Chiếc lò vĩ đại của Tổng bí thư có thật vĩ đại?bởi anle20 |
Trong suốt hai năm qua, truyền thông trong nước đã không ngừng đưa tin về các vụ đại án tham nhũng và cố ý làm trái gây chấn động như vụ Ngân hàng Đại dương Oceanbank, Vụ Tập đoàn Dầu khí PVC-PVN, vụ đường đánh bạc công nghệ cao Rikvip v.v…
Kéo theo đó là những tên tuổi của hàng loạt các quan chức cấp cao, xử lý cả một thành viên trong Bộ Chính trị - một nhóm hội đồng tưởng chừng như ‘không để đụng đến’.
Đây là những vụ đại án, những khúc củi to nhất trong chiến dịch đốt lò của Tổng Bí thư và nay Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Kể từ khi khởi động vào sau Đại hội Đảng thứ 12 vào cuối 2016, với sự ra đi của đối thủ chính trị Nguyễn Tấn Dũng, có thể nói ông Trọng đã đạt được thế thiên thời địa lợi nhân hòa để tiến hành một trong những chiến dịch chống tham nhũng quy mô nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chiến dịch ‘đốt lò’ này được các nhà quan sát cho là một nỗ lực của Đảng trong việc giành lại quyền lực và uy thế cũng như củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền và sự dẫn dắt sáng suốt của Đảng.
Truyền thông trong nước không ngừng ca ngợi về quy mô về sự thành công của chiến dịch chống tham nhũng vẫn đang tiếp diễn một cách mạnh mẽ.
Nhưng liệu chiến dịch này đã thực sự thành công trong việc giải quyết vấn nạn tham nhũng, cũng như thực sự phục hồi được tính chính danh của Đảng Cộng sản trong mắt cộng đồng quốc tế cũng như niềm tin của người dân?
Dựa trên một số số liệu thu thập được qua truyền thông Việt Nam, BBC đã tổng hợp lại một số vụ đại án chính trị lớn nhất trong vòng hai năm trở lại đây để xem xét quy mô vi phạm cũng như mức độ xử lý các cá nhân tổ chức vi phạm để đánh giá chiến dịch chống tham nhũng một cách tổng quan nhất.
Hai dữ liệu gần đây nhất được thu thập dựa trên hai báo cáo vào tháng Sáu và tháng Tám, 2018 do chính Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc công bố.
Từ giai đoạn 2014-2016 đến giai đoạn 2016-giữa 2018, có thể thấy số lượng Đảng viên bị kỷ luật đã tăng lên đáng kể, gần 7000 Đảng viên, tổ chức Đảng bị kỷ luật cũng tăng lên 140 tổ chức.
Số Đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái chênh lệch không quá nhiều.
Tuy nhiên để nói đây là chiến dịch chống tham nhũng trong hai năm qua là lớn nhất về quy mô và số lượng Đảng viên bị kỷ luật thì có lẽ không chính xác.
Nếu xét với số liệu năm 2013 (trừ ra từ số liệu 2013-2018 và 2014-2018), thì thực tế số lượng Đảng viên bị kỷ luật, nhất là vì tham nhũng, cố ý làm trái vào hai giai đoạn sau đều không bằng.
Chỉ riêng 2013, đã có tới 19.542 Đảng viên bị kỷ luật, trong đó có 1.580 người bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái.
Cũng vẫn theo Trưởng Ban Nội chính TW Phan Đình Trạc, tổng số Đảng viên bị kỷ luật trong 5 năm qua là 77.662 trên tổng số khoảng 4,9 triệu Đảng viên, tức chỉ chiếm 1,6%. Trong đó có 4.300 bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái, tức chỉ 0,09%.
Con số này có thực sự phản ánh thực tế? Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS thì “thiên về quan điểm cho rằng đó chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm”.
Có một thực tế phải là tất cả số liệu trên do phía chính quyền công bố mà không có bất kỳ một tổ chức nào có thể đứng ra kiểm chứng một cách độc lập, hầu hết chỉ mang tính chất tham khảo.
Trong những năm qua, các số liệu về chiến dịch chống tham nhũng được công bố một cách rời rạc, không nhất.
“Với một hệ thống tương đối là đóng và không có trách nhiệm giải trình, không minh bạch về con số báo cáo, con số hệ thống, thì rất khó để định giá xem là liệu con số Đảng viên bị kỷ luật là lớn hay nhỏ,” Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách VERP nói.
Tuy nhiên cần phải chỉ ra rằng nhiều Đảng viên không nắm giữ vị trí lãnh đạo, tức ít cơ hội cũng như điều kiện để tham nhũng, cố ý làm trái.
*Nhiều vụ án vẫn đang tiếp tục xét xử, như vụ việc Vũ Nhôm, Rikvip, Mobifone-AVG … khiến hình thức xử lý, kỷ luật các cán bộ Đảng viên dựa trên thông tin có được vào thời điểm bài viết được đăng. BBC sẽ tiếp tục cập nhật thông tin các vụ việc.
Nhìn trên biểu đồ trên, không phải bong bóng lớn nào cũng nằm trong hạng mục tù giam hay hạng mục tử hình. Nói lên một điều rằng không phải sai phạm lớn, hình thức xử lý, kỷ luật cũng tương đương.
Cụ thể các vụ sai phạm trong vụ Mobifone-AVG, gây thiệt hại khoảng 8000 tỷ đồng, gấp 4 lần vụ Oceanbank, tuy nhiên chưa một quan chức, cán bộ nào chịu hình phạt xử lý hình sự.
Trong khi đó, cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đã chịu tổng cộng 31 năm tù giam cho hai vụ án tham nhũng cố ý làm trái liên quan đến PVN.
Cựu chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm chịu bản án chung thân còn Nguyễn Xuân Sơn thì chịu hình phạt cao nhất là tử hình, với vai trò của ông là Tổng giám đốc Oceanbank trong vụ Oceanbank.
Một mũi tên trúng hai đích?
Không ít trong các vụ đại án tham nhũng trên liên quan đến những cái tên “được cho là tay chân thân cận” của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, trong 10 năm cầm quyền, ông Dũng cũng có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế Việt Nam nhưng trong đó, ông cũng đã để lại nhiều di sản không tốt cho đất nước.
Như ngoài các gánh nặng nợ nần, các doanh nghiệp kém hiệu quả, một vấn đề khác là tình trạng tham nhũng nảy nở lan rộng từ 2006-2016, diễn ra tình trạng sự liên kết giữa các chính trị gia và doanh nghiệp để bòn rút các tài sản công của nhà nước, hay là các công ty sân sau của các lãnh đạo, qua đó nhiều quan chức sa ngã vào các hoạt động phạm pháp.
“Trong chiến dịch, vừa rồi có nhiều quan chức có thể được xếp là có quan hệ gần gũi với ông Dũng đã ‘ngã ngựa’, trở thành nạn nhân của chiến dịch này.
Đập chuột là chống tham nhũng, không vỡ bình là để không làm sao ảnh hưởng đến sự cầm quyền của ĐCS VN. Chống tham nhũng quyết liệt quá thì bộ máy sẽ sứt mẻ, dẫn đến sự mất đoàn kết, gây ra chống đối làm ảnh hưởng đến sức mạnh của nhà cầm quyền.
Lê Hồng Hiệp, Nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS
“Tiêu biểu là ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính trị, giờ đã lĩnh án tù tương đối dài.
Thứ hai là các vụ việc ở tập đoàn Mobifone với AVG cũng có những quan chức được coi là thân thiết với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn…,” ông Hiệp nói.
Nhưng theo ông Hiệp, cũng nên thận trọng không nên kết luận rằng chiến dịch chỉ nhắm vào tay chân đồng minh thân tín của ông Dũng mà các vụ án còn có các đối tượng bị truy tố, xét xử đa dạng như quan chức chính phủ, doanh nhân, tướng lĩnh quân đội công an đến các quan chức ở các cấp độ ở trung ương đến địa phương...
“Có bằng chứng xác lập rằng những người này đã có các vi phạm tham nhũng thực sự.
“Tôi nhận định đây là một cuộc chiến có động cơ chủ yếu giảm mức độ tham nhũng trong bộ máy… Đương nhiên, trong quá trình có mục tiêu thứ yếu hơn là tìm cách để thanh lọc loại bỏ các đối thủ chính trị và củng cố quyền lực cho ông Trọng và đồng minh.”
“Một mũi tên trúng hai đích, đích quan trọng nhất vẫn là giảm tình trạng chống tham nhũng trong Đảng,” ông Hiệp đánh giá.
Liệu có đã khắc phục được lòng tin?
Các nhà quan sát nhận định nhìn chung chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng có đạt được một số thành công đáng kể, đặc biệt là lần đầu tiên trong lịch sử một ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Giang nói phần lớn mức kỷ luật cộm cán chủ yếu ở cấp Trung ương, cấp tỉnh.
“Một vấn đề cũng khá quan trọng đó là việc xử lý kỷ luật cán bộ cấp sở, cấp xã cấp huyện, đây là những người trực tiếp tác động đến người dân.
“Có thể quy mô tham nhũng ở cấp dưới không lớn như cấp cao, tuy nhiên trực tiếp tác động lâu dài và mang tính tiêu cực đến cảm nghĩ của người dân về Đảng.”
“Trong thời gian xử lý các cán bộ cấp cao thì nên minh bạch, đẩy mạnh xử lý các lãnh đạo cấp cơ sở, kết hợp cả hai để tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh.”
Có thực sự giải quyết được vấn nạn tham nhũng?
Các nhà quan sát đều cho rằng chiến dịch tham nhũng tuy quy mô, đạt một số thành công nhưng vẫn chưa thể thực sự khiến hệ thống minh bạch hơn.
“Theo quan điểm tôi thì chiến dịch chống tham nhũng tạo ra một bàn đạp rất là lớn, từ đó các cấp lãnh đạo đưa ra đề xuất, cải cách, giải pháp cho hệ thống, đảm bảo cái tính minh bạch,” Nguyễn Khắc Giang nói.
Trung Quốc và Việt Nam không thực sự cam kết muốn loại trừ tham nhũng, vì tham nhũng chính là nhiên liệu giúp vận hành hệ thống chính trị của họ.
Zachary Abuza, nhà nghiên cứu Đông Nam Á từ National War College, Hoa Kỳ
“Chiến dịch này chỉ thành công dài hạn nếu nó đảm bảo rằng thể chế sẽ tự chạy hệ thống chống tham nhũng sẽ tự chạy, và nó cần có sự giám sát của người dân, của các hội, các cơ quan kiểm tra độc lập và với cơ chế đóng hiện tại thì rõ ràng không thể thực hiện được.”
“Nếu nhìn vào thảo luận của Quốc hội thì Quốc hội cũng đang hướng tới điều này, tức là tăng cường nhiều mạnh hơn việc các bên thứ ba, qua tổ chức xã hội và qua người dân. Nếu chỉ chống bằng con đường từ trên xuống, bằng bàn tay thép thì tôi nghĩ là không hiệu quả lâu dài.”
Trong khi đó, chuyên gia Abuza Zachary, National War College thì nói rằng ông “không thấy chiến dịch chống tham nhũng này thành công trong việc biến đổi nền kinh tế Việt Nam và giải quyết tình trạng tham nhũng.”
“Trung Quốc và Việt Nam không thực sự cam kết muốn loại trừ tham nhũng, vì tham nhũng chính là nhiên liệu giúp vận hành hệ thống chính trị của họ.”
“Chừng nào nhà nước còn có quá nhiều sự kiểm soát đối với nền kinh tế, đối với tài sản công, khả năng tiếp cận vốn, với đất đai... chừng nào mọi quyết định về kinh tế vẫn còn tùy thuộc vào sự ảnh hưởng của đảng thì, anh vẫn sẽ có tham nhũng.
“Chừng nào anh không cho phép một nền báo chí tự do điều tra các vụ việc tham nhũng và kiểm duyệt mạng xã hội, chừng nào cái chế độ luật lệ hà khắc đối với việc phản đối ôn hòa nơi công cộng thì anh sẽ vẫn còn tham nhũng.
“Đó là lý do tại sao tôi rất hoài nghi rằng bất cứ điều gì ông Trọng đang làm là thực sự để làm sạch tình trạng tham nhũng trong nền kinh tế chính trị của Việt Nam.”
Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ tiếp tục
Vào 23/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức nhậm chức Chủ tịch nước Việt Nam, sau khi đạt được tỷ lệ phiếu bầu 99,79% từ các đại biểu Quốc hội.
Điều này có thể thay đổi hoàn toàn thế cục của cuộc chiến chống tham nhũng với trong khi mọi tham vọng quyền lực đang hướng về Đại hội Đảng lần thứ 13.
“Sau khi được bầu giữ chức chủ tịch nước, ông Trọng càng có nhiều quyền lực hơn và cấu trúc quyền lực dưới sự lãnh đạo của ông cũng mang tính tập trung hơn,” Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói.
“Điều này ở một mức độ nhất định có thể có lợi cho cuộc chiến chống tham nhũng, nhất là khi người lãnh đạo cuộc chiến đó lại chính là ông Trọng,”
Cụ thể hơn là theo ông Nguyễn Khắc Giang, giờ đây với tư cách chủ tịch nước, ông Trọng sẽ phần nào nắm bắt được hoạt động của bên hành pháp và lập pháp.
Chưa thể đánh giá được quy mô và mức độ xử lý, nhưng các sự việc trong hai năm qua cho thấy ông Trọng giữ lời hứa trong việc nói ‘không có vùng cấm’ trong chống tham nhũng.
Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách VERP
Quyền lực hiến định của Chủ tịch nước - cùng với chức danh Tổng Bí thư - cũng cho phép ông Trọng củng cố ảnh hưởng trong quân đội và công an.
Trong khi đó Abuza Zachary cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng chắc chắn sẽ được tiếp tục nhưng là để củng cố quyền lực của Đảng, cụ thể là của phe ông Trọng.
“Ông Trọng và các đồng minh của ông ta đang sử dụng nó cực kỳ hiệu quả để loại bỏ các đối thủ trong Ủy ban Trung ương.
“Ông Trọng đang ở một vị trí không thể đánh bại trong bối cảnh hướng tới Đại hội đảng lần thứ 13, và ông ta sẽ muốn đảm bảo rằng người học trò của mình, Trần Quốc Vượng, tiếp nối mình.”
“Tôi chắc chắn Trọng đã không thúc đẩy cho việc sáp nhập hai vị trí nếu ông ta không tự tin về điều này.”
Có lẽ mức độ thành công của chiến dịch này tới đâu thì cần phải xem xét thêm, nhưng không thể phủ nhận Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra một hình ảnh, có hành động rất cụ thể để diệt trừ tham nhũng trong bộ máy, những bản án được đưa ra cho thấy một chiến dịch thực chất chứ không chỉ là khẩu hiệu sáo rỗng.
Nhưng có xây dựng được một cơ chế mà nó sẽ thành công, sẽ tiếp tục với một vị lãnh đạo khác hay không, có lẽ tất cả vẫn sẽ vẫn phải chờ xem.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét