây gậy” và “củ cà rốt” để duy trì sức mạnh đối trọng với khối Warszawa. Tuy nhiên, Liên Xô không phải là con thỏ nên “củ cà rốt” của NATO thường không mấy tác dụng, trong khi “cây gậy” lại không đủ mạnh để Liên Xô e sợ.
Bằng chứng là Liên Xô, dưới danh nghĩa Hiệp ước Warszawa, đã hai lần sử dụng quân đội can thiệp vào Hungary năm 1957 và Tiệp Khắc năm 1968 để duy trì chính quyền cộng sản, trong khi NATO trơ mắt đứng nhìn.
Bên phía NATO cũng có chia rẽ. Trở thành tổng thống vào đầu năm 1959, Charles De Gaulle đưa nước Pháp theo con đường độc lập và rút lực lượng Pháp khỏi Hạm đội Địa Trung Hải của NATO. Trong hai cuộc khủng hoảng Berlin và tên lửa Cuba sau đó, Pháp không có lập trường cứng rắn như Anh và Mỹ.
Đến năm 1966, Pháp rút khỏi Bộ chỉ huy quân sự NATO (tuy vẫn ở trong NATO), đến tận năm 2009 mới quay lại làm thành viên đầy đủ dưới thời Tổng thống Nikolas Sarkozy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét