Ngược xuôi miền duyên hảibởi anle20 |
Đạp xe từ Vũng Tàu ra Quy Nhơn, cung đường biển hiện ra như thước phim quay chậm trong hành trình gần 1.000 km của du khách.
Trong chuyến du ngoạn gần 1.000 km bằng xe đạp, nhóm anh Diêm Đăng Dũng dừng chụp ảnh check-in tại dãy hoa giấy ven đường thuộc Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Anh Diêm Đăng Dũng (ngoài cùng bên phải) trên chiếc xe đạp mới mua 3 ngày đã lăn bánh qua quãng đường gần 1.000 km trong 11 ngày, từ Bà Rịa - Vũng Tàu tới Bình Định.
Qua Hồ Tràm tới Hồ Cốc (Bà Rịa - Vũng Tàu), con đường nơi đây sát biển, bước từ mặt đường xuống là bãi tắm.
Thời điểm đi qua đây, biển động do ảnh hưởng của không khí lạnh miền Bắc nên gió rất to. Phải đạp ngược gió dưới trời nắng nóng nên các thành viên cảm thấy mất sức, dù chỉ mới bắt đầu hành trình hơn 50 km, anh Dũng kể lại.
Mũi Kê Gà (Bình Thuận) là điểm đầu tiên nhóm check-in ở tỉnh này.
Mũi Kê Gà, còn được gọi là mũi Khe Gà, là mũi đất thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam. Nơi đây nổi tiếng bởi bãi biển hoang sơ với các phiến đá khổng lồ. Điểm tham quan thu hút du khách là ngọn hải đăng nằm trên Mũi Điện cách bờ khoảng 500 m, được thiết kế bởi người Pháp và là ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất Việt Nam.
Sau 1,5 giờ, nhóm anh Dũng đã đạp xe ngang qua làng chài Mũi Né (Bình Thuận). Không phải sáng sớm và đang trong thời gian biển động, các ghe thuyền không ra khơi.
Khác với tưởng tượng của anh Diêm Đăng Dũng về sa mạc trắng tinh, đồi cát Bàu Trắng (Bình Thuận) vào thời điểm nắng chiếu xiên lại ngả màu vàng.
Đi theo hướng đường ven biển ĐT716, địa phận huyện Tuy Phong (Bình Thuận) có hàng cây xanh mướt tựa đường lên Đà Lạt ngàn thông. Đi xuyên qua hàng cây là bước xuống bãi biển dài và hoang sơ. "Con đường này không lớn và vắng xe, dễ dàng đạp chậm rãi ngắm cảnh", anh Dũng cho biết.
Qua khỏi địa phận Bình Thuận, nhóm đến Mũi Dinh (Ninh Thuận). Để đến được Bãi Tràng, các thành viên phải đi bộ hơn 1 km đường cát, không thể mang xe đạp theo mà phải gửi nhà dân.
Vùng biển Mũi Dinh thuộc xã Phước Dinh còn hoang sơ, hiện chỉ có vài hộ dân khai thác một số dịch vụ như thuê thuyền dạo biển, cắm trại, nấu nướng...
Vào đến địa phận Phan Rang (Ninh Thuận), ba chiếc xe đạp lạc vào một con đường làng. “Đó là đoạn đường đi từ Tháp Chàm đến đồng cừu An Hòa, mình có cảm giác như đang lạc vào miền Tây Nam Bộ, với sông nước, những cánh đồng lúa dài bất tận”, anh Dũng miêu tả.
Tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), anh Dũng ghé tham quan Tháp Chàm Pô Klong Garai. Đây là quần thể tháp Chàm được xây dựng từ thế kỷ 13, hiện còn nguyên vẹn cả công trình kiến trúc lẫn việc tổ chức thờ cúng của người Chăm tại địa phương.
Trong địa phận tỉnh Ninh Thuận, điểm đến của nhóm còn có vườn nho và đi qua cánh đồng điện gió.
Cung đường đạp xe đi qua vịnh Vĩnh Hy, nối hai tỉnh Ninh Thuận với Khánh Hòa. Đường ven biển này một bên là núi, bên dưới là biển, có độ dốc khoảng 8% và độ dài khoảng 3 - 5 km khiến ba thành viên cảm thấy mệt mỏi.
Sau đêm nghỉ ở thành phố Nha Trang, hành trình ngày hôm sau tiếp tục tới Phú Yên, nhóm dừng chân chụp ảnh ở biển Đại Lãnh, nằm giữa hai tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Phú Yên.
Vùng biển được che chắn bởi hai con đèo lớn là đèo Cả ở phía Bắc và đèo Cổ Mã phía Nam. Do đó, dù những ngày gió lớn biển động, biển Đại Lãnh vẫn nước xanh sóng êm.
Đang trên đường ra đến Phú Yên, nhóm gặp bảng chỉ dẫn tham quan tại Vũng Rô. Bến Tàu Không Số nơi đây được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Từ lâu nghe danh Bãi Xép (Phú Yên), nơi đóng phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, nay anh Dũng mới đến đây tham quan. Hoa vàng cỏ xanh không hề có, chỉ có bãi biển trải dài rất đẹp, anh cho biết.
Từ đây, các thành viên đạp xe thẳng về Quy Nhơn (Bình Định) cũng là điểm cuối của hành trình. Thời tiết vùng duyên hải Nam Trung Bộ độ tháng 4, tháng 5 nắng nóng gay gắt. "Hôm nào xuất phát muộn là chúng tôi hứng trọn cái nắng như thiêu đốt nguyên ngày, cảm giác vô cùng cực nhọc và mệt do mất nước rất nhanh", anh Diêm Đăng Dũng nhớ lại.
Ảnh: NVCC / Tâm Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét