Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2019

VÔ CÙNG TỰ HÀO (?!) BÓNG ĐÁ GIUSE

Vừa xem xong trận đấu đội bóng đá nữ Việt Nam chiến thắng Thái Lan giành vô địch AFF women champion cup 2019. Khoái quá!
Tôi nhớ những trận đá banh ngày xưa còn bé, lục tìm bài đã viết từ năm ngoái, đăng lên Jostaru, ôn lại chuyện cũ, nhắc nhớ kỷ niệm cho mình trẻ ra và mình gắn kết nhau hơn trong tình “Taru”:
VÔ CÙNG TỰ HÀO (?!) BÓNG ĐÁ GIUSE
Năm nay, 2018, cả thế giới rộn ràng với World Cup. Nước Pháp Vô Địch! Cổ động viên “quốc tế” mang cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác, hò hét khan cổ đổ giọng trên các khán đài sân vận động ở những nước xa lắc xa lơ. Họ cũng vinh dự ăn ké niềm tự hào của những người chiến thắng. Tôi không hiểu các anh chàng gà trống Gô Loa có biết “gáy” hay không? Nước Phú Lãng Sa thì ở xa mãi tận đâu đâu, tôi không nghe thấy. Chứ người ở đây, chưa được bao nhiêu... đã làm tôi đinh tai nhức óc. Gà mái cũng “gáy” huống hồ gà cồ.
Việt Nam đang được mùa bội thu bóng đá. Mới ôm được cu... úp bạc Asiad đã có mấy em sướng rên, sướng ngất... tuột luốt áo quần chạy rông rông ngoài phố. Nếu, rủi ro “cái đó” mà lên màu vàng thì không biết các em sẽ làm thêm cái trò khỉ gì đây. Các ông nhà báo, cơ hội này, múa mỏ một cách rất ư... không tự biết mình: “Việt Nam đặt cả Châu Á dưới chân bằng chiến thắng để đời”.
Bóng đá hôm nay người ta đá bằng tay, bằng chân, bằng đầu, bằng miệng, bằng tiền, bằng cái mả cha nó... miễn là ghi được bàn, miễn là có chiến thắng.
Như vậy, người ta nói người ta yêu bóng đá. Nhiều người chẳng biết giáp ất gì về “phút bôn”, chưa bao giờ xem xong một hiệp đấu. Nhưng, khi nghe tin Việt Nam thắng được một trận hoặc một phen “thua ngẩng cao đầu bước rời sân cỏ”, thì họ lật đật xuống đường, hoà nhập vào cơn bão điên cuồng... Vô cùng tự hào đất nước ta ơi! Rưng rưng nước mắt như có bác trong ngày đại thắng.
Yêu bóng đá là yêu cu... úp bóng đá. Có kẻ cả gan nói bậy: “yêu bóng đá là yêu nước” (gần giống với câu: yêu nước là yêu CNXH). Đừng nói dóc, đừng may ngón tóc. Có yêu thì đá, mà phải biết đá, càng biết đá càng khám phá ra sự diệu kỳ trong mầu nhiệm của tình yêu.
Tôi không yêu bóng đá. Tôi không ăn bóng đá, ngủ bóng đá, ... Tôi chỉ thích xem những trận cầu hay, những pha bóng đẹp.
Ngày xưa còn bé, chúng tôi cũng đã rất vô cùng (!) say mê xem bóng đá. Không, ngày ấy không nói ‘bóng đá’ mà nói: đá banh - túc cầu - bóng tròn... Tôi yêu thích đội bóng của dòng Thánh Giuse thời điểm năm 1970 đến năm 1973.
Lúc tôi mới nhập dòng, sân đá banh Giuse mọc đầy gai ác hầu (hay yết hầu?). Sau cầu môn, hướng gần nghĩa địa, là một bãi rộng toàn cây ma dương có nhiều trái màu xanh xanh vàng vàng đỏ đỏ chua chua chát chát ngòn ngọt.
Ban đầu, tôi chỉ ra sân bóng khi muốn ăn vặt. Đi tu đâu dễ gì được ăn vặt. Nhưng, thầy giám thị dễ gì biết chúng tôi ăn vặt cái gì, lúc nào, ở đâu. Vì vậy, tôi theo mấy tên Ba Làng Heo: Nguyên thẹo, Lâm đê, Liên, Khang, Nhan, Trực... chỉ có tụi nó mới biết giá trị của trái ma dương và chỉ có tụi nó mới có khả năng đá bay trái banh đến chỗ cần đến. Tôi, Hùng lắc, Thành Da... chạy đi lượm banh, lượm lặt luôn những trái màu đỏ, màu vàng rồi chia nhau ăn, vô cùng (!) thích thú. Không có những trái banh ngỡ như lầm đường, chúng tôi đâu dám liều lĩnh đi lạc vào bãi ma dương (sợ roi thầy Francois, sợ cái chìa khoá to tướng của thầy Germain)
Thời ấy, giờ ra chơi, tôi học đàn guitar. Thỉnh thoảng, tôi chơi bóng rổ - bóng chuyền - bóng bầu dục (chơi tự do, biết gì luật lệ) - bóng chày (phang gậy vào bóng kêu bịch bịch, chán phèo) và rất ít khi chơi bóng đá. Thực ra, chỉ có những đứa “cắc ké kỳ nhông” khi không tranh giành được một chỗ chơi trên sân basket hoặc volley thì mới lủi thủi đi chơi đá banh ở một góc sân. Chỗ không có gai.
Nhà đệ tử có ba sân bóng rổ (một sân xi măng và hai sân đất nện), ba sân bóng chuyền. Tôi chỉ thích chơi volley với Lê Lần, thằng bạn cùng lớp. Thích! vì tới lượt nó cù (xẹc vít), tôi luôn nhanh miệng nhắc nhở: cù... lần! cù lần! ... vì vậy, rất ít khi nó “xẹt” thành công. Nhiều lần như vậy, bực mình, nó đã không thèm bén mãng tới sân bóng chuyền, dù để nhìn. Sau này thầy Paul, giám đốc đệ tử viện, đã công bố sửa tên Lê Lần thành Lê Lân. Nhưng mãi tới già, chắc chắn Lê Lân khó thể làm được cú “xẹc vít” nào cho đáng mặt anh hào.
Tôi không phải là con nhà thể thao. Hai năm sau, lên lớp đệ tứ, tôi mới thật sự mê bóng đá. Mê xem người ta đá mà thôi, chứ mình chẳng thể chơi bời gì được, nhưng, tôi đã trở thành một thứ tifosi cuồng nhiệt.
Khởi đầu, năm 1970, ty giáo dục tổ chức giải túc cầu giao hữu giữa các trường thuộc khu vực Nhatrang. Sân bóng tròn của Trường Thánh Giuse, Bình Tân được chọn làm nơi thi đấu chính. Vì sân vận động tỉnh Khánh Hoà tạm thời cho họp chợ do Chợ Đầm bị cháy. Trường dòng lâm vào thế kẹt, tìm đâu cho ra cầu thủ đá banh trong đám học trò đã nỡ lòng để cho sân bóng mọc đầy gai ác hầu.
Những năm gần đó, nhà đệ tử Giuse chỉ có thể làm mưa làm gió trong làng bóng rổ. Mình có thể đương đầu basketball với đội bóng lính nùng già sạn đóng quân bên cạnh, chơi ngang ngửa với hải quân, không thua La San, hạ gục trường Kim Yến, xem Sao Biển như quân xanh trong huấn luyện, v.v... Còn bóng tròn, thời đó, nếu có lưu tâm tìm kiếm cũng chẳng thấy có ai bị coi là đối thủ nhẹ ký hơn mình.
Nhưng dù sao đi nữa, thế nào cũng phải tuyển ra một dàn cầu thủ đá banh cho trường Thánh Giuse. Giuse nào cũng là Giuse. Học sinh và cựu học sinh Kim Châu Bình Định cũng là Giuse. Thầy Etienne Tiên ôm vô lăng chiếc Landrover quen thuộc, hằng tuần đưa rước bảy tám vị cứu tinh cho sĩ diện túc cầu của Giuse Nhatrang.
Gà hai nhà Kim Châu và Nhatrang ráp lại thành một đội bóng không được trẻ trung gì lắm.
Xin giới thiệu: một cầu thủ nhỏ con lanh như tép, Remy Sự, người cùng lớp học với tôi (đệ tứ). Nhưng, trong lớp, ổng ngồi một mình một bàn, ở trên quay xuống, thao thao bất tuyệt. Tôi và các bạn khác, hai người trên một bàn, ở dưới nhìn lên, chăm chú chép ghi.
Đặc biệt, có hai vận động viên nổi tiếng: Ambroise Châu và Jean Baptiste Nhì. Chắc chắn hai mươi lăm năm trước đó, hai siêu sao này phải nói là hãy còn măng trẻ.
Còn nữa: Benoir Điều, Camille Tuân, Robert Một, Alphonse Anh... tất cả vẫn còn trắng trẻo, đẹp trai và sung sức, nhưng, đã qua lâu rồi thời cặp sách đến trường. Có nguồn mật báo nói rằng các chân sút này phải âm thầm cạo lông bắp cẳng, bắp đùi kẻo làm đui mắt các em nữ sinh trường bạn.
Cầu thủ lớn-năm-sinh nhất đang học lớp đệ lục, tên là Nguyễn Công Liêm (cha này dữ dội lắm, sẽ nói sau). Đội bóng mà lứa tuổi chênh lệch nhau hơn một phần tư thế kỷ đã làm nên một kỳ tích chưa từng thấy bên giòng sông lịch sử túc cầu Dòng Thánh Giuse.
Đội bóng này đã làm nên lịch sử vì những trận thắng liên tiếp thắng, thắng, thắng. Thắng như chẻ tre, thắng một cách khỏe re trước các đối thủ: Đăng Khoa, Võ Tánh, Kim Yến, Hưng Đạo...
Trận cuối cùng, các danh thủ lão tướng không quân Nhatrang phải dành hết lời ca ngợi khâm phục tài nghệ siêu bạt quần hùng của đội Giuse. Là trận đấu hữu nghị, cả hai bên không màng thắng thua. Mà nếu Giuse muốn thắng thì sẽ thắng một cách hết sức dễ dàng. Cho nên, các nghệ sĩ sân cỏ đã thản nhiên biểu diễn những tuyệt kỷ đi bóng, dắt bóng, rê bóng, vẽ bóng, lừa bóng, đội bóng. Những cú đá móc, đá mu, đá bàn, đá ngã bản đèn, đá gót... Những đường bóng xẻ dọc, tạt ngang, bay thẳng, bay cong, bay uốn éo.
Giuse chơi giỏi, chơi hay, chơi đẹp và rất FairPlay. Trái banh luôn “dừng bước Giang hồ” trong vùng cấm địa, phía trước bên ngoài khung thành đối phương. Bàn thắng ghi trong tưởng tượng của khán giả, trong cốt cách phong lưu và lịch sự. Giuse tuyệt vời! Quá sức tuyệt vời!
Đệ tử, thỉnh sinh, tập sinh, thầy trẻ, thầy già, những người giúp việc nhà bếp và nhà in, luôn cả dì Mến dì Dễ... tất cả mọi người trong dòng đều phấn khích, đều hào hứng, đều hoà nhập trong bầu khí sôi động của giải bóng đá kéo dài chỉ có một tháng.
Đội bóng này đã làm nên lịch sử.
Cùng với lòng ngưỡng mộ cao độ đối với các anh tài xuất chúng nhà mình, tình yêu bóng đá trồi dậy. Yêu thì phải đá. Thế là phong trào đá banh nổi lên rần rật, lan tràn khắp nơi. Sân basket trở thành sân bóng đá, sân bóng chuyền cũng trở thành sân bóng đá, ngay cả đường đi bề rộng ba bốn mét cũng trở thành nơi đá bóng.
Các anh cầu thủ Kim Châu cùng đá banh với các em đệ tử Nhatrang. Các anh dạy cho các em những kỷ thuật tâng bóng, dừng bóng, đá xoáy bóng, đá thẳng, đá méo... và rất nhiều bài học cần thiết khác. Các anh chơi biểu diễn những trận volley mà đôi tay người chơi buộc phải chắp sau đít, chuyền bóng chỉ bằng đầu. Nhiều trận chỉ bằng chân.
Hằng tuần, đàn em rạo rực mong chờ thần tượng bóng đá đến với mình. Hằng tuần mọi người mãn nhãn với những trận đấu đẳng cấp “năm bò quanh”. Rồi, trò trò đá banh, thầy thầy đá banh, lớp lớp đá banh, người người đá banh, nhà nhà đá banh...
Trong khí thế hừng hực tình yêu bóng đá, thầy giám đốc Paul Định liền tổ chức thi đá banh cho các lớp với nhau trong Nhà Đệ Tử. Tôi không nhớ thể thức thi đấu kiểu gì mà lớp đệ tam, lớn nhất nhà, gặp phải lớp đệ thất, nhỏ nhất nhà. Nhục nhã cho đàn anh, lớp lớn thua tả tơi, thê thảm! Hoài An - Nguyễn Vang - Nguyễn Lộc - Bùi Xuân Quang - ... chịu không nổi những đôi chân thoăn thoắt và những đường banh lắt léo của những thằng em Điệp - Thuận - Đặng - Đức -... “Bình luận viên” Venard Bá nhìn thấy mấy thằng con to đầu, nhiều lần, đá trật lất trái banh. Thầy nhắm mắt ngước mặt lên trời nén chặt tiếng cười để rặn ra câu: đá... đá... đá khí! Nhờ vậy, không gian đầy ắp những niềm vui.
Còn lớp tôi, đệ tứ đụng độ với đệ lục. Không giống như mấy con “chicken die” đệ tam, chúng tôi hùng dũng ra sân với dàn cầu thủ thứ thiệt dân Ba Làng. Tụi nó đã từng nổi đình nổi đám trên bãi biển quê nhà. Tụi nó đã nhiều lần tung những cú sút xa và chính xác đến tận... bãi ma dương. Nhắc đến ma dương, tôi rất nhớ thủ quân Nguyễn Văn Dương. Tên này học rất giỏi, đá banh rất hay, từng là là cầu thủ xuất sắc thời nó còn học bên nội trú Phanxico. Thủ môn dẻo nhẹo là Nguyễn Văn Hoàn. Ba hậu vệ to con lớn xác: Nguyễn Hưng Minh Hương, Phạm Hồng và Nguyễn Hữu Lại. Vị trí “đờ-mi-cua” có Nguyễn Đức, cái tên chuyên phá xạo và khuấy rối, làm hỏng ăn những pha bóng rất bở của đối phương. Đội bóng đệ tứ “ghê gớm” đến như vậy nhưng vẫn không thắng nổi đội của Liêm, Vân, Lộc, Tâm, Trạng, Gương... là những tên tuổi sẽ làm nòng cốt cho đội Song Én lừng danh sau này.
Năm tiếp theo, niên khoá 1971-1972, thầy Camille Đặng Phan Tuân đã thành lập một đội bóng quy tụ những tất cả những tinh hoa bóng đá của nhà đệ tử. Than ôi! lớp đệ tam tôi, không có em nào xứng đáng để được đoái hoài. Lớp đệ tứ, nói ra đừng buồn, Minh Chuối à! các bạn bị liệt vào hạng vô danh tiểu tốt trong làng bóng tròn nhà Cha ta.
Đại uý Vĩnh Thọ, phi công lái máy bay A37, là một thành viên trong đội bóng không quân. Ông đã từng bị hớp hồn khi đụng trận với Giuse trong giải đấu năm ngoái. Năm nay, bị thương ở bàn tay, hết lái máy bay. Ông lập sẵn một đội bóng thiếu nhi mang tên Sao Việt rồi chủ động rủ rê Tiểu Chủng Viện Sao Biển, Dòng Phanxico, Dòng Giuse, để cùng nhau tổ chức một giải bóng đá dành cho giới trẻ.
Thế là, tài nghệ của Ông Bầu kiêm Huấn Luyện Viên Camille Tuân được nhiều người biết đến. Tên tuổi của các cầu thủ nhí được người người tung hê. Tôi nhớ gần đủ danh sách tuyển thủ đội nhà: Liêm, Tâm (lép), Vân, Gương (pô lủi), Trạng, Lộc (lác), Thạch, Khánh Phước, Tân, Điệp, Thuận, Đức (đen). Không lâu sau có thêm Vĩnh, một nhân tài nhỏ tuổi nhất, chân cẳng rất khéo. Còn nữa... còn nữa... nhưng đành xin lỗi những bạn tôi không biết tên.
Đội bóng Đệ Tử Viện DTG được đặt tên là SONG ÉN (lưu ý: không phải là Song Yến. Con chim én nó mạnh mẽ hơn con yến)
Nhà dòng lại được sống trong không khí bóng đá sục sôi, gay cấn, hồi hộp. Đối thủ của năm nay không dễ chơi tí nào. Tuy nhiên, Giuse đang có sẵn một thứ công lực phi thường được bùng phát từ năm ngoái và tiếp tục tiếp tục định hình bản sắc, bản lĩnh của con cái nhà Bác Thợ Mộc.
Chơi với Sao Biển, mình khó thắng ở sân nhà và rất dễ thua trên sân khách. Các nhà bình luận phe ta bào chữa: Tiểu Chủng Sinh quen chơi trên sân cát, chạy trên cát, đi trên cát, làm cái gì cũng làm trên cát, rất nhẹ nhàng thanh thoát. Đệ tử Giuse, ngược lại, cả đời đi đứng chạy nhảy đều trên đất cứng. Cái gì của mình cũng cứng, cứng ngắt. Cho nên, chơi vùi đầu cắm cổ để có một bàn thắng thì gian khổ ải biết là chừng nào. Hơn nữa cũng không dám qua mặt đứa có thể sẽ làm cha. Nó mà “làm cha” thì mình sẽ “chết cha” đó, biết không?
Chơi với Sao Việt, mình phải kính nể khả năng quy tụ con năm cha bảy mẹ lại, lập thành một đội bóng đủ kỷ năng cần thiết, để có thể uy hiếp bất cứ đội bóng nào. Hồi đó, cái tên Sao Việt hoặc Sao Biển nghe thấy cũng hay hay. Hình như có ai nghi nghi chút chút về việc đại uý phi công Vĩnh Thọ bị cấm bay. Ngày VC chiếm Nhatrang, tôi thấy tên tuổi Nhà Văn Vĩnh Thọ trong danh sách Ban Quân Quản của phường... (không nhớ tên). Trước 75 tôi đã từng đọc bài viết của “văn sĩ” Vĩnh Thọ trên một tờ báo thể thao, có lẽ là Nguồn Sống. Đúng rồi, thế mới biết cái tên Sao Việt được đặt ra từ một hàm ý gì đó, bây giờ, cũng không khó gì để hiểu.
Chơi với Phanxico, mình dễ chịu hơn xí đỉnh. Họ có một Tường Thuật Viên rất tài hoa, theo kiểu của Huyền Vũ. Mỗi lần trận đấu diễn ra, ông cất giọng oang oang lưu loát, ông công khai cổ động hết mình cho đội bóng nhà ông. Sâm Gù đã mấy phen cố tình cúp điện để khỏi nghe nhiều lần tiếng thét: không... không vô! khi có những pha sút bóng đe dọa khung thành của phe áo nâu.
Cặp đấu nào cũng ngang tài ngang sức. Nhưng cuối cùng, đội Song Én đã vượt qua các đối thủ và nâng cao chiếc cúp vô địch làm cho niềm vui vỡ lỡ, niềm hạnh phúc dâng tràn.
Niên khoá 72-73, năm đỉnh cao phong độ của các danh thủ bóng đá nhà mình. Những vận động viên xuất sắc nhất trường trung học Thánh Giuse còn học ở lớp 7, 8, 9 (lục, ngũ, tứ).
Năm nay, sinh hoạt học đường tại Nhatrang được tổ chức quy mô rộng rãi hơn. Nhưng trung tâm của sự chú ý vẫn là bóng đá. Thật tội nghiệp khi nhìn cầu thủ Giuse. Nếu so chiều cao trung bình, thì mình chỉ có thể ngửi nách đối phương. Nếu so tuổi tác, thì mình vẫn còn là đồ nhí, nếu không nói là con nít ranh “hỉ mũi” chưa sạch. Vận động viên các trường là những học sinh trung học đệ nhị cấp. Nhiều tay hạ tuổi xuống vài ba năm để được hoãn dịch vì lý do học vấn. Họ thừa tuổi để có vợ có con. Nhằm nhò gì, Nguyễn Công Liêm và các bạn đủ kinh nghiệm để hạ gục những đối thủ to con lớn xác (như cách đây 3 năm... !).
Những chiều cuối tuần, Dòng Thánh Giuse đông vui hơn ngày hội. Nữ sinh Nhatrang “áo ai trắng quá nhìn không ra” bao quanh sân banh. “Chị em ta” ngự trị chốn Ngã Ba Trụ Cờ không còn là đối tượng quan sát của mấy nhà sưu tập hình ảnh mỹ nhân. Dẹp bỏ hết mọi phiền hà rắc rối, ai ai cũng chăm chú vào diễn tiến những trận đấu. Dzô! Dzô! Dzô!...
Chiến thuật, chiến lược gì gì đó mà huấn luyện viên Camille cùng quân ta ba năm khổ luyện, giờ đây, đã làm nức lòng chiến sĩ và mát lòng hậu phương với những chiến công dồn dập, những chiến thắng ngoạn mục. Biết bao nhiêu là lời khen tặng, biết bao nhiêu là triều mến yêu thương.
Trận chung kết: đội bóng Trường Trung Học Thánh Giuse gặp đội bóng Trường Trung Học Đăng Khoa.
Tất cả mọi tuyệt chiêu, tuyệt kỷ được tung ra hết. Tất cả những kỳ vọng, những ước ao dồn hết lại trong lần này. Nhưng, không dễ gì ăn của ngoại. Đội Đăng Khoa lấn lướt Giuse chẳng những bằng thể lực, thể hình mà còn bằng lối chơi khôn ngoan, hiệu quả.
Nhưng, Sir Alex Ferguson đã phán một câu để đời: “form is temporary but class is permanent”. Tôi cố tình không viết theo dịch thuật của báo chí VN, vì muốn hiểu cái form và cái class theo văn cảnh ở đây. Chúng ta có một cái class đặc biệt, đã được hình thành một cách rất rõ rệt.
Vì vậy, Giuse đá thủng lưới đối phương, ghi bàn thắng đầu tiên cho trận chung kết.
Hết giờ! Hết giờ! Hết giờ quá năm phút rồi. Không biết hồi ấy FIFA đã đưa ra luật bù giờ hay chưa? Chiến thắng đang trong tầm tay.
Dẫu biết rằng: trọng tài là cha mẹ. Nhưng, kiểu này ai chịu đời cho thấu. Quá sáu phút, rất nhiều tiếng càm ràm, la ó. Quá bảy phút, cổ động viên Giuse gào thét dữ dội. Lon đồ hộp, thùng thiếc, cây, gậy, tôn, ván... vỗ chan chát, khua vang inh ỏi. Trọng tài! Trọng tài! ... Ah! Xe Honda của ông trọng tài! Tifosi nhào tới bứt đứt dây “bugi”, đổ cát vô bình xăng, đạp xe ngã lăng quay. Vẫn chưa có tiếng còi hết giờ.
Đuối sức lắm rồi, phe ta vẫn kiên trì giữ lấy thành quả của mình. Nhưng, Đăng Khoa đang có bóng. Họ sàng qua, sàng lại. Rồi... sau một pha kiến tạo đơn giản, hậu vệ mình chưa kịp nhào ra, Đăng Khoa tung một cú sút, cú sút bay bổng nhẹ nhàng. Tâm Lép trong khung thành không coi đường bóng này ra trò trống gì, bèn nổi hứng phô diễn tài nghệ tuyệt luân: nhảy lên đón quả banh bằng tay phải định lòn nó qua sau lưng rồi hốt bằng tay trái... Tâm ơi là Tâm...! Tâm lép mà ‘mông’ không lép. Quả banh chạm vào hậu môn của thủ môn dội về hướng cầu môn... Tâm quay 180 độ, phóng cái ào... xui xẻo thay! Quả banh đã vuột khỏi tầm tay.
Tỷ số trận đấu: 01 - 01... Tiếng còi trọng tài vang lên, kết thúc trận chung kết. Thời gian bù giờ đã kéo dài hơn 10 phút.
Hỗn loạn xảy ra trước cổng thành! (câu nói quen thuộc của ông tường thuật viên Phanxico). Tiếng reo mừng hú vía của kẻ có được bàn gỡ hoà. Tiếng hò hét bất bình của người cho rằng phe mình bị đối xử không công bằng. Khán giả ùa vào sân bóng, kẻ chia vui, người hung hăng hậm hực. Trọng tài trốn biệt dạng.
Nguy cơ ẩu đả có thể xảy ra. Học sinh Đăng khoa chen nhau ùa ra khỏi cổng trường, có đứa leo rào ra các nẻo đường. Đất đá bay vèo vèo vào mái tôn và cửa kính nhà in Hoa Huệ bên tượng Cha Thánh. Đám con gái khóc la chí choé. Ông Rémy Huỳnh, giám thị trường Đăng Khoa và là võ sư của một lò Vovinam, đi sau cùng. Ông bảo vệ bọc lót cho học sinh trường mình.
Tiểu đệ Cảnh khùng (các lớp lớn gọi thân thương như thế) nhào tới đấm túi bụi vào lưng ông võ sư. Nó đương nhiên bị tóm cổ giải đi như một tù binh. Đốc khứa chiến tranh, Fr. quản lý ký túc xá mở cửa kho gần đó tuôn ra một đống gậy baseball. Giuse choai choai chụp lấy và lăm le xung trận...
Đừng tưởng bở, hầu hết Giuse con đều là môn sinh Vovinam, lò của võ sư Thạnh. Nếu thi đấu trên võ đài thì Nguyễn Số Lớn và Võ Ngọc Trạng là hai tên tuổi mà bất cứ đối thủ nào, khác võ đường, gặp mặt khi lâm trận cũng đều run như cầy sấy.
Trong tình hình ác liệt như thế, tập sinh Nguyễn Tấn Công xuất hiện như một thủ lãnh. Trông anh đô con bự tướng hơn cả Rémy võ sư. Hai chủ tướng gặp nhau. Ngài giám thị đồng ý dập tắt ngọn lửa “can qua”. Phe ta không còn hăng dái, chấp nhận lui binh.
Để xác định đội chiếm giải vô địch túc cầu sinh hoạt học đường 72-73, ban tổ chức mời hai đội bốc thăm. Thầy Martin Ty, ông già đau khổ, đại diện Giuse... về nhà rầu rĩ báo cáo: thua rồi!
“Khổ quá thầy ơi!”Ông già đau khổ càng đau khổ hơn nữa, khi, bất cứ nhóm nào gặp thầy bất cứ chỗ nào cũng đều than thở lớn giọng: “khổ quá thầy ơi!”. Thỉnh Sinh to họng nhất, than thở lâu nhất, kéo dài mấy ngày trời. Rất tội nghiệp cho thầy, một nạn nhân của bệnh thành tích.
Vài hôm sau, giờ học môn “Văn Minh Việt Nam” thuộc chương trình Sử lớp đệ nhị, giáo sư Gerard Trần Lộc Bề Trên tổng quyền DTG, dạy một bài không có trong sách vở: văn minh thể thao, tinh thần thượng võ, tư cách đạo đức khi chơi và xem... Dĩ nhiên là chúng tôi bị giũa một trận te tua, mặt mũi thằng nào thằng nấy đều sượng trân.
Sau này, càng sượng sùng hơn, khi tôi gặp lại cố nhân: trọng tài bị bứt “bugi”. Ông chính là cậu Sáu Tây, láng giềng thân thiện của nhạc gia tôi. May mắn, trọng tài Tây không hiểu ‘nhà dòng’ nghĩa là gì, chỉ biết rằng: trung học Giuse đơn thuần là một trường tư thục. Và không hề biết “thủ phạm bugi”, lúc ấy chính là một tu sinh, đã đang ngồi bên ông.
Bóng đá Giuse tiếp tục phát triển, tiếp tục làm mưa làm gió trên nhiều đấu trường nội tỉnh. Đội Sao Mai xuất hiện bên cạnh đội Song Én. Sinh sau đẻ muộn, nhưng, Sao Mai là nơi các chiến binh “lão thành cách mạng” lui về, nhường chỗ cho đàn em bước vào Song Én. Họ đã từng là nền tảng. Sau này, vẫn còn là nguồn hổ trợ nhân sự đắc lực cho Song Én trong thi đấu và trong huấn luyện. Hình như Nguyễn Văn Hoàn và Trịnh Đình Liên, lớp tôi, cũng gia nhập đội quân này.
Giờ đây, nhớ lại chuyện xưa, nói bằng ngôn từ hôm nay: chúng tôi vô cùng tự hào về phong trào bóng đá của Dòng Thánh Giuse đầu thập kỷ 70.
GHI THÊM:
“Vô Cùng Tự Hào” ư? - Cường điệu và cuồng ngôn đấy!
Thiện tai! thiện tai! Khi người ta quá dễ tự hào, dễ tự đắc, thì dễ kiêu căng và sinh ra ngạo mạn.
Buồn cười hơn khi người ta tự hào về thành tích của người khác hoặc tự hào về cái không đáng để tự hào.
Ngày tôi còn trai trẻ, tiếng “tự hào” không được nghe, nói một cách thừa thải như hôm nay. Phải chăng vì bị sống trong một chế độ nô lệ, tủi nhục, nghèo hèn (???) nên người ta không có điều gì để tự hào (?).
Hay là, chữ nghĩa đã biến đổi theo tính cách con người của cái thời đại... bác “nổ” không đúng chỗ... mà tôi không thể nào kịp làm quen.
NGUYỄN PHÊ RÔ
Đội bóng lớp tôi (chưa đủ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét