Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

“Giải phóng mặt bằng” một cụm từ hỗn xược với Nhân Dân

“Giải phóng mặt bằng” một cụm từ hỗn xược với Nhân Dân

bởi anle20
Người làm cách mạng nhân danh lẽ công bằng mà làm cách mạng. Các chiến sĩ giải phóng từng lên án những luật lệ bất nhân của thực dân và từng vận động nhân dân phá bỏ những luật lệ bất nhân đó để mang lại lẽ công bằng. Nay chính những chiến sĩ giải phóng ấy lại dung túng cho việc ban hành một điều luật đẩy người dân lương thiện thành vi phạm pháp luật để rồi dùng bạo lực cưỡng chế, biến nông dân thành những kẻ địch của hành vi “giải phóng”.
Hình minh họa
Những người cách mạng được mệnh danh là các chiến sĩ mang tự do đến cho những người bị áp bức, nên thường gọi là “Giải phóng” (quân giải phóng, chiến sĩ giải phóng). Nói rộng ra, từ “giải phóng” được hiểu theo 4 nghĩa : 1- Làm cho tự do, thoát khỏi tình trạng nô dịch, chiếm đóng của nước ngoài (giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước) 2- Làm cho tự do, thoát khỏi tình trạng nô lệ, bị kiềm hãm (giải phóng nô lệ, giải phóng phụ nữ). 3-Làm thoát khỏi tình trạng bị vướng mắc, cản trở bởi các phương tiện hay đồ vật (giải phóng kho bãi, giải phóng lối đi, giải phóng mặt bằng). 4-Làm cho thoát ra một chất hoặc năng lượng bị kiềm chế (giải phóng năng lượng).
Tóm lại, theo cả nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng, thì đối tượng của hành vi giải phóng về mặt xã hội đều là những thứ xấu xa, trái đạo lý, trái với lẽ công bằng.
Điều lạ lùng là từ ngữ hay ho tốt đẹp này được sử dụng một cách hỗn xược trong cụm từ “Giải phóng mặt bằng” quy định trong Luật Đất đai.
“Giải phóng mặt bằng” thường được người dân hiểu và sử dụng theo nghĩa thứ 3 trên đây, tức là làm thoát khỏi tình trạng bị vướng mắc, cản trở của phế liệu, cây cối gãy đổ hay phương tiện, vật dụng để bừa bãi nhằm bảo đảm cho mặt bằng thông thoáng có thể xây dựng được. Đối tượng của giải phóng ở đây là vật chứ không phải là người. Nếu là người thì người đó phải là người xấu, tức là người chiếm đất của người khác một cách phi pháp và trái đạo lý.
Trong cụm từ “Giải phóng mặt bằng” đề cập tại các điều 68-69-70-71 của Luật Đất đai, đối tượng của hành vi “giải phóng” không phải là vật, cũng không phải là kẻ xấu nữa, mà là người dân lương thiện. Những nông dân bị Nhà nước thu hồi đất để giao cho các đại gia làm dự án hoàn toàn không phạm pháp, họ đã sinh sống lâu đời trên mảnh đất của mình và đất của họ phần lớn đều có sổ đỏ. Đùng một cái, họ bị nhà nước ra quyết định thu hồi, nếu không giao sẽ bị cưỡng chế. Theo lẽ công bằng, thì đất của người nào thì việc chuyển nhượng hoặc cho tặng người khác hay không là quyền của người có đất, sao lại cưỡng chế họ phải giao ? Một quyết định hành chính đã biến người dân đang sống hợp pháp thành phi pháp nếu không thi hành quyết định đó. Điều luật cho phép chính quyền ra những quyết định này không chỉ là trái đạo lý, trái lẽ phải mà còn vi hiến, vì Hiến pháp tôn trọng quyền tài sản của người dân.
Người làm cách mạng nhân danh lẽ công bằng mà làm cách mạng. Các chiến sĩ giải phóng từng lên án những luật lệ bất nhân của thực dân và từng vận động nhân dân phá bỏ những luật lệ bất nhân đó để mang lại lẽ công bằng. Nay chính những chiến sĩ giải phóng ấy lại dung túng cho việc ban hành một điều luật đẩy người dân lương thiện thành vi phạm pháp luật để rồi dùng bạo lực cưỡng chế, biến nông dân thành những kẻ địch của hành vi “giải phóng”.
Hơn 80% khiếu kiện của dân là khiếu kiện về đất đai, những khiếu kiện đó kéo dài triền miên không giải quyết được. Và sẽ không bao giờ giải quyết được nếu chỉ căn cứ vào các điều khoản bất nhân của Luật Đất đai. Người dân từng tin tưởng vào lẽ công bằng do những người làm cách mạng mang tới, vì tin tưởng nên người dân có quyền đòi hỏi luật lệ do những người cách mạng ban hành phải là luật lệ căn cứ trên lẽ công bằng.
Hoàng Hải Vân / (EB Hoàng Hải Vân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét