Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2023

Khoa hoc : Làm thế nào nhận biết một người đang bị đột quỵ

 Hãy yêu cầu người bệnh "cười - nói - chào" và quan sát xem có bất thường hay không. Thời gian vàng để xử trí hiệu quả tình trạng đột quỵ là trong vòng 3 giờ.

Người có triệu chứng đột quỵ thường nói ngọng, đau đầu đột ngột, mất thị lực đột ngột....
Người có triệu chứng đột quỵ thường nói ngọng, đau đầu đột ngột, mất thị lực đột ngột....

CÁC DẤU HIỆU CẢNH BÁO ĐỘT QUỴ

Dấu hiệu ở mặt

Mặt đột nhiên có biểu hiện không cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch so với bình thường, nếp mũi và má bên yếu bị rủ xuống. Người bệnh nói cười sẽ thấy rõ miệng bị méo, thiếu cân xứng trên khuôn mặt.

Dấu hiệu về thị lực

Thị lực đột ngột giảm, mờ dần cả hai hoặc một mắt. Biểu hiện này không rõ rệt nên người bên cạnh khó có thể nhận ra. Do đó, người bệnh nên yêu cầu người xung quanh đưa đi cấp cứu ngay.

Dấu hiệu ở tay

Người bệnh sẽ cảm thấy tê mỏi chân tay, khó cử động, không thể tự nhấc lên được, đi lại khó khăn.

Dấu hiệu nhận thức

Người bị đột quỵ đột nhiên cảm thấy rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, gặp khó khăn trong việc suy nghĩ ra đúng từ để nói, không thể diễn đạt được ý tưởng, cảm giác mơ hồ.

Dấu hiệu qua giọng nói

Bỗng dưng nói ngọng bất thường, môi lưỡi tê cứng, miệng mở khó, cố gắng lắm mới có thể nói được.

Dấu hiệu ở thần kinh

Người bệnh sẽ cảm thấy đau đầu dữ dội. Đây là một triệu chứng rất nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, đặc biệt là người có tiền sử đau nửa đầu.

CÁC BƯỚC SƠ CẤP CỨU NGƯỜI ĐỘT QUỴ

Hồi sức tim phổi nếu người bệnh bị ngưng thở hoặc ngưng tim. Việc không đánh giá được tình trạng nặng có thể khiến người bệnh nặng thêm.

Người bệnh cần được nằm ở tư thế thoải mái nhất nếu họ tỉnh, hoặc nằm nghiêng về phía nửa người bị ảnh hưởng (yếu liệt) nếu họ không tỉnh táo hẳn. Việc nằm nghiêng là để ngừa hít sặc do nôn ói. Nằm nghiêng về phía bên liệt là để phía không liệt có thể cử động ra hiệu được khi cần thiết.

Bệnh nhân cần được cố định các bộ phận quan trọng bao gồm đầu cổ, tứ chi khi di chuyển. Nếu không có cáng chuyên dụng, người bệnh nên nằm trên mặt phẳng cứng, tay chân xuôi theo mình, dùng chăn cố định hai bên đầu nhằm tránh chấn thương cột sống cổ. Việc vận chuyển người bệnh đột quỵ cần theo ba nguyên tắc: Đảm bảo đường thở và tim đập; cố định bảo vệ được các bộ phận có thể tổn thương như đầu cổ, tứ chi; vận chuyển nhanh nhất có thể.

Gọi xe cấp cứu để bệnh nhân được đưa đến bệnh viện nhanh chóng và có nhân viên y tế đi cùng để xử lý đúng cách.

Những hiểu biết sai lầm về đột quỵ

Không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ

Nhiều người thường lầm tưởng không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ, sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ
Khi quyết định để bệnh nhân ở nhà và không đưa đến cơ sở y tế, bạn vô tình làm mất đi thời gian vàng có thể điều trị. (Ảnh: Aptekagemini).

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), đây là suy nghĩ sai lầm. Khi bệnh nhân bị đột quỵ, động tác đầu tiên của chúng ta là đưa họ tới cơ sở y tế có khả năng cấp cứu gần nhất. Các bệnh nhân bị tắc mạch máu não do thuyên tắc có thuật ngữ: "Time is brain" tức "thời gian là tế bào não".

Nếu chúng ta trì hoãn, cứ một phút, các tế bào não có thể chết đến 2 triệu tế bào và không thể phục hồi được. Khi quyết định để bệnh nhân ở nhà và không đưa đi bệnh viện, bạn vô tình làm mất đi thời gian vàng có thể điều trị. 3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Sau 6 giờ vàng này, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề.

Người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm thì khả năng chữa được càng cao. Ngược lại, bệnh nhân đến muộn làm giảm khả năng thành công và nguy cơ tử vong cao.

Vì vậy, khi phát hiện triệu chứng đột quỵ như yếu liệt nửa người cùng bên, méo miệng đột ngột, nói không rõ chữ..., bạn cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt

Đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi

Nhiều người thường lầm tưởng đột quỵ chỉ xảy ra ở độ tuổi “xế chiều”. Tuy nhiên, những năm gần đây, số bệnh nhân ở độ tuổi trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng.

Theo Tổ chức Đột quỵ Mỹ, năm 2019, số lượng bệnh nhân trẻ đột quỵ tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây. Khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi 18-50.

Bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng, trung bình khoảng 2% mỗi năm. Trong đó, số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Theo bác sĩ Cường, những nguyên nhân chủ yếu khiến người trẻ tuổi bị đột quỵ não bao gồm bệnh lý dị dạng mạch máu não, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì, lười vận động, đái tháo đường, tăng huyết áp, uống rượu bia.

Khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi 18-50.
Khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi 18-50. (Ảnh: Pinterest).

Từ các nguyên nhân trên, đột quỵ ở người trẻ có thể được đẩy lùi nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh như tích cực thể dục thể thao, hạn chế dùng thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thuốc lá, bia rượu… Đó là những điều mà thanh thiếu niên Việt Nam có thể dễ dàng thực hiện để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

Ngoài ra, người trẻ không nên chủ quan, cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà bỏ qua việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế khi có biểu hiện của bệnh (yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó…).

Theo VnExpress/Zing

Vấn đề khi nhấn? Chép và dán URL này vào trình duyệt:
https://anle20.wordpress.com/2023/10/14/khoa-hoc-lam-the-nao-nhan-biet-mot-nguoi-dang-bi-dot-quy/

Thứ Ba, 10 tháng 10, 2023

Kênh đào “Đế chế Phù Nam” hay tiếng chuông báo tử cho đồng bằng sông Cửu Long...

 

Một góc đồng bằng sông Cửu Long (ảnh: baochinhphu.vn

Thông tin về dự án có tên “Kênh đào Đế Chế Phù Nam” do Campuchia cùng với các nhà thầu Trung Quốc chuẩn bị tiến hành, chính thức thông báo lên Ủy hội sông Mekong 8 Tháng Tám 2023 vừa qua, cùng với bài phỏng vấn do đài RFA thực hiện với tiến sĩ Brian Eyler, một chuyên gia về Tiểu vùng sông Mekong ở Stimson Center.

Những tiếng cảnh báo lọt vào những lỗ tai điếc

Sự việc đang khiến cộng đồng, đặc biệt giới trí thức và các nhà bảo vệ môi trường quan tâm. Lời nhận xét có phần bi quan của Brian Eyler coi dự án này như “chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài” không phải là phóng đại. Tiến sĩ Brian Eyler còn là tác giả của cuốn sách “Những ngày cuối cùng của dòng sông Mekong hùng vĩ” xuất bản năm 2020. Tác phẩm về môi trường, sinh thái, văn hóa, xã hội… có thể coi như một khúc bi ca tiếc thương sự kết thúc của dòng sông vĩ đại, Mekong, đang tới gần. Tham vọng của con người và những tác động thô bạo vào thiên nhiên đã và đang bức tử con sông từ ngàn đời nay đem lại nguồn sống cho hàng chục triệu người.

Hai mươi năm trước khi Brian Eyler viết “Những ngày cuối cùng của dòng sông Mekong hùng vĩ”, ông Ngô Thế Vinh đã xuất bản hai bộ sách đồ sộ bao hàm nhiều nội dung về môi sinh, lịch sử, xã hội, địa chính trị văn hóa liên quan tới các cộng đồng dân cư dưới hạ lưu dòng Mekong, cũng như dự đoán chính xác về tác động hủy hoại của hệ thống 14 con đập bậc thềm khổng lồ ở Vân Nam và 11 con đập dòng chính hạ lưu.

Bộ sách đầu tiên là “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng” do nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành năm 2000 đã gây một tiếng vang trong cả giới học thuật lẫn chính trị, năm 2001 được tái bản lần thứ nhất và tuyệt bản. Không hiểu vì lý do gì, bộ sách đồ sộ và giá trị này đã không được cấp phép tái bản ở trong nước? Cuốn sách thứ hai là “Mekong dòng sông nghẽn mạch” xuất bản năm 2007 là những phóng sự và điều tra sống động tiếp nối.

Có thể nói, những tác phẩm của Brian Eyler hay của ông Ngô Thế Vinh là những lời cảnh tỉnh, dự báo có tầm nhìn xuyên thế kỷ với những nghiên cứu chuyên sâu, phóng sự đa dạng, đa chiều liên quan đến hệ sinh thái của dòng Mekong. Kể từ “Cửu Long cạn dòng” được xuất bản năm 2000 cho đến nay, đã có thêm nhiều các dự án thủy điện và kênh đào khác được hoàn thành trên thượng nguồn và lưu vực con sông, ngày một đẩy nhanh hơn tiến trình hủy diệt môi sinh, tác động tiêu cực tới đời sống, sinh kế của các cộng đồng bản địa dọc hai bên con sông hùng vĩ và hào phóng này.

Dự án “kênh đào đế chế Phù Nam” của Campuchia không phải là con kênh đào đầu tiên lấy nước từ dòng Mekong để phục vụ cho các mục đích kinh tế của quốc gia mà con sông đi qua. Trước đó ba thập niên, dự án kênh đào Kong Chi Mun với tổng phí tổn lên tới US$4 tỷ từ năm 1992 đã lấy đi 300m3/s trong tổng số lưu lượng 1600 m3/s vào mùa khô của ĐBSCL hiện nay. Tiếp đó, một dự án khác có tên KOK ING NAN, gián tiếp lấy nước từ hai phụ lưu lớn của sông Mekong là sông Kok và sông Ing ở vùng Chiang Rai thuộc Bắc Thái Lan, có giá trị dự án $1.5 tỷ, được JICA (Japan International Cooperation Agency) hỗ trợ cấp vốn nghiên cứu thiết kế.

Đó là đường hầm khổng lồ dài hơn 100km để chuyển 2.2 triệu m3 nước mỗi năm từ sông Mekong vào con sông Nan – một phụ lưu của sông Chao Phraya nhằm cấp nước tưới cho vùng châu thổ quan trọng nhất của Thái Lan đang khô hạn. Tuy nhiên, cả hai dự án này không thể gây ra tác động lớn như kênh đào Đế chế Phù Nam. Theo tính toán, con kênh đào này cần đến 7.7 triệu m3 nước để lấp đầy. Như vậy, một khối lượng nước rất lớn sẽ bị lấy đi trước khi dòng Mekong chảy vào lưu vực thuộc địa phận Việt Nam.

Miền Nam Việt Nam sẽ chết!

Trong những năm gần đây, các báo cáo về khí tượng thủy văn đã minh chứng thực tế là đồng bằng sông Cửu Long đã và đang “đói lũ” trầm trọng. Việc lũ không còn về theo tự nhiên, mức lũ thấp hơn nhiều so với dự báo và gần như không còn phù sa bồi đắp cho vùng châu thổ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, lượng thủy sản tự nhiên suy giảm rõ rệt. Không có lũ về, nước mặn xâm nhập vào đất liền sâu hơn, dữ dội hơn. Còn về lâu dài, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm nhanh hơn khi không có phù sa bồi đắp cùng với nạn khai thác cát bừa bãi.

Ngày 30 Tháng Chín 2023, tờ Thanh Niên dẫn trích một đánh giá của ông Sepehr Eslami, trưởng nhóm tư vấn liên doanh Deltares (Hà Lan) trong bài phóng sự “ĐBSCL trước nguy cơ hết cát”, cho thấy thực trạng đáng sợ khi mà giai đoạn 2017-2022, mỗi năm hoạt động khai thác cát ở ĐBSCL đã lấy đi 35-55 triệu m3.

Trong khi đó, lượng cát do phù sa bồi đắp từ sông Mekong chỉ còn 2-4 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó là lượng cát rời khỏi đồng bằng đổ ra Biển Đông khoảng 0.6 triệu tấn/năm. Có một mâu thuẫn không thể có giải pháp khi nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục qui hoạch phát triển các đô thị lớn như Sài Gòn theo hướng Đông và Đông Nam, hướng ra biển và lấy toàn bộ cát nạo vét từ các dòng sông để tôn nền cho các khu đô thị mới, dẫn đến tình trạng ngập úng trong đô thị khi triều dâng và mưa lớn, cũng như khiến toàn bộ các khu đô thị này có nguy cơ chìm nhanh hơn mọi dự báo bởi tình trạng xói lở nghiêm trọng.

Cuối Tháng Chín 2023, các bức không ảnh cho thấy rõ đập thủy điện Tiểu Loan đã tích đầy nước với tổng lượng khoảng 14.3 tỉ m3. Trong khi dòng chảy tại trạm Chiang Saen ở Thái Lan ngay phía dưới các con đập đang thiếu hụt đến 65%. Mực nước sông từ Viêng Chăn ở Lào đến ĐBSCL gần như đang ở mức thấp kỷ lục.

Mức độ ngập lũ của vùng đồng bằng Mekong hiện chỉ bằng một nửa so với bình thường. Như vậy, lượng nước của sông Mekong chảy vào vùng châu thổ ĐBSCL không chỉ bị các đập thủy điện giữ lại mà còn tiếp tục bị trực tiếp lấy đi bởi các con kênh đào như Kong Chi Mun, KOK ING NAN hay “đế chế Phù Nam” tới đây. Điều này sẽ sớm dẫn đến một thảm họa về sinh thái khi Việt Nam là quốc gia yếu thế nhất vì ở vị trí cuối cùng ở hạ nguồn của dòng sông.

Không chỉ có vậy, ngoài những tác động về môi sinh, môi trường và kinh tế xã hội mà dự án này gây ra thì có những rủi ro kinh tế, địa chính trị khác tất nhiên Trung Quốc và Campuchia sẽ không bao giờ đề cập đến, ẩn sau mục đích chính của con kênh đào “Đế chế Phù Nam”.

Việc hoàn thành kênh đào “Đế chế Phù Nam” là mảnh ghép cuối cùng trong việc hoàn tất tuyến đường nội thủy cho phép các đoàn tàu chở dầu loại 500-700 tấn có thể đi từ biển Campuchia, ngược dòng Mekong lên đến Vân Nam thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào tuyến đường biển qua eo Malacca như hiện nay.

Âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc

Đây là một kế hoạch lâu dài của Bắc Kinh. Dự án “Cải thiện thủy lộ thượng nguồn sông Mekong” được ký kết giữa bốn nước tham gia là Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan và Lào vào Tháng Tư 2001 cho phép các đoàn tàu trọng tải 500-700 tấn chở đầy hàng hóa thặng dư của Trung Quốc dễ dàng di chuyển từ giang cảng Tư Mao (Simao), Vân Nam xuống tới Chiang Khong, Chiang Sean của Thái Lan và xa hơn nữa tới Luang Prabang và thủ đô Vạn Tượng, trên đường về sẽ chở theo khoáng sản và nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp trong nước.

Ngày 29 Tháng Mười Hai 2006, tờ Tân Hoa Xã có bài về việc hai con tàu chở 300 tấn dầu từ một giang cảng Chiang Rai ở Bắc Thái Lan ngược dòng Mekong đã tới một giang cảng phía Tây Nam tỉnh Vân Nam (các đập thủy điện của Trung Quốc xây dựng đều có hệ thống đập dâng cho phép tàu thuyền ngược dòng đi qua). Chuyến đi lịch sử này đánh dấu quyết tâm của Bắc Kinh đi tìm con đường thứ hai để chuyển dầu từ Trung Đông vào Trung Quốc.

Trung Quốc đã có những thỏa thuận với Miến Điện, Thái Lan, Lào về việc vận chuyển một lượng dầu hạn chế khoảng 1,200 tấn/tháng từ năm 2006. Đến nay, với “kênh đào đế chế Phù Nam” đi qua trên đất Campuchia sẽ hoàn tất tuyến thủy lộ chiến lược này. Tuy vậy, các cộng đồng dân cư và truyền thông chính thống thì không được hay biết gì.

Nếu thế kỷ 20 mọi cuộc chiến đều liên quan đến dầu mỏ thì thế kỷ 21 cuộc chiến đều vì nguồn nước. Mekong, con sông vĩ đại bởi sự hào phóng của nó, là cái nôi nuôi dưỡng sự sống cho bao nhiêu dân tộc sống ở dưới nguồn từ hàng ngàn năm qua, giờ đây đã kiệt quệ và nhiễm độc.

Với hệ thống 14 đập thủy điện bậc thềm khổng lồ, Trung Quốc có khả năng kiểm soát 55% nguồn nước của Mekong và giữ lại 70% lượng phù sa. Thủy điện đã đem lại sự thay đổi chóng mặt, điện khí hóa đem lại sự thịnh vượng cho Vân Nam, nơi có trữ lượng khoáng sản phong phú lớn nhất thế giới. Thế nhưng cái giá nghiệt ngã phải trả từ việc phá hủy nghiêm trọng môi sinh, môi trường thì các quốc gia dưới nguồn lãnh đủ. Từ việc cạn kiệt nguồn nước tưới vào mùa khô, không còn tôm cá, cho đến dòng Mekong trở thành rãnh nước thải của hàng ngàn nhà máy trên cao nguyên đổ xuống hạ nguồn.

Việc “đế chế Phù Nam” hoàn thành trong tương lai không xa sẽ thay đổi đáng kể địa chính trị khu vực khi mà con sông Mekong trở thành tuyến nội thủy của Trung Quốc, do Bắc Kinh hoàn toàn kiểm soát. Việt Nam, quốc gia yếu thế nhất, đương nhiên cũng dễ bị tổn thương nhất. Ngoài việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt môi sinh, môi trường, nguồn lợi thì những lợi ích kinh tế trước mắt từ việc thông thương với Campuchia qua tuyến thủy lộ truyền thống sẽ mất đi. Cửu Long sẽ thực sự cạn dòng khi không còn lũ, và thậm chí nước ngọt không đủ cho nhu cầu tưới tiêu tối thiểu.

Trong lịch sử cổ đại, chẳng phải người Hán đã từng chặn dòng Thác Lý Mộc trong cuộc bao vây Lâu Lan – một trong những quốc gia cổ đại thịnh vượng trên Con Đường Tơ Lụa, hình thành vào khoảng thế kỷ 2 TCN – khiến cho toàn bộ quốc gia này diệt vong hay sao?

Với những hậu quả đã hiện rõ trước mắt nếu như giới chức Việt Nam vẫn tiếp tục thái độ bàng quang, duy trì các chính sách nông nghiệp, thủy lợi duy ý chí và lạc hậu, không cho người nông dân quyền tự quyết về việc “nuôi con gì, trồng cây gì” như hiện tại thì ngay khi “Đế chế Phù Nam” hoàn thành, người ta sẽ tận mắt chứng kiến sự tàn lụi của một vùng châu thổ giàu có ĐBSCL chỉ trong vài năm tới. ĐBSCL đang gánh vác trách nhiệm an ninh lương thực, đảm bảo diện tích trồng lúa lớn. Người dân không có quyền trên thửa ruộng của họ và ngay cả việc bán sản phẩm lúa gạo cũng phải thông qua các công ty lương thực nhà nước hoặc các chủ vựa là người nhà của giới chức chính quyền.

Tùng Phong / Saigon Nhỏ

Vấn đề khi nhấn? Chép và dán URL này vào trình duyệt:
https://anle20.wordpress.com/2023/10/10/kenh-dao-de-che-phu-nam-hay-tieng-chuong-bao-tu-cho-dong-bang-song-cuu-long/

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2023

Top 7 loại quả ăn buổi sáng là “thần dược” ăn tối là “độc dược”...

 


7 loại trái cây đặc sản của Việt Nam này rất tốt cho sức khỏe khi ăn vào ban ngày, tuy nhiên chúng có thể gây hại khi ta ăn vào ban đêm.

NHỮNG LOẠI QUẢ KHÔNG NÊN ĂN BUỔI TỐI

1. SẦU RIÊNG

Sầu riêng

Không chỉ là loại quả bổ dưỡng, sầu riêng còn được xem là phương thuốc chữa ho và bệnh ngoài da rất hiệu quả. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều sầu riêng vì sẽ gây nóng trong người, dễ sinh mụn nhọn.

Với hàm lượng đường cao, người bị huyết áp cao, huyết áp thấp, đường huyết cao, tim mạch không tốt, loét đường ruột nên hạn chế ăn sầu riêng vào buổi tối vì dễ gặp biến chứng. Bởi vậy nên ăn giảm cơm sau đó mới ăn sầu riêng để tránh tình trạng hấp thu năng lượng quá mức.

2. QUẢ BƠ

Quả bơ

Trong sách Guiness có ghi bơ là trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất. Cứ 100g thịt trái bơ chín thì lại có 60g nước, 2,08g protid, 20,10g lipid, 7,4g gluxit, tro 1,26g, các chất khoáng: Ca 12mg, P 26, Fe 0,6mg, vitamin A 205mg, B1 0,05mg, C 20mg, các aminaxit: cystin, tryptophan. Bên cạnh đó, quả bơ còn có nhiều chất kháng khuẩn.

Quả bơ có tác dụng làm giảm lượng cholesterol và mỡ trong máu, bảo vệ hệ thống tim mạch, huyết quản và gan, làm khỏe dạ dày, thanh lọc ruột…Đây là loại quả rất thích hợp để bồi bổ cho trẻ em và người già, tuy nhiên mỗi ngày chỉ nên ăn một quả. Bên cạnh đó, bơ có hàm lượng mỡ thực vật rất cao, do đó không nên ăn nhiều vào buổi tối.

3. QUẢ XOÀI

Quả xoài

Một miếng xoài trung bình chứa 100calo, 1g protein, 0,5g chất béo, 25g carbohydrate, 23g đường và 3g chất xơ. Khẩu phần này đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày về vitamin C, 35% vitamin A, 20% folate, 10% vitamin B6, 8% vitamin K và kali của cơ thể.

Na còn chứa canxi, sắt, đồng và một số hóa chất chống ôxy hóa. Chất chống oxy hóa zethanthin trong xoài giúp lọc những tia sáng xanh gây hại cho mắt, nhất là nguy cơ thoái hóa điểm vàng ở tuổi già.

Bên cạnh đó, một số chất dinh dưỡng như beta-carotene có trong xoài còn giúp ngăn ngừa bệnh suyễn, ung thư tuyến tiền liệt và kết trực tràng. Do có chỉ số đường cao, không nên ăn nhiều xoài về đêm, đặc biệt là với người mắc tiểu đường.

4. MĂNG CỤT

Được xem là một loại quả rất giàu dinh dưỡng, với các vitamin như B1, C, chất đạm, chất béo, chất xơ, canxi, phốt pho, sắt… Măng cụt còn có chứa hỗn hợp kháng thể Xanthones thiên nhiên có khả năng diệt khuẩn.

Do vậy nên bổ sung măng cụt vào thực đơn ăn tráng miệng hoặc ăn vặt vào ban ngày, nhưng tránh xa loại quả ngon này vào buổi tối vì nó có thể khiến giấc ngủ chập chờn. Hơn nữa, chất xanthone trong măng cụt có thể phát huy tác dụng và gây ngộ độc. Bởi vậy chỉ nên ăn loại quả này vào ban ngày.

5. QUẢ NA

Quả na

Cũng là nguồn dinh dưỡng phong phú trong quả na, nhất là vitamin C. Một quả na có thể cung cấp 1/5 nhu cầu vitamin C mà cơ thể cần, vì vậy nó có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả cho cơ thể. Ngoài ra, na còn chứa nhiều chất xơ, carbohydrates, kali, một số vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe.

Quả na rất có ích cho người ăn kiêng hoặc đang muốn giảm cân bởi nó không chứa chất béo bão hòa và cholesterol. Na rất ngọt, lượng đường cao nên cần chú ý cẩn trọng khi ăn vào buổi tối.

6. THANH LONG

Quả thanh long

Thanh long là loại quả đặc sản quen thuộc của người Việt và nổi tiếng là giàu dinh dưỡng. Hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào của loại quả này mang lại nhiều lợi ích sức khỏe bất ngờ. Trong quả thanh long có nhiều các vi nguyên tố như vitamin C, vitamin B1, B2, B3, canxi, photpho, sắt…Thanh long được xem là loại trái cây giảm béo hiệu quả và có tác dụng phòng chống táo bón.

Thanh long là loại trái cây chứa nhiều đường không nên ăn nhiều vào buổi tối. Những người bị rối loạn đường ruột, tiêu chảy, tiểu đường đặc biệt nên tránh xa loại quả này sau bữa tối.

7. QUẢ DỨA

Quả dứa

Dứa có chứa một loại chất hữu cơ là glycoside và chất đạm, sau khi ăn quá nhiều vào buổi tối có thể gây ra hiện tượng đau đầu. Ngoài ra, bạn còn có thể mắc phải các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, nhức đầu, ngứa ran chân tay, đầu lưỡi...

Vì vậy, đừng ăn dứa vào gần sát giờ đi ngủ để bảo vệ hệ thần kinh của mình trong khi ngủ tốt nhất.

 Theo SKĐS/Pháp luật và bạn đọc