....với tỷ lệ tử vong gấp gần 20 lần phần còn lại của Trung Quốcbởi anle20 |
Tỷ lệ tử vong vì cúm ở Hồ Bắc là 3,1% trong khi phần còn lại của Trung Quốc chỉ là 0,16%.
Bà của Zhang Yaru, một nhạc sĩ, chết hôm 3/2 sau khi rơi vào tình trạng hôn mê. Bà liên tục từ chối vào bệnh viện.
John Chen, một người vừa tốt nghiệp đại học, tuyệt vọng tìm sự giúp đỡ cho mẹ mình. Bà bị sốt cao nhưng không còn đủ sức đứng xếp hàng dài nhiều giờ để chờ xét nghiệm trong bối cảnh virus đang hoành hành trong thành phố của họ.
Ở bệnh viện, một bác sĩ chuyên khoa hô hấp chỉ được ngủ vài tiếng mỗi ngày liên tục trong 2 tuần qua.
Cảnh hỗn loạn và tuyệt vọng được nhìn thấy hàng ngày ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nơi 60 triệu người đang bị cô lập vì virus corona chủng mới, được biết đến với cái tên 2019-nCoV. Ca bệnh đầu tiên được xác định vào tháng 12/2019 và liên tiếp gieo rắc nỗi hoang mang cho người dân Trung Quốc và thế giới với 565 trường hợp tử vong cùng hàng chục nghìn người nhiễm bệnh.
Trong khi dịch bệnh lan ra khắp toàn cầu, sự hoành hành của virus được cảm nhận rõ nhất ở Hồ Bắc, Trung Quốc, nơi chiếm 97% tổng số trường hợp tử vong và 67% tổng số bệnh nhân nhiễm cúm. Mỗi ngày, số người chết và nhiễm bệnh lại tăng lên, cho thấy hệ thống y tế địa phương đang quá tải. Ngay cả những chăm sóc cơ bản nhất người bệnh cũng không được hưởng.
Hồ Bắc đang lâm vào khủng hoảng theo đúng nghĩa. Việc tỉnh 60 triệu dân bị cô lập hoàn toàn từ ngày 23/1 nhằm ngăn chặn virus lây lan khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Tỉnh, nổi tiếng với các nhà máy sản xuất xe hơi, đang phải trả giá đắt. Tỷ lệ tử vong vì cúm ở đây là 3,1% trong khi phần còn lại của Trung Quốc chỉ là 0,16%.
"Nếu Hồ Bắc không bị phong tỏa, người dân ở đây sẽ đi khắp Trung Quốc nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ về y tế, biến cả đất nước thành một ổ dịch. Việc phong tỏa khiến Hồ Bắc gặp rất nhiều khó khăn nhưng đó là điều phải làm. Giống như trong một cuộc chiến, có những điều rất khó khăn nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện", Yang Gonghuan, cựu quan chức cấp cao của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc cho biết.
Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, là nơi ở của 11 triệu người. Đây là thành phố cấp 2 của Trung Quốc, có nghĩa là nó rất phát triển nhưng vẫn thấp hơn một chút so với các đô thị như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Các bệnh viện ở đây được đánh giá là tốt nhưng trang thiết bị vẫn kém hơn so với các thành phố cấp 1.
Trong những ngày đầu phát hiện virus, chính sự không quyết đoán của chính quyền địa phương đã khiến virus lây lan ra cộng đồng theo cách không ngờ. Trong khi dịch bệnh có dấu hiệu lây lan từ người sang người, chính quyền địa phương vẫn cho phép các sự kiện cộng đồng quy mô lớn diễn ra. Chỉ tới khi gần nghỉ Tết Nguyên đán, các biện pháp mạnh tay với dịch bệnh mới được triển khai. Tuy nhiên, nó đã quá muộn.
Zeng Yan, giáo sư tại trường y khoa thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán cho biết, dịch bệnh giống như một cơn mưa bất chợt khiến Vũ Hán mất cảnh giác. Ngay cả khi 110 giường bệnh đặc biệt được bố trí, chúng ngay lập tức rơi vào tình trạng thiếu hụt. Ngày 23/1, Vũ Hán đóng cửa thành phố nhằm ngăn virus lây lan ra bên ngoài. Cả tỉnh Hồ Bắc cũng nhanh chóng đóng cửa.
Trùng với dịp nghỉ Tết truyền thống, hỗn loạn xảy ra. Do phần còn lại của Trung Quốc đang nghỉ Tết nên việc cung cấp các thiết bị y tế thiết yếu, bao gồm khẩu trang, áo bảo hộ và thuốc khử trùng đến các bệnh viện của Vũ Hán bị chậm trễ.
"Chúng tôi được khuyến cáo sử dụng khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ một cách tiết kiệm cũng như tránh uống nước để không phải đi vệ sinh. Việc đi vệ sinh đòi hỏi phải thay quần áo bảo hộ", một bác sĩ trực tiếp chiến đấu với nCoV tại Vũ Hán chia sẻ trong điều kiện giấu tên.
Gia đình Ding Ze sở hữu một công ty kính mắt tại Trung Quốc. Ông cho biết việc giao kính bảo hộ y tế của họ tới Vũ Hán bị trì hoãn 10 ngày. Họ gửi ngày 25/1 và dự kiến đến bệnh viện vào ngày 2/2 nhưng đơn hàng này bị chậm khi tỉnh Hồ Bắc tiến hành các hoạt động kiểm dịch nghiêm ngặt.
Nhằm khắc phục tình trạng này, Trung Quốc đã kích hoạt 8 chuyến vận tải hàng hóa vào ngày 2/2 để đưa 58 tấn vật tư tới Vũ Hán. Thế giới cũng đang quyên góp mạnh mẽ cho nơi đây trong bối cảnh thiếu hụt vật tư y tế nghiêm trọng. Thảm cảnh ở Vũ Hán khiến cả thế giới không thể quay lưng bởi giúp đỡ Vũ Hán là giúp đỡ chính họ thoát khỏi nguy cơ dịch bệnh.
Từ 23/1 đến 4/2, số ca tử vong chính thức ở Hồ Bắc đã tăng tới hơn 25 lần và tiếp tục tăng trong những ngày sau đó. Số người tử vong thực tế có thể cao hơn bởi nhiều người chết khi chưa được chuẩn đoán.
Bà của Zhang Yaru từ chối vào viện từ cuối tháng 1 vì những triệu chứng rất nhẹ. Tuy nhiên sau đó, bà rơi vào hôn mê rất nhanh và qua đời khi chưa được chuẩn đoán. "Bà chẳng trăng trối điều gì trước khi mất. Có lẽ, bà không biết chuyện gì đã xảy ra. Gia đình chúng tôi bị dồn vào một góc, tuyệt vọng bởi tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh. Ông tôi đã có những triệu chứng tương tự", Zhang chia sẻ.
Trong khi số trường hợp nhiễm bệnh tại Hồ Bắc đang tăng lên hàng nghìn người mỗi ngày thì số ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc đang chậm lại, một dấu hiệu cho thấy việc cô lập Hồ Bắc có lẽ đã có tác dụng.
"Việc kiểm dịch là điều cần phải làm để ngăn bệnh lan ra diện rộng. Một số người có thể nói rằng Hồ Bắc đã bị hy sinh nhưng thực sự, nó giúp ngăn chặn lây lan ra những nơi khác", một bác sĩ bệnh viện Nhân dân số 3 ở Hồ Bắc chia sẻ.
Tuy nhiên, nơi đây không bị bỏ rơi. Hiện tại, hơn 8.000 nhân viên y tế từ khắp Trung Quốc đã tới Hồ Bắc, chủ yếu là 27 bệnh viện ở Vũ Hán, để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm cúm. Phần còn lại đã tới các thành phố nhỏ hơn. Hai bệnh viện mới, với tổng số 2.600 giường, đã được hoàn thành trong 10 ngày bởi 2.000 công nhân nhập cư. Sân vận động, văn phòng và khách sạn đang được chuyển đổi thành các khu vực cách ly.
Dẫu vậy, những khó khăn nhất của Vũ Hán vẫn ở phía trước.
Tham khảo: Bloomberg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét