Bài Ðọc Năm Chẵn: Gl 4, 22-24. 26-27. 31 - 5, 1
Lời Chúa trong thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, có lời chép rằng: Abraham có hai người con trai: một sinh bởi người nữ tỳ, và một sinh bởi người vợ tự do. Nhưng con sinh bởi nữ tỳ, thì đã sinh ra theo lối xác thịt, còn con sinh bởi người vợ tự do, đã sinh ra bởi lời hứa. Những sự ấy đã được nói cách bóng bảy, vì hai người vợ tiêu biểu cho hai giao ước: một bởi núi Sanai, sinh con cái làm nô lệ, đó là Agar. Còn Giêrusalem ở trên cao thì được tự do, đó là mẹ chúng ta, vì có lời chép rằng: "Hỡi người son sẻ, chẳng sinh con, hãy hân hoan! Hỡi người không sinh sản, hãy vui reo và hò lên! Vì con cái của người vợ bị ruồng bỏ, lại đông hơn con của gái có chồng".
Bởi đó, anh em thân mến, chúng ta không phải là con của nữ tỳ, nhưng là con của người vợ tự do; chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa.
Bài Tin Mừng: Lc 11, 29-32
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca
Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa".
Suy niệm:
(Trích trong 5 phút Lời Chúa tháng 10/2018)
Trong các tôn giáo, sám hối không phải là một ý tưởng xa lạ. Đặc biệt, Phật giáo dạy phải sám hối nhằm loại bỏ những nghiệp căn để trở thành người tốt ở kiếp này và cả kiếp sau. Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng sáng lập Ki-tô giáo, cũng khởi đầu công cuộc rao giảng bằng lời mời gọi sám hối: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Lời mời gọi sám hối của Đức Ki-tô mang tính cách đòi buộc và khẩn thiết như một mệnh lệnh. Là mệnh lệnh, trước hết, vì thế giá của Đức Ki-tô, người truyền lệnh, “còn lớn hơn ông Gio-na nữa.” Thứ đến là vì Chúa Giê-su kêu gọi sám hối không chỉ để tu dưỡng bản thân để trở nên người tốt, mà mục đích tối hậu của mệnh lệnh ấy là để chúng ta được trở nên một với Đức Ki-tô và được hưởng hạnh phúc với Ngài.
Mời Bạn: Trong Phụng Vụ của Giáo Hội không thiếu những lời kêu gọi sám hối. Ngoài bí tích Hoà Giải, mỗi thánh lễ đều bắt đầu bằng nghi thức sám hối. Mùa Vọng, mùa Chay là thời gian mời gọi con người hoán cải để chuẩn bị tâm hồn cử hành những mầu nhiệm trọng đại. Phụng Vụ Lời Chúa trong những tuần lễ cuối của Năm Phụng Vụ mời gọi các tín hữu ăn năn sám hối để hướng về ngày cánh chung. Qua đó, bạn thấy, sám hối cần thiết cho đời sống thiêng liêng là dường nào!
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày và xin ơn biết hoán cải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa không ngừng kêu gọi chúng con hoán cải trở về với Chúa. Xin giúp chúng con hoán cải mỗi ngày. Amen.
TITOCO HÀM TÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét