Bất kỳ thứ gì về Dubai, một trong những thành phố giàu có bậc nhất thế giới, dường như luôn hấp dẫn sự quan tâm, thậm chí là tò mò, của nhiều người trên khắp thế giới.
Khi nhắc đến Dubai, người ta thường nghĩ ngay đến Burj Khalifa - tòa nhà cao nhất thế giới, các món ăn xa xỉ có một không hai, những khu mua sắm sang trọng, kiến trúc hiện đại hay khung cảnh cuộc sống về đêm sôi động.
Dubai là một trong những thành phố không ngừng gây ấn tượng. Vị trí địa lý, số lượng người nước ngoài khổng lồ, sự giàu có, truyền thống và nền văn hóa sôi động chỉ là một vài lý do rất nhiều người bị thu hút đến thành phố năng động này.
Nhưng vì sao Dubai lại có sức hấp dẫn như vậy?
THÀNH PHỐ GIÀU CÓ
Dubai là thành phố nổi tiếng thứ 29 trên thế giới đối với những cư dân siêu giàu, sau khi hơn 2.000 cá nhân có giá trị tài sản cao chuyển đến tiểu vương quốc này trong 6 tháng đầu năm 2021.
Theo nghiên cứu của New World Wealth, một công ty nghiên cứu theo dõi sự giàu có và sự di chuyển của các triệu phú và tỷ phú trên toàn cầu, số lượng HNWI (cá nhân có tài sản từ 1 triệu USD trở lên) của thành phố tăng 3,8% lên 54.000 người, từ 52.000 người vào tháng 12/2020.
Số tỷ phú USD ở Dubai tăng 2 lên 12 người vào năm 2021, trong khi triệu phú của thành phố đã tăng lên 165 người từ 152 người vào tháng 12/2020.
Cũng theo nghiên cứu, khối tài sản tư nhân tổng hợp mà tất cả cư dân Dubai nắm giữ với tài sản, tiền mặt, cổ phiếu và lợi ích kinh doanh ít nhất 1 triệu USD đã tăng 2,5% lên 530 tỷ USD vào tháng 6, tăng từ 517 tỷ USD vào tháng 12/2020.
Dầu mỏ được phát hiện ở Dubai chỉ hơn 50 năm trước, nhưng chỉ chiếm 1% thu nhập. Vậy, điều gì đã làm cho thành phố Dubai trở nên giàu có như vậy?
Từ những năm 1770 cho đến cuối những năm 1930, ngành công nghiệp ngọc trai là nguồn thu nhập chính ở các nước Trực thuộc, ngày nay tạo nên Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Đối với những cư dân của những làng chài đang ngủ quên trên Vịnh Ba Tư, nghề lặn ngọc trai là khởi đầu khiêm tốn của họ, nhưng nó đã tạo ra bối cảnh cho một thứ lớn hơn nhiều sau này.
Dubai và Abu Dhabi xung đột về biên giới trong việc tìm kiếm dầu vào cuối những năm 1950, dẫn đến việc nhiều người rời Dubai đến những nơi khác trong vùng Vịnh khi thành phố này gặp khó khăn và Abu Dhabi phát triển mạnh mẽ. Năm 1958, người cai trị Dubai, Sheikh Rashid bin Saeed Al Maktoum, bắt đầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hoàn thành sân bay đầu tiên vào năm 1960 từ các khoản vay lên tới hàng chục tỷ USD.
Việc rời xa dầu mỏ đã dẫn đến sự thúc đẩy ngành du lịch, và cuối cùng lượng dầu mỏ nhỏ mà Dubai phát hiện được vào năm 1966 đã hướng tới việc xây dựng thành phố như chúng ta biết ngày nay.
Dubai bắt đầu vận chuyển dầu vào năm 1969 và trước khi giành được độc lập từ Vương quốc Anh vào năm 1971, trở thành một trong 7 tiểu vương quốc của UAE.
Là một phần của Emirates, nhưng với sự độc lập tương đối về nền kinh tế, Dubai tiếp tục đa dạng hóa nguồn doanh thu trong suốt những năm 1980 để cạnh tranh với lợi nhuận ngày càng tăng từ ngành dầu mỏ của Abu Dhabi.
Thành phố thành lập vùng tự do đầu tiên vào năm 1985 - Jafza, Jebel Ali Free Zone, với diện tích 52 km2 (20 dặm vuông), là vùng lớn nhất trên thế giới.
Điều này đã thu hút lớn các doanh nghiệp toàn cầu. Ngày nay, các doanh nghiệp này tận dụng lợi thế của 30 khu vực tự do của tiểu vương quốc, nơi cung cấp miễn giảm thuế, lợi ích thuế quan và các hạn chế đối với chủ sở hữu nước ngoài.
Vài nghìn công ty Jafza chiếm 20% vốn đầu tư nước ngoài vào Dubai, và ước tính 144.000 nhân viên đang tạo ra 80 tỷ USD ngoài dầu mỏ, tương đương 21% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thành phố.
UAE hiện thuộc top 10 quốc gia giàu nhất thế giới, với GDP bình quân đầu người là 70.570 USD. Khoảng 35% thu nhập của nền kinh tế UAE đến từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ. Bên cạnh đó thì lĩnh vực dịch vụ và viễn thông cũng góp phần không hề nhỏ.
NHỮNG YẾU TỐ LÀM NÊN SỰ XA HOA
Dubai Mall là trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới và giấc mơ của mọi tín đồ mua sắm đều trở thành hiện thực. Trung tâm mua sắm này thực sự độc đáo vì nó không chỉ có các cửa hàng và những hoạt động giải trí, mà bầu không khí bên trong trung tâm mua sắm giống như một cộng đồng nhỏ hoặc một thành phố. Hầu hết người dân Dubai đến đây vào mỗi cuối tuần để trò chuyện với nhau.
Dubai cũng có tòa nhà cao nhất thế giới, Burj Khalifa. Từ tòa nhà này, bạn có thể nhìn thấy từ bất cứ nơi nào trong thành phố. Bạn sẽ cảm giác mọi mệt mỏi dường như được xua tan khi ngắm nhìn nó. Những màn trình diễn ánh sáng và pháo hoa vào năm mới tại đây là một câu trả lời cho câu hỏi tại sao thành phố này lại đặc biệt đến vậy.
Ở Dubai, chỉ với một cú nhấp chuột hoặc một cuộc điện thoại, bạn có thể nhận được hầu hết mọi thứ được giao, từ đồ nội thất đến đồ điện tử cho đến hàng tạp hóa. Do cái nóng của sa mạc và văn hóa, không nhiều người muốn đi ra ngoài một mình, Dubai đáp ứng mọi nhu cầu của người dân và du khách, cho phép mọi người đặt hàng thay vì đi ra ngoài.
Một điều nữa làm nên sự đặc biệt của thành phố này là sự tham gia của gia đình hoàng gia vào xã hội. Hoàng gia Dubai, do Hoàng thân Sheikh Mohammad Bin Rashid Al Maktoum lãnh đạo, được biết đến có mối quan hệ chân thành với người dân Dubai, bất chấp sự xa hoa của họ. Hoàng gia của ông cũng nổi tiếng nhất với việc phát triển Dubai thành như ngày nay.
Mặc dù có một bầu không khí thoải mái do sự hòa trộn của nhiều nền văn hóa quốc tế, Dubai vẫn là một trong những thành phố xa hoa nhất trên thế giới. Từ khách sạn St. Regis Saadiyat Island với giá 35.000 đôla một đêm cho phòng Royal Suite đến khách sạn sang trọng Burj Al Arab, thường được gọi là "Khách sạn 7 sao", và từ những chiếc xe cảnh sát Lamborghini ở Dubai đến cà phê dát vàng mà bạn có thể tình cờ gọi món vào bữa sáng muộn, Dubai chắc chắn có những khoảnh khắc cực kỳ xa hoa!
Dubai đã phát triển vượt bậc kể từ khi đất nước độc lập, và thật khó có thể tưởng tượng rằng chỉ một thế hệ trước nhiều người vẫn còn là thợ lặn ngọc trai hoặc ngư dân ở thị trấn nhỏ ven biển Dubai. Sự phát triển phi thường của thành phố không chỉ nhờ việc phát hiện ra dầu mỏ trong khu vực mà còn nhờ sự đổi mới và tinh thần làm việc chăm chỉ của cả người Emiratis cũng như những người nhập cư và người nước ngoài chuyển đến Dubai.
Bất chấp tốc độ phát triển và hiện đại hóa nhanh chóng của Dubai, điều làm nên nét độc đáo của Dubai là việc tuân thủ văn hóa, tôn giáo và truyền thống địa phương. Nhiều người Emiratis trẻ tuổi đến từ Dubai vẫn nhận thức và thực hành các truyền thống và văn hóa địa phương của họ, đồng thời tự hào là một phần của thành phố đón nhận sự thay đổi và người nhập cư, nhưng vẫn trung thành với quá khứ của nó.
MỘT NỀN HÀNH CHÍNH KHÔNG GIẤY TỜ
Mới đây, Dubai đã trở thành tâm điểm của cả thế giới khi thành phố này chính thức trở thành chính phủ đầu tiên trên thế giới với nền hành chính không giấy tờ.
Tất cả các thủ tục và giao dịch bên trong, bên ngoài Chính phủ Dubai hiện đã được số hóa 100% và được quản lý trên nền tảng dịch vụ kỹ thuật số toàn diện của chính phủ.
Thái tử của Tiểu vương quốc Sheikh Hamdan bin Mohammed bin Rashid Al Maktoum, cho biết: "Việc đạt được mục tiêu này đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong hành trình số hóa cuộc sống ở mọi khía cạnh của Dubai - một hành trình bắt nguồn từ sự đổi mới, sáng tạo và tập trung vào tương lai".
Ông nói: "Thành tựu này cũng củng cố vị thế của Dubai với tư cách là thủ đô kỹ thuật số hàng đầu thế giới và vị thế hình mẫu trong việc thiết kế các hoạt động và dịch vụ của chính phủ nhằm nâng cao mức độ hạnh phúc của người dân. Giai đoạn mới trong hành trình kỹ thuật số của Dubai sẽ cho phép và trao quyền cho các chính phủ trong tương lai đáp ứng kỳ vọng của người dân về một thành phố thông minh phát triển mạnh và mang đến cho họ những cơ hội mới cho sự thịnh vượng, phát triển bền vững và hạnh phúc".
Chiến lược Dubai không cần giấy tờ được thực hiện trong 5 giai đoạn liên tiếp, mỗi giai đoạn thu hút sự tham gia của một nhóm khác nhau trong các cơ quan của Chính phủ Dubai. Vào cuối giai đoạn thứ năm, chiến lược đã được thực hiện đầy đủ trên tất cả 45 cơ quan chính phủ trong tiểu vương quốc. Các đơn vị này cung cấp hơn 1.800 dịch vụ kỹ thuật số và hơn 10.500 giao dịch chính.
Sự hợp tác và tích hợp giữa các đơn vị tham gia cho phép tự động hóa các quy trình và dịch vụ cung cấp cho khách hàng, cắt giảm tiêu thụ giấy hơn 336 triệu tờ, tuyên bố cho biết thêm. Chiến lược này cũng giúp tiết kiệm hơn 1,3 tỷ Dirham (350 triệu USD) và hơn 14 triệu giờ lao động cho Chính phủ Dubai.
"4năm trước, Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE và người cầm quyền của Dubai, đã có tầm nhìn rằng không nhân viên hoặc khách hàng của chính phủ Dubai nào cần in bất kỳ tài liệu giấy nào sau năm 2021", Sheikh Hamdan nói. "Hôm nay, lời hứa đó đã được thực hiện".
Việc chuyển đổi số hoàn toàn ở Chính phủ Dubai sẽ làm phong phú thêm trải nghiệm thành phố thông minh cho tất cả người dân, loại bỏ hoàn toàn nhu cầu giao dịch và tài liệu bằng giấy tờ. Số hóa cũng sẽ giúp cung cấp những trải nghiệm đặc biệt cho người dân thông qua ứng dụng DubaiNow, cho phép truy cập vào hơn 130 dịch vụ thành phố thông minh trong 12 hạng mục chính.
THÀNH PHỐ THÔNG MINH NHẤT THẾ GIỚI
Với các chính sách khuyến khích đổi mới, đầu tư, phát triển và triển khai các công nghệ tiên phong nhất, Dubai đang trên đà đạt được nhiều mục tiêu, trở thành thành phố thông minh nhất trên thế giới trở thành trung tâm kinh doanh và quan hệ đối tác.
Dubai đã không ngại ngần đầu tư và phát triển các công nghệ tiên tiến, mới nổi và thông minh để biến nó thành một thành phố thực sự của tương lai. Với các sáng kiến như Chiến lược dữ liệu Dubai, Dubai 10X, Dubai thông minh 2021 hay Chiến lược chuỗi khối Dubai, thành phố đang sẵn sàng trở thành một trong những thành phố thông minh nhất trên thế giới, dẫn đầu về công nghệ và đổi mới. Không chỉ người dân mà doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ những nỗ lực này. Bằng cách thiết lập cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng, kinh doanh và đổi mới, thành phố đang làm cho các quy trình và hoạt động hàng ngày hiệu quả hơn.
Để đạt được mục tiêu này, chính phủ đã đưa ra hơn 100 sáng kiến thông minh và 1.000 dịch vụ thông minh để thúc đẩy sự liền mạch và bền vững cũng như chuyển đổi cách thức cung cấp các dịch vụ của chính phủ, qua đó làm tăng chỉ số hạnh phúc của người dân. Nhờ những nỗ lực mang tính bước ngoặt, Dubai gần đây đã được Liên Hợp Quốc công nhận là hình mẫu về một thành phố thông minh, bền vững và có khả năng phục hồi.
Khi nói đến công nghệ và đổi mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực như robot, fintech và AI, Dubai dẫn đầu với vốn FDI cao nhất. Hơn nữa, các chính sách và sáng kiến ủng hộ doanh nghiệp của họ nhằm tạo ra một nền kinh tế dựa trên dữ liệu bằng cách triển khai các công nghệ mới nhất, có thể là truyền thông 5G, đám mây, phân tích dữ liệu lớn, in 3D, trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, vận tải tự động và công nghệ chuỗi khối (điều đó sẽ đưa thành phố trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới được cung cấp năng lượng hoàn toàn bằng công nghệ này), sẽ giúp kết nối nhanh hơn, năng suất và tăng trưởng tốt hơn trên tất cả các lĩnh vực, do đó thu hút thêm các mối quan hệ kinh doanh và đối tác ở UAE. Về phần mình, chiến lược blockchain sẽ giúp Dubai thực hiện các giao dịch an toàn hơn, bảo mật, hiệu quả và liền mạch để tác động đến cuộc sống và làm cho chúng dễ dàng hơn.
Trong khu vực MENA (Trung Đông và Bắc Phi), Dubai được coi là trung tâm kinh doanh Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) lớn nhất, với hơn 1.600 công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
Các chiến lược và chính sách tiến bộ là những gì đã giúp thành phố có được danh tiếng và xếp hạng là thành phố tốt thứ ba trên thế giới để sống và làm việc. Các chương trình cư trú do chính phủ hỗ trợ và luật 100% sở hữu nước ngoài đang thu hút thêm các nhà đầu tư trong khu vực.
Bên cạnh đó, Dubai cũng đang củng cố vị thế của mình như một thành phố đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu chia sẻ kiến thức, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp. Thành phố là nơi có Phòng thí nghiệm AI đầu tiên kết hợp với IBM, sử dụng công nghệ AI và máy học để cải thiện việc cung cấp các trải nghiệm và dịch vụ của chính phủ và thành phố. Nó cũng hoạt động theo hướng giúp cộng đồng và các doanh nghiệp tận dụng công nghệ này để vận hành và hoạt động tốt hơn.
UAE cũng đang chứng kiến ngày càng nhiều nhà cung cấp dịch vụ đám mây thiết lập các trung tâm dữ liệu tại đây, chẳng hạn như IBM đã khai trương hai trung tâm dữ liệu tại đây, một ở Abu Dhabi và một ở Dubai. Hơn nữa, hơn 70% công ty Trung Đông dự kiến sẽ sử dụng hệ thống đa đám mây trong hai năm tới, đạt mức 4,1 tỷ USD vào năm 2022.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét