Vợ chồng ông Lê Tùng Vân và các con lớn trong tịnh thất Bồng Lai. Ảnh Facebook
Từ một nơi nuôi dạy trẻ mồ côi tư nhân tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, tịnh thất Bồng Lai bỗng nổi lên thành tiêu điểm thu hút dư luận cả trong và ngoài nước mấy ngày gần đây; người chủ trì tịnh thất và một số thành viên vừa bị công an truy tố, bắt giam.
Tịnh thất Bồng Lai – vì đâu không tịnh?
Những tranh cãi chung quanh sự tồn tại và hoạt động của tịnh thất Bồng Lai (còn gọi là Thiền am bên bờ vũ trụ) kéo dài đã hai, ba năm nay từ khi một số thành viên thiếu niên sống ở đó tham gia và giành được giải cao trong các chương trình truyền hình giải trí (gameshow) The Voice, Thách thức Danh hài (2019), Tuyệt đỉnh Song ca (2017). Những thiếu niên này để đầu trọc, mặc áo nâu sòng trông như tu sĩ Phật giáo, bị nhầm lẫn thành “chú tiểu”, và tất cả đều mang họ Lê, theo họ của chủ cơ sở và người nuôi dưỡng họ, ông Lê Tùng Vân. Chuyện “ly kỳ” ở tịnh thất Bồng Lai gợi trí tò mò của nhiều người và một số YouTuber nhanh chóng nhảy vào, dựng lên những câu chuyện giật gân về “quan hệ loạn luân” của ông già Lê Tùng Vân với con gái, sinh ra đám con cháu dưới vỏ bọc “trẻ mồ côi” chỉ vì tất cả đều mang họ Lê v.v…
Đã có những vụ rắc rối với pháp luật khi trưởng công an xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa – nơi có tịnh thất Bồng Lai – đòi 300 triệu đồng để làm giấy chứng minh nhân dân cho ba cá nhân sống ở tịnh thất khi các em này có nhu cầu xuất cảnh sang Úc biểu diễn nghệ thuật. Vụ tống tiền này bị vỡ lở, ông Nguyễn Hoàn Khải, trưởng công an xã, bị kỷ luật cảnh cáo.
Rồi Tháng Mười 2019, cô sinh viên 22 tuổi Võ Thị Diễm My bỏ nhà ra đi; cha mẹ của cô là ông Võ Văn Thắng và bà Đoàn Thị Tuyết Mai cùng nhiều người khác kéo đến tịnh thất Bồng Lai và xông vào kiếm con. Họ không tìm thấy con, nhưng bà Châu Vinh Hóa, một người trong nhóm này đã cầm gạch ném vào mặt ông Lê Thanh Nhị Nguyên, người đang sinh sống tại tịnh thất, gây thương tích 13%. Cuối năm ngoái bà Hóa bị tòa kết án hai năm tù treo, bốn năm thử thách, bồi thường cho bị hại tám triệu đồng.
Sau vụ đó, vợ chồng ông Thắng bà Mai vẫn tiếp tục “đối đầu” với tịnh thất Bồng Lai, lôi kéo lực lượng công an, truyền hình địa phương và nhiều YouTuber như bà Nguyễn Phương Hằng của công ty Đại Nam nhiều lần kéo đến tịnh thất gây rối, đòi người và nhiều thủ đoạn khác. Mới đây khi công an đến lục soát và bắt người ở tịnh thất Bồng Lai, người ta thấy có mặt cả ông Thắng và bà Mai, không hiểu họ có vai trò gì trong đội sai nha đó.
Câu chuyện tịnh thất Bồng Lai những tưởng chỉ là một vụ tranh chấp dân sự giữa những nhóm công dân có quyền lợi khác nhau và nhiệm vụ của chính quyền là kiểm soát không để tranh chấp bùng lên thành xung đột gây mất trật tự xã hội hoặc tổn thất sinh mạng và tài sản.
Thế nhưng những diễn biến gần đây cho thấy vụ tịnh thất Bồng Lai đã chuyển thành một vụ án chính trị.
Từ tội hình sự thành tội chính trị
Hôm 4 Tháng Một 2022, hệ thống báo chí nhà nước do đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo đồng loạt đăng bài cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã khám xét và khởi tố vụ án liên quan đến tịnh thất Bồng Lai, với cáo buộc lợi dụng tôn giáo để trục lợi.
Sang ngày 5 Tháng Một 2022, nhiều báo như Truyền hình Việt Nam (VTV), Tiền Phong, Pháp Luật TPHCM, Người Lao Động, Dân Trí….. đồng loạt đưa tin Cơ quan An ninh điều tra thuộc Công an tỉnh Long An đã khởi tố vụ án tịnh thất Bồng Lai để điều tra ba tội danh gồm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của chủ thể khác, và đặc biệt là tội Loạn luân.
Tất cả các báo đài đều lấy một nguồn tin duy nhất là Công an tỉnh Long An, nhưng đều không nói rõ những người ở tịnh thất Bồng Lai đã có những hành vi phạm pháp gì.
Để thỏa mãn sự hiếu kỳ của rất đông người dùng mạng xã hội, một số dư luận viên đã xoáy vào cái gọi là “tội loạn luân”, dẫn chứng những kết quả khám nghiệm gen di truyền ADN rất đáng ngờ của công an Long An để cáo buộc ông chủ tịnh thất Bồng Lai Lê Tùng Vân “ăn nằm với hai con gái ruột”, “sinh ra từ ba đến 11 người con” (?). Nhiều dư luận viên trên mạng Facebook đã chia sẻ rộng rãi thông tin này với sự khoái trá mà không thèm để ý ông Vân đã 90 tuổi, không thèm quan tâm đến quyền nhân thân và hậu quả của lời cáo buộc đó đối với cuộc sống của các “nạn nhân” là các em nhỏ mồ côi trong tịnh thất Bồng Lai hay những ý kiến chuyên môn bác bỏ “vụ ADN” như phân tích về y học của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc, về luật tố tụng của luật sư Đặng Đình Mạnh ở Sài Gòn.
Sang ngày 7 Tháng Một 2022, như có một sự điều khiển từ trong bóng tối, các báo đồng loạt gỡ bỏ những tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Loạn luân”, chỉ còn một tội danh duy nhất mang tính chính trị là “Lợi dụng quyền tự do dân chủ…theo điều 331 Bộ luật Hình sự”. Bản tin của báo Tuổi Trẻ, ra ngày 7 Tháng Một, dẫn nguồn từ đại diện ban giám đốc Công an tỉnh Long An: (trích) “Trên cơ sở chứng cứ thu thập, sau khi viện kiểm sát cùng cấp phê duyệt, ngày 5-1, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 4 trường hợp gồm Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi) và Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) về tội ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân’”.
Tại sao có chuyện thay đổi tội danh từ hình sự sang chính trị? Nên để ý, tội danh “Lợi dụng quyền tự do dân chủ…theo điều 331 Bộ luật Hình sự” mà Công an Long An vừa cáo buộc bốn người của tịnh thất Bồng Lai là một tội chính trị thường được viện dẫn để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Đây cũng chính là tội danh mà tòa án huyện Thới Lai thành phố Cần Thơ đã tuyên phạt bốn thành viên của nhóm Báo Sạch (Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Lê Thế Thắng và Đoàn Kiên Giang) tổng cộng 14 năm sáu tháng tù sau một phiên tòa “án bỏ túi” vào Tháng Mười năm 2021. Điều 331 Bộ luật Hình sự là một trong ba điều luật mà mới đây nhiều tổ chức xã hội dân sự trong nước và hải ngoại đã đề nghị hủy bỏ, cùng với điều 109, 117 của Bộ luật Hình sự 2015 – những điều luật từng bị Liên Hiệp Quốc cho là có nội dung mơ hồ, buộc tội người dân lợi dụng cái mà họ không hề có.
Chúng tôi cho rằng, Công an đã nhận ra việc truy tố tội hình sự với tịnh thất Bồng Lai là không có căn cứ nên chuyển sang truy tố về chính trị.
Một thủ đoạn quen thuộc
Khó mà buộc tội những người ở tịnh thất Bồng Lai vào tội lợi dụng tôn giáo để trục lợi như tin báo chí ngày 4 Tháng Một. Những người ở tịnh thất Bồng Lai khẳng định họ để đầu trọc, mặc áo nâu sòng nhưng họ không là “sư giả” mà chỉ là người tu tại gia; tịnh thất không phải là chùa mà là nhà riêng; trong nhà có bàn thờ Phật nhưng không liên quan tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam (quốc doanh). Không có luật lệ nào cấm người dân thờ Phật, trưng bày tượng Phật hoặc để đầu trọc, mặc áo nâu. Làm thế nào buộc tội họ “lợi dụng tôn giáo” khi người dân có quyền có niềm tin tôn giáo mà không nhất thiết phải ở trong một giáo hội nhất định? Có người nói tịnh thất Bồng Lai tu theo pháp môn Bửu Sơn Kỳ Hương – một giáo phái ở các tỉnh miền Tây được cho là tiền thân của các giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân… – chúng tôi chưa kiểm chứng được mà dẫu như vậy thì cũng không phải là phạm pháp.
Tố cáo tịnh thất Bồng Lai trục lợi từ thiện, xâm phạm lợi ích của các tổ chức cá nhân khác cũng không có căn cứ. Tịnh thất là nhà riêng của vợ chồng ông Lê Tùng Vân; họ tự mua đất, tự xây nhà, những người đến cư trú đều tự nguyện, có “đăng ký tạm trú” với chính quyền địa phương. Một số người lớn lên từ tịnh thất này, đã ra đời đi làm việc – như anh Lê Thanh Minh Tú, một trẻ mồ côi sống ở tịnh thất Bồng Lai từ 1988 đến 2019 – khi nói chuyện với đài Á Châu Tự Do đều tỏ lòng biết ơn và trân trọng các thầy, các cô ở tịnh thất mà không có chút biểu hiện bị lợi dụng nào. Cũng chưa thấy có người đóng góp nào lên tiếng nói những người ở tịnh thất Bồng Lai trục lợi hay lừa đảo tiền bạc; nhà cầm quyền căn cứ vào đâu để nói họ xâm phạm lợi ích của tổ chức cá nhân khác?
Trong quá khứ, việc công an bắt người với một tội danh hình sự nào đó, sau khi bắt xong mới đổi tội danh sang tội chính trị là thủ đoạn không mới. Ông tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị bắt ở Sài Gòn vì tội mua dâm, chứng cớ là hai bao cao su đã sử dụng tìm thấy trong phòng khách sạn ông ở, nhưng ông lại bị khám nhà ở Hà Nội và bị tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 Bộ luật Hình sự. Ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) bị bỏ tù vì tội “trốn thuế” nhưng khi mãn hạn tù lại bị giam tiếp về tội “tuyên truyền chống nhà nước” như ông Hà Vũ…
Việc tung hỏa mù tịnh thất Bồng Lai “loạn luân”, “trục lợi” để chuẩn bị dư luận rồi bắt giam một số người của tịnh thất với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” đã một lần nữa lặp lại cái thủ đoạn quen thuộc của công an cộng sản nhằm phục vụ một ý đồ chính trị khác của chế độ. Có điều, những người ở tịnh thất Bồng Lai đã có những hành vi “lợi dụng tự do dân chủ” gì thì vẫn chưa thấy nhà cầm quyền công bố.
Và chắc không nơi nào thực hiện thủ đoạn vu cáo này tốt hơn Công an tỉnh Long An – nơi các điều tra viên đã từng ra chợ mua con dao, cái thớt làm “tang chứng vật chứng” để kết án tử hình Hồ Duy Hải – một vụ án “giết người” kéo dài đã hàng chục năm vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Tịnh thất Bồng Lai có tội hay bị đàn áp?
Do sự nhiễu loạn thông tin, chúng tôi không thể xác quyết ông Lê Tùng Vân và tịnh thất Bồng Lai thật sự có tội hay bị nhà cầm quyền đàn áp; dư luận trong nước hiện chia thành nhiều phe tố cáo lẫn nhau, rất khó tìm được sự thật, khó phân biệt đâu là dữ kiện khách quan, đâu là “tin giả” được loan ra một cách cố ý. Hệ thống báo chí trong tay nhà nước cộng với đông đảo dư luận viên, lực lượng AK47 túc trực trên các mạng xã hội Facebook, YouTube liên tục loan tin, bình luận theo hướng thay tòa án kết tội tịnh thất Bồng Lai, dựa theo các tin tức đưa ra từ cảnh sát điều tra hoặc bịa đặt trắng trợn nhằm dẫn dắt dư luận theo ý đồ của nhà cầm quyền. Việc tiếp cận những người ở tịnh thất để tìm hiểu quan điểm của họ hầu như không thể thực hiện được.
Vì lẽ đó, tại thời điểm này khó nói chắc ông Lê Tùng Vân và tịnh thất Bồng Lai có tội như cáo buộc của công an và tuyên truyền của nhà nước, mà cũng khó khẳng định họ hoàn toàn vô tội khi sự việc chưa được điều tra một cách khách quan và thấu đáo.
Có điều theo suy luận thông thường, cái tội của tịnh thất Bồng Lai có lẽ nằm ở chỗ đây là một cơ sở nuôi trẻ em mồ côi không thuộc sự kiểm soát của chính quyền, nhưng lại huy động được sự đóng góp của xã hội và làm khá tốt công việc nuôi dạy trẻ. Nhà cầm quyền nhìn thấy ở đây một mầm mống của xã hội dân sự trong hoạt động thiện nguyện về giáo dục nên quyết ra tay bóp chết ngay trong trứng nước? Cũng có thể nhà cầm quyền coi đây là một “cơ sở tôn giáo tự phát” không nằm trong giáo hội quốc doanh, nhà nước không kiểm soát được nên không thể cho tồn tại.
Thổi bùng vụ tịnh thất Bồng Lai tại thời điểm này, lôi kéo cả xã hội vào cuộc, còn có thể do nhà cầm quyền muốn đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề nóng bỏng khác của đất nước. Thất bại thê thảm trong việc phòng chống dịch COVID-19, kinh tế suy sụp, đời sống người dân khốn khó, Trung Quốc cấm nhập cảng làm hàng trăm ngàn tấn nông sản bị tắc nghẽn ở biên giới, vụ “dì ghẻ” bạo hành giết bé gái tám tuổi, và đặc biệt vụ thông đồng lũng đoạn quy mô chưa từng có mang tên bộ xét nghiệm Việt Á… đang gây phẫn nộ trong mọi tầng lớp dân chúng. Nhà cầm quyền Hà Nội cần một vụ lùm xùm mới, ly kỳ và có sức hút dư luận để người dân quên đi bộ mặt nhem nhuốc, bỉ ổi của giới lãnh đạo chóp bu. Tịnh thất Bồng Lai và những con người thấp cổ bé miệng, phải chăng đã bị đem “tế thần” để cứu nguy cho đảng và chính phủ trong cơn bão dư luận trái chiều?
Nếu không như vậy thì khó có lý do nào để hiểu tại sao một cơ sở nuôi dạy trẻ em mồ côi như tịnh thất Bồng Lai, lại có thể biến thành một vụ án chính trị, bị truy tố với một tội danh vẫn thường được dùng để trấn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền. Từ vụ án này, có thể khẳng định trong chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam hiện nay không ai được an toàn, ai cũng có thể bị chụp mũ “lợi dụng tự do dân chủ” và bị tống giam dù chỉ làm những việc đơn giản, vô hại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét