Ngày 23 Tháng Chạp hàng năm, theo phong tục của người Việt Nam là ngày cúng ông Công, ông Táo hay còn gọi là Tết Táo quân.
Tìm về truyền thuyết Táo Quân
Theo Truyền thuyết Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép cụ thể, chi tiết hơn như sau:
Có người tên Trọng Cao có vợ là Thị Nhi sống với nhau đã lâu nhưng không có con, nên sinh ra buồn phiền và hay cãi cọ. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ, Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại thấy mình cũng có lỗi, bèn đi tìm vợ, nhưng tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi mời Trọng Cao vào nhà, hai người kể mọi chuyện cho nhau nghe và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Khi Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao nấp trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết cùng vợ.
Linh hồn của ba người được đưa lên Thượng đế. Thượng đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là Định phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một công việc:
– Phạm Lang làm thổ công, trông coi việc bếp. Danh hiệu là: Đông trù tư mệnh táo phủ thần quân.
– Trọng Cao làm thổ địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu là: Thổ địa long mạnh tôn thần.
– Thị Nhi làm thổ kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu là: Ngũ phương ngũ thổ phúc đức thánh thần.
Trong bếp ngày xưa, thường có ba ông đầu rau-tức là ba hòn đất nặn dùng để kê nồi xanh đun bếp, trong đó hai hòn nhỏ hơn hòn kia. Nhân dân có tục lệ thờ 2 ông 1 bà và ngày 23 tháng chạp hàng năm làm lễ Táo Quân, tế ông Công, ông Táo lên chầu trời… Đây được coi là ảnh hưởng của phong tục thờ thần lửa, một phong tục có từ lâu đời.
Cúng ông Công, ông Táo
Ngày cúng ông Công, ông Táo là ngày vua bếp lên chầu trời để tâu việc việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm đó.
Trong văn hoá truyền thống của dân tộc ta, vị trí của bếp rất quan trọng. Bếp là biểu tượng của một gia đình, thể hiện sự quây quần ấm cúng. Người ta thường có câu “bếp luôn đỏ lửa” để nói về sự đầm ấm, hạnh phúc của một gia đình. Việc cúng Táo quân cũng nhằm bày tỏ sự tri ân với vị thần đã quanh năm lo toan cai quản duy trì nếp sinh hoạt của gia đình, đồng thời nhắc nhở mỗi người có trách nhiệm hơn với gia đình mình.
Lễ vật cúng Táo công gồm có: mũ ông Công ba chiếc: hai mũ ông và một mũ bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn và 3 con cá làm “ngựa” để Táo quân lên chầu trời.
Các mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyến màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người dân chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia, tất cả đều bằng giấy bìa. Màu sắc của mũ, áo hay hia thay đổi hàng năm theo ngũ hành: năm hành kim thì dùng màu vàng, năm hành mộc thì dùng màu trắng, năm hành thủy thì dùng màu xanh, năm hành hỏa thì dùng màu đỏ và năm hành thổ thì dùng màu đen.
Hiểu đúng bản chất của tục cúng ông Công, ông Táo để có cách ứng xử với truyền thống văn hoá phù hợp, vừa thể hiện ý nghĩa tâm linh, vừa giáo dục việc gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống và hướng con người chăm lo, vun đắp cho hạnh phúc gia đình, là hết sức cần thiết
Tục cúng ông Công, ông Táo, cũng như các phong tục tốt đẹp khác của dân tộc luôn luôn hướng con người tới những điều thiện, điều tốt lành. Trong suốt một năm, mọi người đều cố gắng làm những việc tốt, làm ăn lương thiện, sống hoà thuận, đầm ấm…
Trong những lời cầu khấn với thần linh gói trọn những điều mong ước tốt đẹp cho gia đình, cộng đồng và đất nước trong mùa xuân mới. Đây là động lực thúc đẩy mọi người ngày càng phấn đấu, nỗ lực để dân giàu, nước mạnh.
Theo phong tục của người Việt, ngày 23 Tháng Chạp được tính là thời điểm bắt đầu của Tết Nguyên đán.
Sau khi tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời, người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón tết.
Cá chép về trời
Sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, những đồ vàng mã như: mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy, sẽ được đốt cùng với bài vị cũ, hoặc nếu là cá chép còn sống được thả xuống ao, sông, cá sẽ hóa rồng để ông Táo cưỡi lên chầu trời. Bài vị ở bàn thờ thổ công thường ghi: Đông trù tư mệnh, Táo phủ thần quân, thổ địa long mạch tôn thần, ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần.
Với những gia đình có trẻ em, người dân còn cúng Táo Quân một con gà luộc. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo Quân xin với Ngọc Hoàng thượng đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.
Để Táo Quân có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người dân cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý cá hóa long nghĩa là cá sẽ biến thành rồng đưa ông Táo về trời. Tại miền Trung, người dân cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam giản dị hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.
Tùy theo mỗi gia đình, ngoài các lễ vật chính, có thể làm lễ mặn (xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn ông Táo.
Thờ cúng Táo Quân là nét văn hóa có từ lâu đời và đã trở nên gần gũi với cuộc sống của người dân Việt Nam, với quan niệm gia đình nào được Táo Quân phù hộ nhiều thì hạnh phúc, yên ổn, thành đạt và bình yên.
Cụ Lê Tùng Vân và các em nhỏ ở Tịnh Thất Bồng LaiFB 5 chú tiểu - Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ
Mấy ngày qua, cơn bão dư luận phẫn nộ của công chúng với vụ án Kit Việt Á được pha loãng đi phần nào bởi cơn bão truyền thông được vận hành hết công suất hướng về Tịnh Thất Bồng Lai. Một gia đình quá nổi tiếng với những hạt nhân văn nghệ như Huyền Trân, Á quân The Voice. Hoàng Nguyên, Nhất Nguyên, thí sinh triệu like cuộc thi Đệ nhất song ca, 5 chú Tiểu hai lần quán quân Thách Thức Danh hài. Hàng trăm clip ca nhạc, hài của họ tự thực hiện đã giành danh hiệu nút vàng YouTube mà nhiều ông hoàng bà chúa trong giới showbiz chưa dám mơ ước. Họ còn nổi tiếng bởi làn sóng bịa đặt, vu cáo, hành hung của đàn YouTuber kền kền, những chiến sĩ AK 47 ưu ái dành cho liên tục suốt nhiều năm qua.
Đấu tố, vũ khí trị dân quen thuộc
Đấu tố, một vũ khí đấu tranh cách mạng sắc bén đã được bạn vàng Trung Cộng nhập khẩu vào Miền Bắc việt Nam từ thập kỷ 1950 đã làm nên chiến thắng long trời lở đất mang tên Cải Cách Ruộng Đất, đã cách đi sinh mạng hàng chục vạn người dân vô tội chẳng may có được chút ít tiền của ruộng vườn hoặc chút hiểu biết để bị quy thành phần phú nông địa chủ.
Thời ấy biện pháp đấu tố còn sơ khai, thủ công. Cán bộ đội cải cách chỉ cần bắt rễ một nhóm quần chúng cách mạng vô học, nghèo khó, một số kẻ đủ ác tâm bức hại người khác để phát động tinh thần cách mạng bằng chiêu trò rỉ tai chiêu dụ, thậm chí đe dọa để họ đứng lên đặt điều vu khống cho những nạn nhân đã được đội đưa vào danh sách thành phần phải đào tận gốc, trốc tận rễ.
Báo chí cũng tham gia với vai trò phát súng xung phong, tiến còi xung trận. Chỉ cần một bài báo ngắn trên dưới trăm chữ “Địa chủ ác ghê” của đồng chí CB thì bà Cát Hạnh Long, nhà tài trợ cho kháng chiến hàng ngàn cây vàng, đã trở thành con ma địa chủ
Khi đội quân những ông những bà quần chúng cách mạng đã đông, nội dung vu cáo đã được học thuộc, tòa án nhân dân được đội thiết lập. Những lời vu khống của các diễn viên quần chúng cách mạng được xem là cáo trạng, các đạo diễn cán bộ đội, quần chúng nòng cốt sẽ sắm vai tòa. Nạn nhân bị bêu riếu, sỉ nhục trước cộng đồng, người thân trước khi bị giết, bị tước đoạt toàn bộ tài sản
Đấu tố đã sàng lọc cho Đảng những cán bộ cốt cán trung kiên máu lạnh, gạt bỏ hết nhân tính sẵn sàng theo lệnh giết chết, bức hại người khác kể cả người thân để rộng đường thăng tiến. Đấu tố cũng đủ sức mạnh để nhân dân anh hùng ngoan ngoãn sắp hàng đứng vào lề, cắn răng tim lặng trước mọi bất công ngang trái thậm chí nồng nhiệt hô khẩu hiệu hưởng ứng với tội ác để chứng tỏ lập trường. Trong bối cảnh đất nước bị cô lập, nửa hòa bình nửa chiến tranh, đấu tố là công cụ tuyệt vời tập trung tất cả quyền lực, tài sản quốc gia vào tay chính quyền chuyên chính. Người dân chỉ còn được một quyền duy nhất là sống nơm nớp trong sợ hãi và nghi kỵ ngay cả với chính mình, vũ khí phòng thủ duy nhất là phải luôn tỏ ra trung thành ngoan ngoãn.
Đấu tố thời hiện đại có sư, kền kền, cuồn cuộn tham gia
Cuộc đàn áp Tịnh Thất Bồng Lai hiện nay là cuộc đấu tố theo kịch bản cũ nhưng được nâng lên tầm cao mới với quy trình chặt chẽ, quy mô hoành tráng chưa từng có tiền lệ.
Ngược dòng thời gian, cụ Lê Tùng Vân đã từng “có tiền án” nuôi dạy rất nhiều trẻ mồ côi ở Trung Tâm Thánh Đức, Bình Chánh. Ngoài số trẻ do cụ trực tiếp nhận nuôi, còn có một số trẻ được làng SOS gửi sang. Làng trẻ em SOS là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoạt động trên nhiều quốc gia. Chắc chắn khi gửi trẻ cho cụ Tùng Vân những người có trách nhiệm của làng đã có kiểm tra đánh giá mọi mặt chất lượng nuôi dạy trẻ. Thế nhưng chính quyền địa phương đã nhiều lần lập biên bản, xử phạt, giải tỏa và cuối cùng là Trung Tâm này phát cháy “do chập điện” (theo kết luận của công an) dù ngọn lửa phát ra từ phòng cụ Tùng Vân nơi không hề có dây điện. Ngọn lửa thiêu rụi mọi thứ ngay cả giấy tờ tùy thân của cụ Tùng Vân.
Hơn 50 trẻ của Trung Tâm lúc ấy tan đàn lạc nghé. Số của SOS trở về làng; số có cha mẹ, thân nhân gửi nuôi phải trả về gia đình; số không có giấy tờ hộ tịch, giao lại cho các trung tâm của nhà nước; cụ Tùng Vân chỉ còn được giữ lại những trẻ do cụ hoặc người thân của cụ đứng tên khai sanh như Minh Tú, Hoàng Nguyên, Nhất Nguyên, ….. về xây dựng cơ sở mới là Tịnh Thất Bồng Lai.
Cuộc đấu tố bắt đầu khởi động từ sau khi Huyền Trân đạt giải Á quân cuộc thi The Voice 2014. Cán bộ đội đầu tiên là Hòa Thượng Thích Minh Thiện và Thượng Tọa Thích Nhật Từ đã phát động quần chúng lên án Tịnh Thất “giả sư trục lợi”, giả sư đi thi ca hát là ảnh hưởng đến uy tín Phật giáo, tu không đăng ký là phạm pháp”,…. .
Thượng Tọa Thích Nhật Từ quá nổi tiếng với xú danh Thích Nhặt Tiền với nhiều thương vụ đen không cần phải nhắc thêm. Hòa Thượng Minh Thiện Tỉnh Hội Trưởng Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh tỉnh Long An thì YouTube còn ghi nhận bài thuyết pháp nhân ngày lễ Vu Lan phía sau lưng là logo của Công Ty nghĩa trang An Phúc. Bài thuyết pháp có thể xem là mẫu mực của nghệ thuật quảng cáo mua đất nghĩa trang báo hiếu.
Hưởng ứng theo phát động của hai cán bộ đội này, đông đảo quần chúng cách mạng hàng chục YouTuber ngày ngày tung ra biết bao điều bôi xấu vô bằng. Đặc biệt, côn đồ mạng Nguyễn Sin tung lên mạng giấy khai sinh của các trẻ ở Thiền Am cùng với hình ảnh để chứng minh cho lập luận trẻ này là con loạn luân của người này, trẻ kia là con người khác trong Thiền Am. Trong xứ sở thiên đường này muốn đi học phải có khai sinh, hộ khẩu, khai sinh phải có tên cha mẹ. Việc người nhận nuôi trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi đứng tên làm cha mẹ trong khai sinh là hết sức bình thường. Ở các quốc gia tôn trọng nhân quyền, hình ảnh, đời tư và những quyền cá nhân của trẻ em được tôn trọng cực kỳ nghiêm nhặt. Thế nhưng bằng cách nào đó, côn đồ mạng Nguyễn Sin lại có đủ các giấy khai sinh của các em và tung lên mạng chẳng những không bị chính quyền cảnh báo, xử lý mà còn được các YouTube khác nồng nhiệt chia sẽ, loan truyền. Nhân danh đạo đức, nghĩa hiệp tố cáo loạn luân Nguyễn Sin và đám kền kền đã xâm phạm thô bạo quyền cá nhân, danh dự nhân phẩm của các em trong sự bảo trợ của chính quyền mà cả xã hội bị tê liệt trong câm lặng không ai phản kháng.
Nhắm vào người già, không tha trẻ nhỏ
Không có xã hội dân sự, không có tổ chức bảo vệ quyền trẻ em. Nhà nước có Ủy Ban Chăm Sóc Bảo Vệ Bà Mẹ Trẻ Em ngồi chơi xơi nước ở Trung Ương. Cơ sở có Hội Đồng Đội để ràn luyện đưa các em theo gương anh Kim Đồng, chị Võ Thị Sáu ném lựu đạn, ném bom khủng bố.
Một tên YouTuber côn đồ tự xưng là luật sư Trần Quốc Dũng còn đốn mạt và ti tiện hơn, dựng chuyện bôi xấu cô Ngọc Xuân (quê ở Khánh Hòa, có đủ cha mẹ) đang sống trong Tịnh Thất Bồng Lai những lời khiếm nhã mà không thể nêu ở đây. Y còn vu cáo cô Ngọc Xuân chửi cha mắng mẹ, bất hiếu mẹ bệnh không đi thăm. Đặc biệt vu cho cô không chồng mà có chừa… Cô Ngọc Xuân đã nhờ Thừa Phát lại lập vi bằng các clip vu khống của Dũng và làm đơn tố cáo đến Công An Quận Gò Vấp. Sau thời gian thụ lý, Công An Gò Vấp có văn bản thông báo đã làm việc với đương sự nhưng quá thời hạn Quốc Dũng vẫn không trả lời nên tạm đình chỉ điều tra! (mời xem văn bản đính kèm). Ối trời! Sao Công An bỗng dưng hiền lành với đối tượng bị điều tra như vậy?
Đình đám nhất trong cuộc đấu tố, đại gia cuồn cuộn, CEO nghìn tỷ Nguyễn Phương Hằng cùng với đám kền livestream tấn công vu cáo Tịnh Thất Bồng Lai. Đang mùa dịch bệnh COVID, cuồn cuộn dẫn đoàn quân kền kền đến bao vây dưới sự bảo vệ của hai đại tá công an và có lực lượng công an địa phương bảo vệ. Những đứa bé trong Tịnh Thất Bồng Lai hoảng hốt, bé Đức Tâm bật khóc. Cuộc an cư của người Việt quá mong manh trước thể chế cường quyền.
Báo chí cách mạng bao gồm đủ loại hình báo giấy, truyền hình, báo mạng, đồng loạt dẫn lời vu cáo, trích dẫn ý kiến của các cán bộ Nhật Từ, Minh Thiện giống như pháp quan dẫn chiếu chỉ của thánh hoàng để ban án tử hình. Tất cả chỉ là những cáo buộc chung chung không có một chứng cứ nào. Hàng trăm bài báo từ các cơ quan báo chí, tác giả khác nhau nhưng giống nhau như đàn cừu Dolly được nhân bản vô tính.
Với cuộc đấu tố trường kỳ nhiêu năm trời như vậy, không cần là nhà phân tích chính trị, giác quan của một người dân bình thường cũng đủ hiểu với những tín hiệu đó cụ Lê Tùng Vân đã nằm trong hàng dầu danh sách những tù nhân dự bị đã được đảng ta quy hoạch. Việc xuống tay lúc nào là hoàn toàn tùy thuộc vào ân sủng của trò chơi đấu tố.
Ngày 4-1-2022, gần 800 tờ báo đồng loạt sản xuất 800 con cừu Dolly “Khởi tố vụ lợi dụng tôn giáo, từ thiện để trục lợi tại 'Tịnh thất Bồng Lai'” Nội dung cũng là cáo buộc chung chung “những hành vi vi phạm, lợi dụng hoạt động tôn giáo, từ thiện để trục lợi”. (1)
Báo chí cách mạng Việt Nam giống như cái ống cống cứ bê nguyên đai nguyên kiện những gì từ cấp trên đưa xuống nên chẳng ai chú ý đến việc Bộ Luật Hình Sự Việt Nam không hề ghi tội danh “lợi dụng hoạt động tôn giáo, từ thiện để trục lợi”. Mà theo nguyên tắc thì: ai đó chỉ bị xem là có tội khi phạm vào một trong những điều Bộ Luật Hình Sự quy định. Nói chính xác là ngày 4-1 Công An và báo chí đã kết Tịnh Thất Bồng Lai một cái tội không có trong luật và hành vi cũng không có thật.
Chỉ một hôm sau, kịch bản thay đổi với mức kích động mạnh liệt hơn, tàn nhẫn hơn, báo chí đồng loạt thay đổi tội danh “Làm rõ dấu hiệu phạm tội loạn luân ở Tịnh thất Bồng Lai
Đây là giai đoạn cao trào khủng bố tinh thần mà nạn nhân có thể đột tử vì uất hận. Nguyễn Sin và các YouTuber kền kền lại tung lên mạng xã hội một trang kết luận giám định ADN không rõ nguồn gốc cho kết quả cụ Tùng Vân có 11 con loạn luân. Người ta còn công phu vẽ ra sơ đồ chi hệ người nào con ai với đầy đủ họ tên. Sự bịa đặt ấy vô lý đến mức bác sĩ Phan Xuân Trung phải viết stt mỉa mai “Dậy thì muộn hay sao!” (2)
Vì theo bản tông chi loạn luân ấy cụ Tùng Vân là người ngoài hành tinh, từ nhỏ đến năm 57 tuổi không có con bỗng dưng từ 58 đến 86 tuổi ông sinh sòn sọt 11 con.
Dối trá, vu khống trắng trợn
Hợp đồng thông tin trắng của báo chí và thông tin xám của mạng xã hội đã bôi đen toàn bộ các thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai. Mạng Facebook tràn ngập những dòng trạng thái bình luận mỉa mai cay độc. Những người trước nay ủng hộ, bênh vực họ cũng hoang mang cúi đầu im lặng. Quần chúng cách mạng thì hả hê tung hết những căm giận oán hờn phẫn nộ dồn nén bấy lâu vào con vật tế thần.
Chỉ duy nhất báo điện tử Zing cùng đưa thông tin tương tự nhưng hé ra chi tiết bất thường “ “VKSND tỉnh Long An cho biết cơ quan này chưa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam bị can trong vụ án liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai. Đại diện VKS cho biết vụ án đang trong giai đoạn thẩm vấn các cá nhân sống trong Tịnh thất Bồng Lai’ (3)
Chi tiết của báo Zing cho thấy ác tâm của trò đấu tố bằng truyền thông là vào thời điểm đó cơ quan điều tra chưa xác định tội danh, VKS chưa phê chuẩn khởi tố bị can nhưng người ta vẫn ỡm ờ tung tin giả cho báo chí ra bản án dư luận, bôi đen nhân phẩm của thiền am từ người già, phụ nữ trẻ con.
Đàn áp, vu khống, lăng nhục người vô tội được mở rộng phạm vi không giới hạn, không loại trừ một đối tượng nào.
Khi thông tin đen dối trá đã đủ ngấm sâu vào nhận thức công chúng, ngày 7-1 báo chí lại đồng loạt đưa tin ”4 người ở 'tịnh thất Bồng Lai' bị khởi tố tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự”. Hóa ra cơ quan khởi tố cũng không phải là An Ninh Điều Tra công an tỉnh như các tin đã đưa trước đây mà chỉ là Cảnh sát điều tra của công an huyện Đức Hòa.(4)
Để lấp liếm cho việc đưa tin giả loạn luận, hầu hết các tờ báo đều thòng thêm câu lơ lửng là “công an đang xem xét làm rõ những dấu hiệu phạm tội khác”.
Không thể giết chết lương tri
Từ nước Úc, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã có bài viết “Câu chuyện ‘Thiền Am’: Lịch sử lặp lại”
Giáo sư Tuấn đã nhận định rất xác đáng là “Sự xóa sổ Thiền Am chẳng liên quan gì với những cáo buộc mà nhà cầm quyền tuyên truyền (lợi dụng tự do dân chủ, lợi dụng tôn giáo, và ‘loạn luân’). Bởi lí do đơn giản là những cáo buộc đó hoặc là mơ hồ, hoặc là vô chứng cớ. Thật vậy, không có chứng cớ gì cụ thể để nói rằng mấy người trong Thiền Am lợi dụng tôn giáo để trục lợi cả. Họ tu hành tại gia, họ tự lực cánh sinh, họ chẳng lên tiếng xin xỏ ai (như Giáo hội của nhà nước hay làm), và họ chẳng gây hại cho ai. Ngược lại, họ giáo dục các trẻ em mồ côi thành những người có ích cho xã hội. Chẳng có một chứng cớ đáng tin cậy và độc lập nào để nói người đứng đầu là một ông cụ 91 tuổi phạm tội ‘loạn luân’. Chỉ toàn là vu cáo. Những vu cáo đó được tung ra chỉ để nhắm tới mục đích xoá sổ Thiền Am.
Để hiểu chuyện ngày nay, chúng ta cần phải biết chuyện quá khứ. Tương tự, để hiểu những gì xảy ra đối với Thiền Am, chúng ta cần phải biết những gì xảy ra đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và tu viện Bát Nhã”. (5)
Ở trong nước ngay trong lúc dư luận ồn ào chuyện khởi tố, chuyện loạn luân, bác sỹ Phan Xuân Trung có stt trên FB “Biết nói gì đây?” Ông đã kết luận rằng “Cái "tội" duy nhất là họ đã nổi bật trên phương tiện truyền thông, khi các chú bé tham gia chương trình giải trí trên truyền hình quá xuất sắc. Má tôi khi còn sống đã nghe đi nghe lại hàng trăm lần những màn biểu diễn dễ thương, thông minh và duyên dáng của các chủ bé mới lên 4 tuổi”. (6)
Như thế đó, cuộc đấu tố hoành tráng chưa có tiền lệ này, chính quyền sẽ đạt được mục đích ngắn hạn là xóa sổ được Tịnh Thất Bồng Lai, bắt giam cụ già 91 tuổi và ba thanh niên, phá vỡ mái ấm của những thế hệ trẻ tài năng, làm thỏa mãn nguyện vọng của một bộ phận quần chúng cách mạng. Sự tàn bạo ấy có thể làm không ít người cúi đầu khuất phục, im lặng chấp nhận sự tự do trong cái thòng lọng Đảng ban cho trên cổ.
Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Vợ chồng ông Lê Tùng Vân và các con lớn trong tịnh thất Bồng Lai. Ảnh Facebook
Từ một nơi nuôi dạy trẻ mồ côi tư nhân tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, tịnh thất Bồng Lai bỗng nổi lên thành tiêu điểm thu hút dư luận cả trong và ngoài nước mấy ngày gần đây; người chủ trì tịnh thất và một số thành viên vừa bị công an truy tố, bắt giam.
Tịnh thất Bồng Lai – vì đâu không tịnh?
Những tranh cãi chung quanh sự tồn tại và hoạt động của tịnh thất Bồng Lai (còn gọi là Thiền am bên bờ vũ trụ) kéo dài đã hai, ba năm nay từ khi một số thành viên thiếu niên sống ở đó tham gia và giành được giải cao trong các chương trình truyền hình giải trí (gameshow) The Voice, Thách thức Danh hài (2019), Tuyệt đỉnh Song ca (2017). Những thiếu niên này để đầu trọc, mặc áo nâu sòng trông như tu sĩ Phật giáo, bị nhầm lẫn thành “chú tiểu”, và tất cả đều mang họ Lê, theo họ của chủ cơ sở và người nuôi dưỡng họ, ông Lê Tùng Vân. Chuyện “ly kỳ” ở tịnh thất Bồng Lai gợi trí tò mò của nhiều người và một số YouTuber nhanh chóng nhảy vào, dựng lên những câu chuyện giật gân về “quan hệ loạn luân” của ông già Lê Tùng Vân với con gái, sinh ra đám con cháu dưới vỏ bọc “trẻ mồ côi” chỉ vì tất cả đều mang họ Lê v.v…
Đã có những vụ rắc rối với pháp luật khi trưởng công an xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa – nơi có tịnh thất Bồng Lai – đòi 300 triệu đồng để làm giấy chứng minh nhân dân cho ba cá nhân sống ở tịnh thất khi các em này có nhu cầu xuất cảnh sang Úc biểu diễn nghệ thuật. Vụ tống tiền này bị vỡ lở, ông Nguyễn Hoàn Khải, trưởng công an xã, bị kỷ luật cảnh cáo.
Rồi Tháng Mười 2019, cô sinh viên 22 tuổi Võ Thị Diễm My bỏ nhà ra đi; cha mẹ của cô là ông Võ Văn Thắng và bà Đoàn Thị Tuyết Mai cùng nhiều người khác kéo đến tịnh thất Bồng Lai và xông vào kiếm con. Họ không tìm thấy con, nhưng bà Châu Vinh Hóa, một người trong nhóm này đã cầm gạch ném vào mặt ông Lê Thanh Nhị Nguyên, người đang sinh sống tại tịnh thất, gây thương tích 13%. Cuối năm ngoái bà Hóa bị tòa kết án hai năm tù treo, bốn năm thử thách, bồi thường cho bị hại tám triệu đồng.
Sau vụ đó, vợ chồng ông Thắng bà Mai vẫn tiếp tục “đối đầu” với tịnh thất Bồng Lai, lôi kéo lực lượng công an, truyền hình địa phương và nhiều YouTuber như bà Nguyễn Phương Hằng của công ty Đại Nam nhiều lần kéo đến tịnh thất gây rối, đòi người và nhiều thủ đoạn khác. Mới đây khi công an đến lục soát và bắt người ở tịnh thất Bồng Lai, người ta thấy có mặt cả ông Thắng và bà Mai, không hiểu họ có vai trò gì trong đội sai nha đó.
Câu chuyện tịnh thất Bồng Lai những tưởng chỉ là một vụ tranh chấp dân sự giữa những nhóm công dân có quyền lợi khác nhau và nhiệm vụ của chính quyền là kiểm soát không để tranh chấp bùng lên thành xung đột gây mất trật tự xã hội hoặc tổn thất sinh mạng và tài sản.
Thế nhưng những diễn biến gần đây cho thấy vụ tịnh thất Bồng Lai đã chuyển thành một vụ án chính trị.
Từ tội hình sự thành tội chính trị
Hôm 4 Tháng Một 2022, hệ thống báo chí nhà nước do đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo đồng loạt đăng bài cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã khám xét và khởi tố vụ án liên quan đến tịnh thất Bồng Lai, với cáo buộc lợi dụng tôn giáo để trục lợi.
Sang ngày 5 Tháng Một 2022, nhiều báo như Truyền hình Việt Nam (VTV), Tiền Phong, Pháp Luật TPHCM, Người Lao Động, Dân Trí….. đồng loạt đưa tin Cơ quan An ninh điều tra thuộc Công an tỉnh Long An đã khởi tố vụ án tịnh thất Bồng Lai để điều tra ba tội danh gồm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của chủ thể khác, và đặc biệt là tội Loạn luân.
Tất cả các báo đài đều lấy một nguồn tin duy nhất là Công an tỉnh Long An, nhưng đều không nói rõ những người ở tịnh thất Bồng Lai đã có những hành vi phạm pháp gì.
Để thỏa mãn sự hiếu kỳ của rất đông người dùng mạng xã hội, một số dư luận viên đã xoáy vào cái gọi là “tội loạn luân”, dẫn chứng những kết quả khám nghiệm gen di truyền ADN rất đáng ngờ của công an Long An để cáo buộc ông chủ tịnh thất Bồng Lai Lê Tùng Vân “ăn nằm với hai con gái ruột”, “sinh ra từ ba đến 11 người con” (?). Nhiều dư luận viên trên mạng Facebook đã chia sẻ rộng rãi thông tin này với sự khoái trá mà không thèm để ý ông Vân đã 90 tuổi, không thèm quan tâm đến quyền nhân thân và hậu quả của lời cáo buộc đó đối với cuộc sống của các “nạn nhân” là các em nhỏ mồ côi trong tịnh thất Bồng Lai hay những ý kiến chuyên môn bác bỏ “vụ ADN” như phân tích về y học của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc, về luật tố tụng của luật sư Đặng Đình Mạnh ở Sài Gòn.
Sang ngày 7 Tháng Một 2022, như có một sự điều khiển từ trong bóng tối, các báo đồng loạt gỡ bỏ những tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Loạn luân”, chỉ còn một tội danh duy nhất mang tính chính trị là “Lợi dụng quyền tự do dân chủ…theo điều 331 Bộ luật Hình sự”. Bản tin của báo Tuổi Trẻ, ra ngày 7 Tháng Một, dẫn nguồn từ đại diện ban giám đốc Công an tỉnh Long An: (trích) “Trên cơ sở chứng cứ thu thập, sau khi viện kiểm sát cùng cấp phê duyệt, ngày 5-1, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 4 trường hợp gồm Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi) và Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) về tội ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân’”.
Tại sao có chuyện thay đổi tội danh từ hình sự sang chính trị? Nên để ý, tội danh “Lợi dụng quyền tự do dân chủ…theo điều 331 Bộ luật Hình sự” mà Công an Long An vừa cáo buộc bốn người của tịnh thất Bồng Lai là một tội chính trị thường được viện dẫn để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Đây cũng chính là tội danh mà tòa án huyện Thới Lai thành phố Cần Thơ đã tuyên phạt bốn thành viên của nhóm Báo Sạch (Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Lê Thế Thắng và Đoàn Kiên Giang) tổng cộng 14 năm sáu tháng tù sau một phiên tòa “án bỏ túi” vào Tháng Mười năm 2021. Điều 331 Bộ luật Hình sự là một trong ba điều luật mà mới đây nhiều tổ chức xã hội dân sự trong nước và hải ngoại đã đề nghị hủy bỏ, cùng với điều 109, 117 của Bộ luật Hình sự 2015 – những điều luật từng bị Liên Hiệp Quốc cho là có nội dung mơ hồ, buộc tội người dân lợi dụng cái mà họ không hề có.
Chúng tôi cho rằng, Công an đã nhận ra việc truy tố tội hình sự với tịnh thất Bồng Lai là không có căn cứ nên chuyển sang truy tố về chính trị.
Một thủ đoạn quen thuộc
Khó mà buộc tội những người ở tịnh thất Bồng Lai vào tội lợi dụng tôn giáo để trục lợi như tin báo chí ngày 4 Tháng Một. Những người ở tịnh thất Bồng Lai khẳng định họ để đầu trọc, mặc áo nâu sòng nhưng họ không là “sư giả” mà chỉ là người tu tại gia; tịnh thất không phải là chùa mà là nhà riêng; trong nhà có bàn thờ Phật nhưng không liên quan tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam (quốc doanh). Không có luật lệ nào cấm người dân thờ Phật, trưng bày tượng Phật hoặc để đầu trọc, mặc áo nâu. Làm thế nào buộc tội họ “lợi dụng tôn giáo” khi người dân có quyền có niềm tin tôn giáo mà không nhất thiết phải ở trong một giáo hội nhất định? Có người nói tịnh thất Bồng Lai tu theo pháp môn Bửu Sơn Kỳ Hương – một giáo phái ở các tỉnh miền Tây được cho là tiền thân của các giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân… – chúng tôi chưa kiểm chứng được mà dẫu như vậy thì cũng không phải là phạm pháp.
Tố cáo tịnh thất Bồng Lai trục lợi từ thiện, xâm phạm lợi ích của các tổ chức cá nhân khác cũng không có căn cứ. Tịnh thất là nhà riêng của vợ chồng ông Lê Tùng Vân; họ tự mua đất, tự xây nhà, những người đến cư trú đều tự nguyện, có “đăng ký tạm trú” với chính quyền địa phương. Một số người lớn lên từ tịnh thất này, đã ra đời đi làm việc – như anh Lê Thanh Minh Tú, một trẻ mồ côi sống ở tịnh thất Bồng Lai từ 1988 đến 2019 – khi nói chuyện với đài Á Châu Tự Do đều tỏ lòng biết ơn và trân trọng các thầy, các cô ở tịnh thất mà không có chút biểu hiện bị lợi dụng nào. Cũng chưa thấy có người đóng góp nào lên tiếng nói những người ở tịnh thất Bồng Lai trục lợi hay lừa đảo tiền bạc; nhà cầm quyền căn cứ vào đâu để nói họ xâm phạm lợi ích của tổ chức cá nhân khác?
Trong quá khứ, việc công an bắt người với một tội danh hình sự nào đó, sau khi bắt xong mới đổi tội danh sang tội chính trị là thủ đoạn không mới. Ông tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị bắt ở Sài Gòn vì tội mua dâm, chứng cớ là hai bao cao su đã sử dụng tìm thấy trong phòng khách sạn ông ở, nhưng ông lại bị khám nhà ở Hà Nội và bị tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 Bộ luật Hình sự. Ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) bị bỏ tù vì tội “trốn thuế” nhưng khi mãn hạn tù lại bị giam tiếp về tội “tuyên truyền chống nhà nước” như ông Hà Vũ…
Việc tung hỏa mù tịnh thất Bồng Lai “loạn luân”, “trục lợi” để chuẩn bị dư luận rồi bắt giam một số người của tịnh thất với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” đã một lần nữa lặp lại cái thủ đoạn quen thuộc của công an cộng sản nhằm phục vụ một ý đồ chính trị khác của chế độ. Có điều, những người ở tịnh thất Bồng Lai đã có những hành vi “lợi dụng tự do dân chủ” gì thì vẫn chưa thấy nhà cầm quyền công bố.
Và chắc không nơi nào thực hiện thủ đoạn vu cáo này tốt hơn Công an tỉnh Long An – nơi các điều tra viên đã từng ra chợ mua con dao, cái thớt làm “tang chứng vật chứng” để kết án tử hình Hồ Duy Hải – một vụ án “giết người” kéo dài đã hàng chục năm vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Tịnh thất Bồng Lai có tội hay bị đàn áp?
Do sự nhiễu loạn thông tin, chúng tôi không thể xác quyết ông Lê Tùng Vân và tịnh thất Bồng Lai thật sự có tội hay bị nhà cầm quyền đàn áp; dư luận trong nước hiện chia thành nhiều phe tố cáo lẫn nhau, rất khó tìm được sự thật, khó phân biệt đâu là dữ kiện khách quan, đâu là “tin giả” được loan ra một cách cố ý. Hệ thống báo chí trong tay nhà nước cộng với đông đảo dư luận viên, lực lượng AK47 túc trực trên các mạng xã hội Facebook, YouTube liên tục loan tin, bình luận theo hướng thay tòa án kết tội tịnh thất Bồng Lai, dựa theo các tin tức đưa ra từ cảnh sát điều tra hoặc bịa đặt trắng trợn nhằm dẫn dắt dư luận theo ý đồ của nhà cầm quyền. Việc tiếp cận những người ở tịnh thất để tìm hiểu quan điểm của họ hầu như không thể thực hiện được.
Vì lẽ đó, tại thời điểm này khó nói chắc ông Lê Tùng Vân và tịnh thất Bồng Lai có tội như cáo buộc của công an và tuyên truyền của nhà nước, mà cũng khó khẳng định họ hoàn toàn vô tội khi sự việc chưa được điều tra một cách khách quan và thấu đáo.
Có điều theo suy luận thông thường, cái tội của tịnh thất Bồng Lai có lẽ nằm ở chỗ đây là một cơ sở nuôi trẻ em mồ côi không thuộc sự kiểm soát của chính quyền, nhưng lại huy động được sự đóng góp của xã hội và làm khá tốt công việc nuôi dạy trẻ. Nhà cầm quyền nhìn thấy ở đây một mầm mống của xã hội dân sự trong hoạt động thiện nguyện về giáo dục nên quyết ra tay bóp chết ngay trong trứng nước? Cũng có thể nhà cầm quyền coi đây là một “cơ sở tôn giáo tự phát” không nằm trong giáo hội quốc doanh, nhà nước không kiểm soát được nên không thể cho tồn tại.
Thổi bùng vụ tịnh thất Bồng Lai tại thời điểm này, lôi kéo cả xã hội vào cuộc, còn có thể do nhà cầm quyền muốn đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề nóng bỏng khác của đất nước. Thất bại thê thảm trong việc phòng chống dịch COVID-19, kinh tế suy sụp, đời sống người dân khốn khó, Trung Quốc cấm nhập cảng làm hàng trăm ngàn tấn nông sản bị tắc nghẽn ở biên giới, vụ “dì ghẻ” bạo hành giết bé gái tám tuổi, và đặc biệt vụ thông đồng lũng đoạn quy mô chưa từng có mang tên bộ xét nghiệm Việt Á… đang gây phẫn nộ trong mọi tầng lớp dân chúng. Nhà cầm quyền Hà Nội cần một vụ lùm xùm mới, ly kỳ và có sức hút dư luận để người dân quên đi bộ mặt nhem nhuốc, bỉ ổi của giới lãnh đạo chóp bu. Tịnh thất Bồng Lai và những con người thấp cổ bé miệng, phải chăng đã bị đem “tế thần” để cứu nguy cho đảng và chính phủ trong cơn bão dư luận trái chiều?
Nếu không như vậy thì khó có lý do nào để hiểu tại sao một cơ sở nuôi dạy trẻ em mồ côi như tịnh thất Bồng Lai, lại có thể biến thành một vụ án chính trị, bị truy tố với một tội danh vẫn thường được dùng để trấn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền. Từ vụ án này, có thể khẳng định trong chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam hiện nay không ai được an toàn, ai cũng có thể bị chụp mũ “lợi dụng tự do dân chủ” và bị tống giam dù chỉ làm những việc đơn giản, vô hại.