Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

Mậu Thân 1968: Sức mạnh của một bức ảnh

Mậu Thân 1968: Sức mạnh của một bức ảnh

bởi anle20
Hai người đã chết trong bức ảnh này. Vị tướng đã giết người tù còn tôi đã giết vị tướng –  Eddie Adams.
Cách đây đúng 50 năm, cuộc tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 xảy ra và là một sự kiện cột mốc đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong chiến tranh Việt Nam. Có nhiều lý do khiến Mỹ thất bại trong cuộc chiến hao tiền tốn của này, một trong số đó là tác động của truyền thông vào phong trào phản chiến đang bùng phát mạnh mẽ ở Mỹ, được thổi bùng lên vào năm 1968.
Chiến dịch tấn công âm thầm của Hà Nội vào dịp tết Mậu Thân, bất chấp một hiệp ước ngừng bắn đã khiến Huế, Sài Gòn và các tỉnh miền Nam bất ngờ, mặc dù lợi thế này không duy trì được lâu. Bất cứ một sử gia nghiêm túc nào cũng không thể phủ nhận chiến dịch này là một thất bại rõ ràng của quân Bắc Việt. Không nói đến mục tiêu đánh bại miền Nam trong chớp nhoáng đã thất bại hoàn toàn, chỉ cần so sánh số lượng thương vong, tính riêng giai đoạn 1: (30/1 – 28/3/1968), Quân đội Miền Nam tổn thất hơn 9.000 người trong đó quân Việt Nam Cộng Hòa mất gần 5.000, còn lại là quân Mỹ, Hàn, Úc, New zealand và Thái Lan); quân Bắc Việt và Việt Cộng mất xấp xỉ 17.000 người, tức là gần gấp đôi, mặc dù là bên tấn công. Tuy nhiên trên chiến trường truyền thông, đó là một chiến thắng cho phe cộng sản.
Tin tức và hình ảnh của cuộc chiến đẫm máu được các phóng viên hiện trường truyền đi khắp Mỹ và phương Tây, thổi lửa vào phong trào phản chiến đòi rút quân tại Mỹ. Trong số đó, bức ảnh “Hành quyết tại Sài Gòn” do phóng viên Eddie Adams chụp ngay trong ngày đầu tiên Sài Gòn bị tấn công đã trở thành biểu tượng ghê sợ cho sự tàn bạo, chết chóc và hỗn loạn của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Bức Hành quyết ở Sài Gòn do Eddie Adams chụp
Bức ảnh chụp khoảnh khắc Tướng Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Ngọc Loan bắn một tù binh Việt Cộng bằng khẩu súng ngắn đặt cạnh thái dương. Khuôn mặt gầy gò, méo mó như đang khóc mếu của người tù bị buộc tay sau lưng, sự bình thản của tướng Loan cùng nét mặt căng ra, nghiến răng vì sợ hãi và căng thẳng của một người lính khác góc trái khung hình đã gây ra hiệu ứng sốc trong tâm lý của người xem.
Biên tập viên BBC mô tả: “Thật khó để không cảm thấy ghê tởm, tội lỗi khi nhìn vào khoảnh khắc của cái chết”.
Ben Wright, giám đốc truyền thông tại Trung tâm Tư liệu về Lịch sử Hoa Kỳ Dolph, nói: “Có một cái gì đó trong bản chất của một bức ảnh tĩnh tác động sâu sắc đến người xem và đọng lại với họ.”
Trung tâm này đặt tại Đại học Texas, Austin, là nơi lưu trữ các bức ảnh, tài liệu và thư từ của Adams.
Các đoạn phim về cảnh nổ súng này, trong khi gây kinh ngạc, lại không gợi lên được cùng cảm giác về sự khẩn cấp và bi kịch “, Wright nhận xét.
Sau 50 năm, bức ảnh Hành quyết tại Sài Gòn vẫn còn nguyên giá trị biểu tượng cho một cuộc chiến. Tạp chí Time đã chọn nó là một trong 100 bức ảnh có ảnh hưởng nhất trong lịch sử.
Bức ảnh nhanh chóng lan truyền trên mọi hãng truyền thông, được in trên mọi tờ báo lớn phương Tây và trở thành bức hình có tác động nhất đến chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh cùng với cuộc tấn công bất ngờ của quân Việt Cộng – lực lượng mà Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson từng mô tả là một đội quân ốm yếu, ô hợp khiến người Mỹ nghi ngờ khả năng sớm chấm dứt chiến tranh và đưa các chàng trai của họ về nhà trong vinh quang.
Phong trào phản chiến ở Mỹ đã xuất hiện từ năm 1965 sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ và Mỹ tuyên bố tham chiến ở Việt Nam, nhưng chỉ là ở tại các trường cao đẳng, đại học với phần lớn người tham gia là sinh viên và các giáo sư. Bức ảnh này dường như đã thổi bùng lên sự tức giận trong công chúng Mỹ.
Một khảo sát của hãng Gallup vào tháng 2/1968 cho thấy chỉ có 35% người Mỹ ủng hộ việc tổng thống Johnson tham chiến, 50% phản đối, còn lại không có ý kiến. Các cuộc biểu tình chống chiến tranh bắt đầu chỉ từ học sinh, sinh viên và những người thuộc phe tả, đã lan ra tới các cựu chiến binh. Những thành viên của tổ chức Cựu chiến binh Việt Nam chống chiến tranh, rất nhiều người ngồi trên xe lăn, chống nạng, bước ra biểu tình. Hình ảnh họ ném bỏ các tấm huân chương mà chính phủ trao tặng trong cuộc chiến đã tác động sâu sắc tới người Mỹ. Phong trào phản chiến đã được thổi bùng lên thành một cơn bão không thể dập tắt.
Tổng thống Nixon thắng cử năm 1969 và mặc dù sau nhiều năm “dãy dụa” tìm cách gửi nhiều binh lính hơn tới Việt Nam, các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn trong nước đã buộc ông phải tuyên bố chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào miền nam Việt Nam năm 1973. Hai năm sau, Sài Gòn thất thủ.
Năm 2.000, vợ của người tử tù năm xưa trong cuộc phỏng vấn với tờ AP đã nói rằng bà cảm thấy bức ảnh này đã khiến người Mỹ chống lại cuộc chiến tranh.
Bức ảnh nổi tiếng đã đem lại cho Eddie tiền bạc và danh vọng. Giải thưởng Pulizer danh giá  một năm sau đó đã đóng đinh ông vào danh sách các những nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất thế giới. Ông đã chụp ảnh cho Ronald Reagan, Fidel Castro và Malcolm X, giành 500 giải thưởng lớn nhỏ trong suốt sự nghiệp cầm máy của mình, tuy nhiên bức ảnh hành quyết chưa bao giờ được nhắc đến với một sự tự hào.
Tướng Loan, người cầm súng trong bức ảnh đó đóng một vai trò quan trọng trong quân đội Sài Gòn, ông là người lãnh đạo một đội quân bảo vệ thủ đô khỏi những kẻ tấn công. Cùng với sự nổi tiếng của bức ảnh, ông Loan cũng được biết đến như một sát nhân máu lạnh, vô nhân tính, là biểu tượng của sự phi nghĩa trong chiến tranh dưới ngòi bút của các tác giả phản chiến. Eddie Adams cũng nghĩ như vậy trong khoảnh khắc đó, nhưng những ngày tháng theo chân Tướng Loan đã khiến ông nghĩ khác.
“Bức ảnh không nói lên toàn bộ câu chuyện. Nó không nói nguyên nhân tại sao”, Eddie nói sau đó.
Tướng Loan giải thích hành động bắn chết tù nhân của mình: “Ở trong trường hợp này, nếu bạn do dự, bạn không thực hiện nhiệm vụ của mình, binh lính sẽ không nghe theo”.
Người tử tù được cho là Nguyễn Văn Lém, bí danh Bảy Lốp, đại úy đặc công quân Giải phóng miền Nam. Trong cuộc tấn công Sài Gòn, ông Lém đã giết vợ và 6 người con của một binh sĩ miền Nam.
Họ đã giết rất nhiều người của tôi và rất nhiều đồng bào của ông”, Tướng Loan nói với Adams sau vụ hành quyết và bỏ đi.
Tại lễ trao giải Pulitzer, Eddie Adams đã cay đắng nói: “Tôi kiếm được tiền từ việc trưng ra cảnh một người giết chết một người khác. Hai cuộc đời đã bị hủy hoại, và tôi được trả tiền cho nó. Tôi được gọi là anh hùng.”
Nhưng Adams và Tướng Loan vẫn giữ liên lạc nhiều năm sau đó và thậm chí còn trở thành bạn của nhau.
Sau khi Sài Gòn sụp đổ, ông Loan tới Mỹ xin tị nạn. Chính phủ Mỹ đã muốn trục xuất ông vì bức ảnh trên và họ đã tìm đến Adams để làm chứng chống lại ông. Adams đã từ chối và thậm chí còn lên tiếng ủng hộ ông Loan trên các phương tiện truyền thông, nói rõ hoàn cảnh ra đời của bức ảnh.
Quốc hội Mỹ sau đó đã hủy bỏ lệnh trục xuất và ông Loan được ở lại Mỹ. Ông mở một cửa hàng ở ngoại ô Washington.
“Tôi không nói rằng việc ông ấy làm là đúng, nhưng ông ấy đang chiến đấu trong một cuộc chiến và ông phải chống lại một số người khá là xấu xa”, Adams nói. Ông cho rằng “2 mạng người đã bị hủy hoại trong ngày hôm đó – của Lốp và của Loan – và tôi không muốn hủy hoại cuộc đời của bất kỳ ai. Đó không phải là việc của tôi”.
Khi ông Loan qua đời năm 1998 do ung thư, Eddie Adams viết:
Có hai người đã chết trong bức ảnh đó. Thiếu tướng giết một người Việt Cộng, còn tôi giết ông ta bằng máy ảnh của mình“.
Trong nghiên cứu khoa học siêu hình có một hiện tượng gọi là “hiệu ứng cánh bướm”: một lần đập cánh của con bướm dưới các xúc tác phù hợp có thể gây ra cơn bão tại bờ kia của Thái Bình Dương, một bức ảnh theo đó cũng có thể quyết định vận mệnh của một cuộc chiến, rẽ ngang hướng đi của một dân tộc cùng hàng triệu người sống trong đó. Gọi là siêu hình bởi chẳng có ai có thể khảo sát cho rõ ràng: liệu cánh bướm kia có phải là nguyên nhân khởi nguồn dẫn đến cơn bão hay bức ảnh của Adams có thực là lý do khiến Sài Gòn thất thủ 7 năm sau, và nếu không có bức ảnh này thì kết cục của chúng ta có khác đi không? Đặt ra câu hỏi này, tôi phải xin lỗi người đọc, vì quả thực chẳng có ích gì ngoài khiến người ta phải chịu dày vò đau đớn như mở lại những vết thương quá sâu, có thể đã lên da nhưng vẫn nhức nhối trong những ngày trái gió. Con người chúng ta dường như quá nhỏ nhoi trong dòng chảy vô tình của lịch sử, ngoài những lúc dãy giụa để rồi tự tổn thương, ta có thể làm gì? Cái ta có chỉ là cách ta đối diện với nó.
Nhưng khi được chứng kiến những người như tướng Loan và Eddie, một người mà cuộc đời bị hủy hoại bởi cái đã mang đến cho người kia tất cả tiền bạc và danh vọng, có thể trở thành bạn hữu và giúp đỡ nhau, thì tôi còn nhìn thấy hy vọng trong con người; chừng nào ta còn có những người sống vì sự chính trực và thiện lương.
Eddie Adams đã qua đời vào năm 2004. Sinh thời ông thường xuyên nhắc rằng ông tự hào nhất là về những bức ảnh hậu chiến vào năm 1977 mà ông chụp những người chạy trốn khỏi Việt Nam. Những bức ảnh này đã gây ảnh hưởng khiến chính phủ Mỹ chấp nhận hơn 200.000 người Việt tị nạn.
Trần Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét