Sự tức giận như ngọn lửa thiêu cháy hết mọi điều tốt đẹp
Aristotle từng nói: “Bất cứ ai cũng sẽ tức giận, người ta rất dễ phát hỏa; nhưng muốn giận đúng người, đúng lúc, đúng cách thì chẳng hề dễ dàng.” Quả thực, khi đang tức giận, rất khó để có thể kiềm chế được sự kích động.
Khi bị người khác khiêu khích, chúng ta tự nhiên sẽ muốn đáp trả lại và công kích đối phương. Có người hết lần này đến lần khác phạm lỗi khiến bạn không nhịn được nữa mà phát hỏa. Lúc đáp trả ấy, có thể bạn sẽ có cảm giác thoải mái, nhưng sau đó thì sao? Liệu bạn có hối hận không? Liệu có được kết quả trọn vẹn không? Liệu có giải quyết được vấn đề chăng? Liệu mối quan hệ với người khác có tốt hơn hay ngược lại?
Kết quả của sự tức giận luôn đáng sợ hơn nguyên nhân
Từng có một người phụ nữ viết thư cho tác giả Dale Carnegien vì câu chuyện về Tổng thống Lincoln mà ông nói trên đài, rất nhiều mốc thời gian được nhắc đến trong thư đều sai.
Người phụ nữ ấy rất thần tượng Lincoln, vì vậy nên đã viết một lá thư đầy tức giận: “Nếu ông không biết cả tiểu sử cơ bản nhất của ngài Lincoln thì đừng lên đài, đây là một sự sỉ nhục đối với ngài Lincoln. Nếu ông không đọc đủ tài liệu, tốt nhất hãy tìm kiếm trước khi bắt đầu nói.”
Khi đó, Dale Carnegien đã rất nổi tiếng rồi, ông từng viết rất nhiều quyển sách bán chạy. Ông cảm thấy mình bị xúc phạm nên vô cùng tức giận, lập tức gửi một lá thư với giọng văn tương tự để đáp trả. Khi viết xong thư, ông đang định nhờ nhân viên chuyển thư đi thì phát hiện đã quá giờ làm và không còn ai ở lại. Ông để lá thư trên bàn, dự định sáng mai sẽ gửi đi.
Đến sáng, khi chuẩn bị gấp lá thư vào phong bì, ông đọc lại, nghĩ thầm: “Mình tức giận quá mức rồi, người phụ nữ kia đâu có viết như thế này, cô ta không đáng để mình tức giận như vậy.” Hơn nữa, xét về mặt nào đó, những gì cô ta nói cũng có lý. Do đó, ông xé lá thư đó đi và lại viết một lá thư hoàn toàn khác.
Trong thư không hề có sự tức giận, mà ngược lại ông còn cảm ơn người phụ nữ kia đã giúp ông biết điều gì không đúng. Sau đó, ông lại nghĩ: “Nếu trong vòng 12 tiếng mà có thể thay đổi nhiều đến thế, vậy sao mình không đợi vài ngày nữa, trước tiên khoan vội gửi lá thư này đi.”
Ông đã làm một cuộc thí nghiệm, ông lại để lá thư lên bàn, đến tối đọc lại, ông lại muốn sửa vài chữ trong thư. Đến ngày thứ 7, nó đã biến thành một lá thư tràn đầy sự hòa ái.
Dale Carnegien cho biết: “Sau này, thực tế đã chứng minh người phụ nữ đó rất tốt. Cô ấy là một trong những người bạn tốt nhất của tôi. Nếu khi đó người làm vẫn chưa tan sở hết, lá thư ban đầu được gửi thì sự việc sẽ ra sao? Hẳn là tôi sẽ có thêm một kẻ thù.”
Đừng xem sự tức giận là đương nhiên, bạn có thể làm nó tan biến
Trong “Kinh Do Thái” có viết: “Con người ta sẽ phạm sai lầm khi tức giận.” Kinh Tân Ước “Philemon” cũng có nói: “Con người đều điên cuồng khi tức giận.” Dù nguyên nhân là gì, khi bạn tức giận, không kiểm soát lời nói, có thể sẽ gây tổn thương cho người khác, hủy hoại tình bạn, thậm chí làm những việc khiến bản thân hối hận cả đời.
Theo thống kê, đa số các vụ tai nạn giao thông xảy ra đều do tức giận, kích động. Hôn nhân tan vỡ cũng do tranh cãi không ngừng. Những người dễ tức giận chết sớm hơn cả hút thuốc, uống rượu, cao huyết áp, cholesterol cao. Kết quả của sự tức giận luôn đáng sợ hơn nguyên nhân của nó. Nếu bạn vào nhà tù hỏi thử thì hơn phân nửa số họ đều sẽ nói với bạn rằng: “Nếu khi đó tôi không kích động đến thế thì bây giờ cũng sẽ không bị ngồi tù rồi.”
Những hành động khi tức giận đều dẫn đến hậu quả khôn lường. Vì vậy, tuyệt đối đừng kích động. Trước tiên hãy bình tĩnh lại, thử đợi một khoảng thời gian xem thử ngày hôm sau có cảm giác thế nào. Đến khi bạn nhìn lại, tin rằng bạn sẽ tự nói với mình rằng: “Mình rất vui vì hôm qua không nổi nóng, không quyết định bất cứ điều gì.” Cảm giác này tốt hơn sự tức giận gấp trăm ngàn lần.
Cái gọi là “khôn ngoan” chính là tiếng nói trong lòng khi bạn bình tĩnh, vui vẻ. Hãy nhớ kỹ, tuy nổi nóng thoải mái hơn giữ trong lòng, nhưng bình tĩnh mới là thượng sách. Đừng xem sự tức giận là lẽ dĩ nhiên thì trong lòng bạn mới có lý do để làm nó tan biến.
Ba cách bình ổn tâm trạng
1. Tự hỏi mình việc này có thật sự quan trọng vậy không? Một khi bạn suy nghĩ một cách lý trí thì sẽ phán đoán được liệu mình có “làm lớn chuyện” hay không.
2. Việc này có cần phải tức giận vậy không? Nổi giận có tác dụng chăng? Đặt ra những câu hỏi này và tự trả lời có thể giúp bạn giảm cơn tức giận hoặc trực tiếp làm nó tiêu tan.
3. Hiện tại còn có những việc ý nghĩa nào khác mình cần phải làm hơn? Bạn có thể ra ngoài chạy vài vòng, chơi bóng rổ, quét dọn nhà cửa, trồng rau hay cây cỏ, hoặc biến tức giận thành sức lực, làm một số công việc nào đó để hạ hỏa khí.
Yến Nhi / Trithucvn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét